2 cựu lãnh đạo của Cienco 1 bị đề nghị 9 đến 10 năm tù
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhóm bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: CTV |
Chiều 7/6, đại diện Viện kiểm sát khi nêu quan điểm luận tội đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Cấn Hồng Lai - cựu Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) và Phạm Dũng - cựu Chủ tịch HĐTV Cienco 1 cùng mức án 9 - 10 năm tù giam về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Bị cáo Lê Văn Long - cựu Kế toán trưởng Cienco 1 bị đề nghị 4 - 5 năm tù; Nguyễn Thị Bích Hạnh - cựu Phó phòng Tài chính Kế toán và Nguyễn Mạnh Tiến - cựu Trưởng phòng Kế hoạch thị trường Cienco 1, 36 - 42 tháng tù.
Các bị cáo Nguyễn Anh Tuấn - cựu Phó phòng Kiểm toán thuộc Công ty Kiểm toán A&C chi nhánh Hà Nội và Nguyễn Ngọc Tuyến - cựu kiểm toán viên công ty bị đề nghị 24 - 30 tháng tù.
Về dân sự, bên giữ quyền công tố ghi nhận sự thỏa thuận, thống nhất giữa Bộ Giao thông Vận tải và Cienco 1 tại biên bản họp ngày 30/3/2023 về việc bàn giao khoản nợ hơn 184 tỷ đồng, hoàn trả cho nhà nước số tiền đã thu hồi được từ khoản nợ này.
Ngoài ra, Viện kiểm sát đề nghị buộc bị cáo Phạm Dũng, Cấn Hồng Lai, phải liên đới bồi thường hơn 54,7 tỷ đồng tiền thiệt hại do không xác định giá đất theo giá trị thị trường.
Theo Viện kiểm sát, hành vi của các bị cáo Phạm Dũng, Cấn Hồng Lai, Nguyễn Mạnh Tiến, Nguyễn Thị Bích Hạnh đã vi phạm các quy định tại Điều 15 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần.
Cùng với đó là Thông tư số 202 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa, Thông tư số 228 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất, các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi.
Còn hành vi của bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, Trần Ngọc Tuyến đã vi phạm các quy định của Luật Giá 2012, Tiêu chuẩn thẩm định giá…
Sai phạm của các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước khoảng 240 tỷ đồng, đây là vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Theo đó, cáo trạng truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật. Quan điểm của Viện kiểm sát, bị cáo Phạm Dũng là Chủ tịch HĐTV, Trưởng ban Chỉ đạo cổ phần hóa, là người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo và tổ chức thực hiện cổ phần hóa Cienco 1.
Quá trình chủ trì, tổ chức các cuộc họp liên quan đến việc xác định giá trị doanh nghiệp, thẩm định phương án cổ phần hóa, bị cáo không đưa nội dung về việc xử lý khoản nợ 184,9 tỷ đồng để yêu cầu đối chiếu, đưa khoản nợ này vào giá trị doanh nghiệp.
Khi cổ phần hóa, Cienco 1 không bàn giao giá trị quyền sử dụng 4 khu đất vào giá trị doanh nghiệp, gồm: 422m2 tại số 135 Nguyễn Văn Đậu, TP HCM; 916m2 tại TP Tân An, tỉnh Long An; 16.706m2 tại Châu Thành, tỉnh Tiền Giang và 852m2 tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Hội đồng định giá tài sản xác định tổng giá trị 4 khu đất vào năm 2013 là hơn 67,4 tỷ đồng, tuy nhiên, nhóm cựu lãnh đạo Cienco 1 và các bị cáo thuộc Công ty A&C xác định đây là "tài sản cố định vô hình" với tổng giá trị 12,6 tỷ đồng.
Vì sao cựu Chủ tịch HĐTV và Tổng giám đốc CIENCO 1 bị bắt? | |
Cựu Tổng Giám đốc Cienco 1 sắp ra tòa vì tự ý xóa nợ 184 tỷ đồng |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại