Thứ bảy 18/05/2024 22:33

Yêu công việc hòa giải hơn khi thấy tình làng nghĩa xóm đoàn kết

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bà Lại Thu Hà, Tổ trưởng Tổ hòa giải địa bàn dân cư số 6 phường Ngọc Khánh cho biết, mỗi cuộc hòa giải thành công, mọi người gắn kết tình cảm, tình nghĩa làng xóm được nâng cao khiến bà cảm thấy yêu công việc hòa giải hơn.

Trao đổi với PV, bà Lại Thu Hà, Tổ trưởng Tổ hòa giải địa bàn dân cư số 6 phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, tổ hòa giải do bà quản lý có 5 thành viên. Bà tham gia công tác hòa giải tại phường Ngọc Khánh từ năm 2009 sau khi nghỉ hưu ở cơ quan về địa phương.

Yêu công việc hòa giải hơn khi thấy tình làng nghĩa xóm đoàn kết
Bà Hà cảm thấy yêu công việc hòa giải khi các vụ hòa giải thành giúp tình làng nghĩa xóm, đoàn kết trong địa bàn dân cư được nâng lên..

Vốn là cán bộ ngành tư pháp về hưu nên khi tham gia công tác hòa giải tại địa phương bà Hà không gặp khó khăn và được gia đình ủng hộ.

Kể lại câu chuyện hòa giải của tổ hòa giải địa bàn dân cư số 6, bà Hà thông tin, trên địa bàn có nhiều vụ hòa giải nhưng có 2 vụ hòa giải điển hình đó là vụ hòa giải một bà già bị lẫn mang rác về để đầy ngõ khiến người dân bức xúc và một vụ liên quan hai vợ chồng mâu thuẫn, đòi ly hôn. Trong đó, câu chuyện hòa giải hết sức khó khăn, cả chính quyền địa phương, tổ hòa giải, tổ dân phố, công an khu vực vào cuộc nhiều lần mới giải quyết được vụ việc.

Cụ thể, có bà A sống độc thân và ở với vợ chồng người cháu trên địa bàn. Bà A tuổi đã cao nên có độ lẫn, bà thường xuyên đi ra ngoài rồi nhặt rác mang về nhà để bán đồng nát, khi nhà không còn chỗ để, bà bắt đầu để ra ngõ, để nhiều ở ngoài ngõ khiến hàng xóm bức xúc.

“Mùi hôi thối của rác thải bà A chất đầy nhà và chất đầy ngõ khiến người dân bức xúc và gửi đơn lên UBND phường Ngọc Khánh. Nhận được phản ánh của bà con, tổ hòa giải đã đến nhà bà A khuyên giải nhiều lần nhưng bà A không hợp tác, bà phản hồi, rác đó không ảnh hưởng đến ai và bà không chuyển đi đâu”, bà Hà nhấn mạnh.

Sau đó, vợ chồng người cháu cũng xảy ra mâu thuẫn và rời ra ngoài ở. Chính quyền địa phương cùng tổ hòa giải đến hòa giải nhiều lần nhưng bà A vẫn không hợp tác. Sau nhiều ngày vận động, phường cùng các ban ngành đoàn thể đến vận động bà A. Rất mừng, sau khi phân tích về mặt pháp luật và tình cảm hàng xóm láng giềng, vệ sinh môi trường thì bà A đã nhận ra và đồng ý cho tổ công tác dọn toàn bộ số rác bà nhặt về để bán được chất đầy ở khu vực ngõ đi lại.

“Chúng tôi phải huy động 2 xe chở rác thải mới hết được khu vực ngoài ngõ nhà bà A. Phần trong nhà bà A chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà không nhặt rác về nhà và dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa. Chuyện của bà A đã hòa giải thành, chính quyền địa phương và tổ hòa giải, hàng xóm đều vui”, bà Hà chia sẻ.

Theo bà Hà, câu chuyện thứ 2 về mâu thuẫn vợ chồng, người chồng đòi ly hôn cũng vất vả trong khâu hòa giải không kém. Hai vợ chồng này ở quê lên Hà Nội làm việc và ở nhờ nhà bà cô trên địa bàn dân cư số 6. Hai vợ chồng có với nhau 2 người con và người chồng muốn sinh con thứ 3 nên người vợ làm ngân hàng đã chiều chồng và đồng ý sinh con thứ 3 là con trai nhưng điều không mong muốn là người vợ bị vi phạm ở cơ quan ngân hàng nên bị ngân hàng cho nghỉ việc.

Yêu công việc hòa giải hơn khi thấy tình làng nghĩa xóm đoàn kết
Người chồng ghen tuông vợ nên đã uống rượu bia suốt ngày, bỏ bê gia đình, con cái.

Khi sinh con, cuộc sống khó khăn chỉ trông chờ vào đồng lương bảo vệ của người chồng nên gia đình càng khó khăn hơn và mâu thuẫn gia đình cũng xảy ra nhiều hơn. Người vợ sau sinh một thời gian cũng bươn chải các công việc như buôn bán, bán hàng ở vỉa hè để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Sau đó vài năm, khi con trai được 3 tuổi, cơ quan của người vợ cho đi làm lại.

Lúc này, người vợ lại làm ở bộ phận không được sử dụng điện thoại từ khi vào làm đến khi ra về. Mâu thuẫn cũng bắt đầu phát sinh nhiều hơn khi người chồng luôn nghĩ người vợ bồ bịch, có người khác bên ngoài.

Chán nản, người chồng tìm đến bia rượu, suốt ngày say đi làm, ở lại cơ quan không về nhà để một mình vợ chăm 3 con. Người chồng đề nghị ly hôn nhưng người vợ không muốn nên.

Nắm bắt được sự việc, tổ hòa giải đã đến gặp người vợ và nghe người vợ kể lại sự việc, người vợ không muốn ly hôn trong khi người chồng ghen tuông, nghĩ vợ bồ bịch, bỏ bê chăm con cái. Sau khi lắng nghe người vợ, tổ công tác đã tìm đến công ty nơi người chồng làm việc để gặp gỡ, trò chuyện bởi chỉ khi đi làm người chồng này mới tỉnh táo.

“Chúng tôi đã phân tích cho người chồng biết được sự hi sinh của người vợ khi cô đang có một công việc ổn định, vì chồng muốn có người con trai đã chấp nhận sinh con thứ 3, chấp nhận bị nghỉ việc để sinh con cho chồng. Mặt khác, là người chồng, anh phải hiểu được vợ anh làm công việc trong bộ phận không được sử dụng điện thoại nên việc anh gọi điện trong giờ hành chính vợ anh không nghe được là điều đương nhiên. Anh không thể vịn cớ không gọi được cho vợ, nghĩ vợ bồ bịch bên ngoài được.

Trong khi đó, anh rượu chè, bỏ bê con cái, đến bữa cơm vợ chưa nấu, con đói lại đi mò cơm nguội ăn, chứng kiến cảnh đó, các thành viên tổ hòa giải cảm thấy thương các cháu. Anh là người chồng, phải có trách nhiệm chia sẻ với vợ việc chi phí ăn uống, sinh hoạt, chăm con, nuôi dưỡng con trưởng thành”, bà Hà phân tích.

Sau khi được phân tích đúng sai, tình cảm vợ chồng và chăm con, người chồng đã nhận ra sự sai lầm của mình, ghen tuông không đúng. Người này đã quay lại với vợ, chăm con và gia đình vui vẻ, hạnh phúc.

“Đối với những người làm công tác hòa giải như chúng tôi, nhìn thấy mọi người vui vẻ, tình làng nghĩa xóm được nâng cao, đoàn kết trong khu dân cư là hạnh phúc và cảm thấy yêu công việc hòa giải”, bà Hà tâm sự.

Người hòa giải luôn phải đặt địa vị của mình vào các bên thì mới hòa giải thành Người hòa giải luôn phải đặt địa vị của mình vào các bên thì mới hòa giải thành

Bà Phạm Thị Nhịp, hòa giải viên địa bàn dân cư số 12 phường Ngọc Khánh, Hà Nội cho biết, làm hòa giải phải làm ...

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động