Thứ ba 07/05/2024 23:13

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hệ thống y tế cơ sở còn tồn tại nhiều khó khăn cần được tháo gỡ nên hiện chưa được người dân coi trọng.

Y tế cơ sở (YTCS) là nền tảng của hệ thống y tế. Mạng lưới YTCS cả nước hiện phát triển rộng khắp với 11.161 trạm y tế xã, phường, thị trấn và 684 BV huyện, 296 phòng khám đa khoa khu vực; 91,8% thôn, bản có nhân viên y tế.

Ở các nước phát triển, YTCS có vai trò rất quan trọng. Bệnh nhân bắt buộc phải qua khám tại đây mới được gửi lên tuyến trên. Nhưng, trên thực tế hiện nay, người dân Việt Nam vẫn chưa tin tưởng vào trạm y tế (TYT) tuyến xã nên vượt tuyến không cần thiết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại nhiều BV tại Hà Nội, nhiều bệnh nhân chỉ bị những bệnh lý nhẹ như tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2 cũng đi khám vượt tuyến. Trong khi đó, những bệnh này hoàn toàn có thể được y tế tuyến cơ sở kiểm soát, khám và cấp phát thuốc điều trị.

nang cao chat luong kham chua benh tai tuyen y te co so
Người dân vẫn chưa quá “mặn mà” với y tế cơ sở.

Trên thực tế, khoảng 35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh (KCB) ở tuyến TƯ có thể điều trị được ở tuyến tỉnh và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện; 41,5% bệnh nhân đến KCB ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở tuyến xã.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là do yếu kém, hạn chế về nhân lực, cơ sở vật chất và chính sách bảo hiểm y tế đối với YTCS. Hiện tại YTCS chỉ đáp ứng được 50-70% các dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc theo phân tuyến. Tại nhiều trạm y tế xã, tủ thuốc chỉ có vài loại, mỗi đơn thuốc tính ra chưa đến 50.000 đồng. Phòng khám tổng quát chật hẹp, nhếch nhác, không đảm bảo yêu cầu cơ bản; phòng làm thủ thuật không đảm bảo vô trùng; một số nơi nhà vệ sinh không sạch sẽ, thậm chí không có nhà vệ sinh trong khi một số phòng bỏ trống…

Đối với YTCS, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý bệnh mạn tính, không lây nhiễm phải được đặt lên hàng đầu. Nhưng thực tế mới chỉ quản lý được 13,6% người bệnh tăng huyết áp, 28,9% người bệnh đái tháo đường…

Đây là một phần hệ lụy từ sự bất cập trong chính sách bảo hiểm YTCS. Hiện tại, ngân sách Nhà nước chưa đảm bảo 30% chi dự phòng. Ngân sách cho TYT chỉ chi lương, không có kinh phí chi hoạt động. Với việc BHYT không chi trả cho khám sàng lọc; quỹ BHYT giao cho TYT thấp (không quá 20% quỹ KCB BHYT ngoại trú)… dẫn đến một số loại bệnh YTCS có khả năng cấp thuốc nhưng phải chuyển lên tuyến trên.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, để giải quyết vấn đề trên thì cần tăng cường hơn nữa nguồn lực cho YTCS. Theo đó, hai việc cần làm ngay với TYT xã là lập và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân và theo dõi, quản lý, cấp thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm, mạn tính, chăm sóc giảm nhẹ ung thư.

Đồng thời, hoàn thiện trung tâm y tế tuyến huyện đa chức năng, không xóa trạm y tế xã, lồng ghép hoạt động của phòng khám đa khoa khu vực với trạm y tế. Đào tạo trực tuyến cho 100% trạm y tế xã, bước đầu đào tạo 5 ngày về bệnh không lây nhiễm. Bộ Y tế cử cán bộ BV tuyến Trung ương, tuyến cuối về giúp TYT xã và BV huyện để khám chữa bệnh, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật.

Với các TYT chưa có bác sĩ thì sẽ cử bác sĩ luân phiên về làm việc khoảng 2-3 ngày/tuần/trạm; điều chuyển đi và đến một số y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ trung học theo yêu cầu của các trạm. Bộ Y tế đặt lộ trình tới năm 2019 mỗi tỉnh triển khai ít nhất 15% số trạm y tế; giai đoạn 2019-2020 triển khai ít nhất 30% số trạm y tế.

“GĐ Sở, trung tâm y tế huyện cần chủ động kêu gọi xã hội hóa trong xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động khám chữa bệnh; hoặc có kế hoạch trình đề án đầu tư nhân lực, vật lực, cải tạo trang thiết bị y tế lên cấp có thẩm quyền.

Bộ Y tế cũng đề nghị BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh TP tính toán, giao thí điểm định suất cho số thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các TYT xã thí điểm; đảm bảo đủ thuốc theo phân tuyến, thuốc đã quy định trong gói dịch vụ y tế cơ bản...”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.

Thế Vinh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động