Thứ sáu 08/11/2024 14:25

Xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm: Những tình tiết “đắt” sau 5 ngày khai tòa

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 20 ngày và HĐXX đã làm việc được ¼ chặng đường. Với 5 ngày xét hỏi, có nhiều tình tiết đáng chú ý diễn ra…

Nữ diễn viên kiêm thư ký của Hà Văn Thắm

Hoàng Thị Hồng Tứ tốt nghiệp trường ĐH Sân khấu điện ảnh và được biết đến là diễn viên Quỳnh Tứ. Mỗi khi xuất hiện tại tòa, chị này đều đeo khẩu trang che mặt và càng khiến nhiều người tò mò. Trong số các nữ bị cáo trong vụ án này, Tứ có hoàn cảnh khá éo le. Bố là thương binh và 2 anh trai bị nhiễm chất độc da cam, mất sức lao động. Tứ đã ly hôn và đang nuôi hai con nhỏ.

Trả lời tòa, nữ diễn viên này thường tỏ ra xúc động, khóc nức nở khiến HĐXX phải động viên. Tứ được Thắm tuyển dụng vào Oceanbank giúp việc hành chính, văn phòng cho HĐQT. Năm 2008, khi Cty BSC (sân sau của Thắm) thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 3, Tứ đang là thư ký HĐQT Oceanbank được Thắm cho đứng tên làm Chủ tịch HĐQT BSC.

Ngày 3-4-2009, theo chỉ đạo của Thắm, Tứ đã ký hợp đồng bổ nhiệm Phạm Hoàng Giang làm TGĐ BSC với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Trong thời gian từ ngày 22-5-2009 đến 31-1-2012, Cty BSC đã ký 721 hợp đồng dịch vụ khống, 80 hợp đồng mua bán tài sản có kỳ hạn để “thu phí” được tổng số tiền gần 69 tỷ đồng; trong đó, Tứ đã ký 98 hợp đồng, thu hơn 14 tỷ đồng.

Theo lời khai của Tứ, các hợp đồng này được khách hàng ký trước và trên hợp đồng, Tứ là người đại diện Cty BSC nên chị ta phải ký hoàn thiện.

Trả lời tòa, Tứ nói, không hay biết về công việc. Dù là Chủ tịch HĐQT nhưng Tứ không hề điều hành, Thắm bảo đứng tên thì nhận lời. Chị ta cũng không được hưởng lương, không góp vốn. Tại phiên tòa lần này, nhắc đến vai trò của Tứ, bản thân Thắm cũng nói rằng, dựng Tứ cũng chỉ là hình thức vì không tin tưởng “người đẹp”.

Tứ không có chuyên môn, kinh nghiệm gì ở lĩnh vực này. Cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank tỏ ra ngạc nhiên khi biết, nữ Chủ tịch HĐQT BSC lại ký vào các hợp đồng trên. “Lúc đầu không có người làm nên BSC không có hoạt động. Sau đó, Giang về thì bị cáo trao đổi với Giang và Hoàn. Còn Tứ thì không biết gì vì bị cáo không tin tưởng nghiệp vụ của Tứ” – lời Thắm.

bị cáo Sơn
Bị cáo Sơn trả lời tòa.



Quà biếu 200 triệu cũng… rất khiêm tốn!

Phiên xử lần này, Nguyễn Xuân Sơn, nguyên TGĐ Oceanbank được HĐXX nhận định là có nhiều thay đổi trong lời khai. Nếu tại phiên tòa sơ thẩm lần 1, bị cáo “cãi bay” thì lần xử này, Sơn tỏ ra thành khẩn hơn.

Xung quanh việc sử dụng số tiền chi lãi ngoài của Oceanbank, Sơn đã trả lời tòa nhiều tình tiết.

Bị cáo buộc chi lãi ngoài gần 300 tỷ đồng, Sơn thừa nhận nhưng nói rằng, con số không nhiều như cáo buộc của VKSND TC. Khi nào bị cáo Thắm có tiền thì chi chứ không theo quy định, tỷ lệ nào cả. Con số cụ thể chắc chắn cả bị cáo và Thắm không nhớ được và bị cáo xin hoàn toàn chịu. “Số tiền này chi cho ai”, tòa hỏi, Sơn đáp, đưa cho Ninh Văn Quỳnh, nguyên kế toán trưởng PVN, khoảng 50 tỷ đồng. Còn khoản tiền chi trực tiếp cho lãnh đạo tập đoàn thì chỉ là dịp lễ, Tết. Ngoài ra còn chi cho mục đích từ thiện, chi ngoại giao, tiếp khách, xây nhà cho người nghèo và không dùng cho cá nhân một đồng nào.

HĐXX “truy” bị cáo về việc tiền để đầu tư vào nhà, đất, chứng khoán ở đâu thì Sơn cho hay, mình là người đầu tư tài chính, cũng nổi tiếng trên thị trường chứng khoán. Khi thấy thị trường tốt, bị cáo đã đầu tư và thu khá nhiều tiền. Sơn có nhờ Nguyễn Thị Minh Phương, Phó TGĐ Oceanbank và Nguyễn Xuân Thắng, PGĐ Khối khách hàng lớn và đối tác chiến lược Oceanbank, quản lý tiền giúp. “Bị cáo còn đầu tư sàn vàng, có lần năm 2007, nhờ Thắng đầu tư 10 tỷ đồng vào sàn vàng. Hay còn đầu tư vào ngân hàng, chứng khoán, mua căn hộ. Tiền bị cáo chạy “lung tung” – Sơn khai.

Đáng chú ý, được tòa hỏi về việc chi lễ, Tết, những món quà “mang tính tình nghĩa” nhưng quà tặng là 200 triệu đồng, Sơn nói rằng, việc chi quà Tết bị nền kinh tế thị trường làm cho méo mó. Được đi chúc Tết là mừng rồi, đưa quà “bé quá” thì thấy không tương xứng và chi như thế cũng là… “rất khiêm tốn”. HĐXX phân tích rằng, theo Luật Phòng chống tham nhũng, chi 500 nghìn đồng là đã bị nghiêm cấm rồi, Sơn lặng im.

bị cáo Tứ
Bị cáo Tứ đến tham dự phiên tòa. ẢNH:H.ĐỖ


Khởi tố, bắt tạm giam Phó TGĐ PVN

Liên quan đến phần vốn góp 20% (tương đương 800 tỷ đồng) của PVN vào Oceanbank, đại diện PVN, trình bày, PVN được phép tham gia thành lập một ngân hàng thương mại với vốn góp dưới 50% để phát triển Tập đoàn.

Tập đoàn chủ trương thành lập Ngân hàng Hồng Việt nhưng sau đó, vì một số lý do không được thành lập. Vì PVN được phép góp vốn vào ngân hàng thương mại cổ phần nên đã rót vốn vào Oceanbank (20% vốn tùy theo từng thời kỳ).

Năm 2008, tương ứng với 20% là 400 tỷ đồng, năm 2010, con số này là 300 tỷ đồng, lần góp vốn sau cùng là thêm 100 tỷ đồng, tổng cộng 800 tỷ đồng. Lý giải về những căn cứ pháp lý cho việc góp vốn, đại diện PVN trình bày, tại thời điểm 2008, khi xin chủ trương góp vốn, được phép mua tối đa 20% cổ phần ở một ngân hàng.

Có 3 lần góp vốn vào Oceanbank, chỉ có lần sau cùng mới sai khung pháp luật vì Luật được sửa đổi. Nhưng lần góp vốn thứ 3 là hệ quả triển khai lần góp vốn thứ 2.

Vị đại diện PVN cũng cho rằng, từ thời điểm góp vốn đến thời điểm Oceanbank bị giải thể thì năm nào cũng có lãi: “Chúng tôi chỉ nhìn góc độ mua cổ phần và được chia cổ tức, như vậy là hiệu quả. Còn nếu các cơ quan tố tụng nói không hiệu quả thì phải chờ tòa phán quyết”.

Nhưng HĐXX phân tích, NHNN phải mua lại Oceanbank với giá 0 đồng, chứng tỏ là hoạt động không hiệu quả; như vậy, việc góp vốn không hiệu quả. Đầu tư 800 tỷ đồng không mang lại kết quả gì.

Đáng chú ý, quá trình điều tra vụ án này giai đoạn 2, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác định: Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN; Ninh Văn Quỳnh, nguyên kế toán trưởng PVN, hiện là Phó TGĐ PVN; Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN đã có hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc PVN góp vốn điều lệ vào OceanBank. Ngày 31-8, CQCA đã khởi tố vụ án; khởi tố bị can, bắt các đối tượng này trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVN.

Chính thức lên tiếng về việc này, đại diện PVN cho biết, Tập đoàn đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình làm rõ vụ việc. Việc các cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện tố tụng đối với cá nhân nêu trên không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của PVN.

Ngay khi nhận được thông báo từ cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, PVN đã triển khai thủ tục đình chỉ công tác đối với ông Ninh Văn Quỳnh; đồng thời tổ chức phân công lại các đồng chí trong Ban lãnh đạo Tập đoàn để ổn định nội bộ, thực hiện các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2017.

Khắc phục sau thanh tra còn vi phạm nặng hơn?

Trước khi CQĐT làm rõ vụ án này, NHNN đã có các cuộc thanh tra, kiểm tra và đã phát hiện ra sai phạm của Oceanbank. Đại diện cho Ngân hàng Nhà nước là ông Trần Anh Hùng, đại diện theo ủy quyền, đã trả lời các câu hỏi của HĐXX.

Như lời ông Hùng, NHNN thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ; đã kiểm tra, thanh tra với Oeanbank và ra 3 kết luận. Các lần thanh tra đánh giá về hoạt động của Oeanbank trong những năm vừa qua. Sau khi có kết luận thanh tra, NHNN đã yêu cầu Oeanbank khắc phục hậu quả theo Kết luận số 427. Vì thấy, Oeanbank không nghiêm túc thực hiện kết luận thanh tra, có biểu hiện thanh toán lòng vòng, vi phạm nghiêm trọng hơn nên tiếp tục yêu cầu Oeanbank chấn chỉnh, khắc phục.

Năm 2014, NHNN thanh tra Oeanbank về việc phương án cơ cấu lại giai đoạn 2013-2015 và cơ quan giám sát đề nghị chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, yếu kém và một lần nữa đề nghị Oceanbank thực hiện nghiêm túc kiến nghị nếu không sẽ xử lý theo quy định.

Trả lời tòa về quyền, lợi ích của các tổ chức cá nhân giao dịch với Oeanbank trước, trong và sau này, vị đại diện cho hay, sau khi nhà nước mua lại với giá O đồng, dù thay đổi chủ sở hữu nhưng các quyền lợi của khách hàng vẫn được giữ nguyên.

Đặt câu hỏi về năng lực hay cố tình bỏ qua sai phạm của Oceanbank thì ông Hùng cho rằng, bản thân ông không tham gia trực tiếp đoàn kiểm tra nên xin được trả lời câu hỏi này sau.

“Kết luận thanh tra số 427 của cơ quan thanh tra đã chỉ ra một loạt các sai phạm được chỉ ra và yêu cầu khắc phục. Nhưng sai phạm không được chấn chỉnh còn vi phạm nghiêm trọng hơn, vậy vai trò của NHNN như thế nào?” – đại diện VKSND hỏi thì ông Hùng vẫn xin được “nợ” câu trả lời và các ngày xử sau.

Hoa Đỗ / PL&XH

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động