Hà Văn Thắm kháng cáo những nội dung gì?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTrước đó, Hà Văn Thắm bị tuyên án chung thân về các tội: “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong đơn kháng cáo, Hà Văn Thắm viết, xin chấp hành bản án mà tòa sơ thẩm đã tuyên về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo xin HĐXX phúc thẩm của TAND cấp cao xem xét về tội danh “Tham ô tài sản” (bị tuyên án chung thân), “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” (bị tuyên 20 năm tù).
Thắm cho rằng, không bàn bạc, không đồng ý để Sơn chiếm đoạt và tham ô số tiền mà Oceanbank thông qua Sơn chuyển cho khách hàng gửi tiền, cụ thể là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). “Tôi chỉ biết, số tiền đã chuyển cho PVN thông qua ông Sơn là chi chăm sóc cho PVN, không chi cho bất cứ cá nhân nào” – Thắm viết. Ngoài ra, bị cáo trình bày, cáo trạng thể hiện bị cáo sở hữu 62,9% cổ phần Oceanbank. Như vậy, Thắm không thể giúp sức cho Sơn chiếm đoạt, tham ô tài sản là tiền mà Oceanbank chi cho khách hàng.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm |
Cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank cũng phân trần, bị kết tội vì đã ra chủ trương chi tiền vượt trần lãi xuất cho PVN. Bởi vậy, ông Sơn mới có cơ hội tham ô tài sản, chiếm đoạt. Tuy nhiên, hành vi này của bị cáo đã bị kết tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Thắm nêu, trong số 246 tỷ đồng Sơn bị quy kết, bị cáo chiếm đoạt 49 tỷ đồng của PVN (tương đương 20% cổ phần PVN sở hữu tại Oceanbank), số còn lại là của các cổ đông khác. Các cổ đông này chủ yếu lại là bị cáo. Như vậy, Thắm không thể là đồng phạm giúp sức cho Sơn chiếm đoạt tiền của mình.
Liên quan đến phần dân sự, Thắm cũng kháng cáo với lý do, tòa tuyên bị cáo bồi thường hơn 800 tỷ đồng là chưa đúng. Bị cáo thừa nhận hành vi cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, bị cáo cố ý làm trái gây hậu quả phi vật chất và làm lợi cho Oceanbank. Các khoản tiền chi chăm sóc khách hàng là hành động “mua cao, bán đắt".
Số tiền huy động được đã cho vay hết và Oceanbank trong các năm chi lãi suất vượt trần đều có lãi và nộp gần 300 tỷ đồng tiền thuế thu nhập, 300 tỷ đồng tiền chi cổ tức cho PVN. Bị cáo lý giải, hiện số cổ phần của mình bị mất 2.500 tỷ đồng (tương đương 63% bị mua lại với giá 0 đồng).
Nếu bị tuyên phải đền thêm cho Oceanbank hơn 800 tỷ đồng là bất công với Thắm. Bị cáo cũng giải trình về những số tiền liên quan đến Cty BSC. “BSC là doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của Luật thì Oceanbank cho Cty BSC vay 18,9 tỷ đồng cũng không hề vi phạm. Kính mong quý tòa xem xét và phán xử công bằng cho tôi. Cho tôi có cơ hội được quay quay lại với xã hội và gia đình để làm lại cuộc đời và được hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước” – Thắm viết trong đơn kháng cáo.
Ngoài Hà Văn Thắm, TAND TP Hà Nội cũng nhận được đơn kháng cáo của 27bị cáo khác, trong đó có Nguyễn Xuân Sơn, cựu TGĐ Oceanbank. Sơn bị tuyên án tử hình và bị cáo kêu oan ở tội “Tham ô tài sản”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Sơn chỉ thừa nhận tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và xin HĐXX phúc thẩm áp dụng mức hình phạt nhẹ hơn.
Ngày 18-10, TAND TP Hà Nội cho biết, nhận thêm đơn kháng cáo của 10 bị cáo trong vụ án “đại án” xảy ra tại Oceanbank. Trong đó, có đơn kháng cáo của bị cáo Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank; Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng Giám đốc Oceanbank; Nguyễn Minh Thu, nguyên Phó Tổng Giám đốc Oceanbank; Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng Việt Nam…). Như vậy, đến nay đã có 28 trên tổng số 51 bị cáo trong vụ án này làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại