Thứ sáu 29/03/2024 16:42

Người hòa giải luôn phải đặt địa vị của mình vào các bên thì mới hòa giải thành

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bà Phạm Thị Nhịp, hòa giải viên địa bàn dân cư số 12 phường Ngọc Khánh, Hà Nội cho biết, làm hòa giải phải làm bằng cái tâm trong sáng, phải có kiến thức và tuyên truyền theo quan điểm tình trước, lý sau và người hòa giải luôn đặt mình vào vị trí của các bên để thấu hiểu, lắng nghe thì từ đó mới hòa giải thành.

Chia sẻ với PV, bà Phạm Thị Nhịp, sinh năm 1961, hòa giải viên địa bàn dân cư số 12, Tổ phó tổ dân phố số 12B, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, bà tham gia công tác hòa giải từ năm 2003. Những ngày đầu tham gia công tác bà cũng gặp một số khó khăn nhưng được các thành viên trong tổ hỗ trợ nên công việc cũng được hoàn thành.

Người hòa giải luôn phải đặt địa vị của mình vào các bên thì mới hòa giải thành
Bà Phạm Thị Nhịp có gần 20 năm tham gia công tác hòa giải ở phường Ngọc Khánh.

Bà Nhịp cho biết thêm, công tác hòa giải ở địa bàn dân cư thường xảy ra các mâu thuẫn như vợ chồng ly hôn, tranh chấp đất đai, xây dựng,… Các thành viên tổ hòa giải đều được phân công, nắm bắt tình hình khu dân cư mình sinh sống, nếu có mâu thuẫn xảy ra, cán bộ hòa giải tại cơ sở sẽ là người nắm bắt sự việc, chủ động hòa giải giữa các bên. Nếu hòa giải viên không thành thì sẽ báo cáo lên tổ hòa giải để mọi người cùng tham gia cũng như góp ý và cùng tham gia vào hòa giải sự việc.

Gần 20 năm làm công tác hòa giải, bà Nhịp là người hòa giải thành công nhiều vụ nhất phường Ngọc Khánh và mới đây nhất, bà được nhận Kỷ niệm chương 15 năm ngành Tư Pháp. Bà Nhịp quan niệm: “làm hòa giải phải làm bằng cái tâm trong sáng, phải có kiến thức và tuyên truyền theo quan điểm tình trước, lý sau bởi chúng ta vẫn có câu “trăm cái lý không bằng một tý cái tình”. Đồng thời, người hòa giải luôn đặt mình vào vị trí của các bên để thấu hiểu, lắng nghe thì từ đó mới hòa giải thành”. Trong những năm làm công tác hòa giải, bà Nhịp nhớ nhất là câu chuyện về một nhà xây dựng không đúng giấy phép khiến hàng xóm bức xúc, gửi đơn thư kéo dài. Rất may, do kiên trì vận động nên vụ việc đã hòa giải được thành công.

Theo đó, vào giữa năm 2018, gia đình bà A sửa chữa nhà và được cấp giấy phép xây dựng. Khi chuẩn bị sửa lại, gia đình bà A cũng gặp tổ dân phố và hàng xóm xung quanh. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, gia đình bà A đã dùng bạt bịt kín lại xung quanh để không ảnh hưởng đến mọi người và xây dựng bên trong không đúng giấy phép được cấp, đua ban công làm phòng ở. Công trình xây dựng xong, bà A bỏ phạt che phủ ra thì mọi người mới phát hiện nhà bà này xây dựng không đúng giấy phép là đua ban công làm phòng ở. Thấy vậy, một số người dân ở khu vực đã gửi đơn lên UBND phường Ngọc Khánh.

Người hòa giải luôn phải đặt địa vị của mình vào các bên thì mới hòa giải thành
Theo bà Nhịp, người làm công tác hòa giải phải có cái tâm trong sáng, đặt địa vị của mình vào các bên để thấu hiểu, lắng nghe.

Về tổ dân phố, khi nắm được sự việc như trên, thành viên tổ hòa giải đã đến tận nhà bà A để hỏi đầu đuôi ngọn ngành và khuyên bà A tự tháo dỡ để không ảnh hưởng đến bà con hàng xóm và mọi người xung quanh. Tuy nhiên bà A không hợp tác, cố tình không tháo dỡ và biện lý do: “Các hộ xung quanh đua được thì nhà tôi cũng đua được”. Các thành viên hòa giải viên đã phân tích, gia đình bà A được cấp giấy phép ghi rất rõ không được đua ban công và xây thành phòng ở thì gia đình phải thực hiện như giấy phép, làm sai giấy phép là vi phạm. Tuy nhiên, bà A không nghe, khiến tổ hòa giải phải mời Bí thư chi bộ cùng các ban ngành đoàn thể địa phương để giữ được tình đoàn kết trong tổ dân phố nhưng bà A đều không nghe.

Sự việc cứ thế kéo dài đến đầu năm 2019, UBND phường Ngọc Khánh giải quyết đơn thư của công dân và mời các bên lên phường tổ chức hòa giải nhưng vẫn không thành công. Sau đó, chủ tịch phường yêu cầu tổ hòa giải tiếp tục làm việc với các bên, kiên trì tuyên truyền, vận động các bên. Về địa bàn, bà Nhịp đã gặp gỡ các bên không dưới 10 lần để tuyên truyền vận động những người dân xung quanh. Sự việc bà A xây dựng đã hoàn thành rồi, nếu không ảnh hưởng đến các nhà xung quanh thì mong các nhà xung quanh thông cảm bỏ qua cho nhà bà A. Sau đó 2 tháng, tổ dân phố mở cuộc họp mời các thành viên trong tổ tham gia hòa giải cùng và đề nghị bà con cho ý kiến. Đã có rất nhiều ý kiến được phát biểu trên tinh thần xây dựng, thể hiện tình làng nghĩa xóm đóng cửa bảo nhau,… Sau khi nghe ý kiến của các thành viên, người dân đã đồng ý bỏ qua sự việc và xin rút đơn khiến nại gia đình bà A xây dựng không đúng giấy phép.

“Khi nhận được kỷ niệm chương 15 năm ngành Tư pháp, tôi thấy rất phấn khởi bởi công sức, sự đóng góp cho tổ dân phố, khu dân cư nói chung đã được ghi nhận. Chúng tôi đã góp 1 phần nhỏ của mình thúc đẩy việc hòa giải trong nhân dân để giữ được tình đoàn kết trong nhân dân, gắn kết được các mối quan hệ đã có sự mâu thuẫn trước đây mà bây giờ được hóa giải, giữ được bình yên trong cộng đồng dân cư. Chúng tôi cảm ơn các cơ quan chức năng đã có sự động viên kịp thời để chúng tôi sẽ có các cuộc hòa giải viên tiếp theo được hoàn thiện hơn cả về lý và tình”, bà Nhịp chia sẻ.

Làm hòa giải có nghĩa là sẽ có mặt khi dân cần bất kể sớm trưa Làm hòa giải có nghĩa là sẽ có mặt khi dân cần bất kể sớm trưa

Gần 20 năm làm công tác hòa giải, bà Nguyễn Thị Sang, tổ trưởng tổ hòa giải tổ dân phố Yên Hà (thị trấn Yên ...

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động