Thứ sáu 13/09/2024 02:31

Xúc động chương trình nghệ thuật "Đề cương văn hóa Việt Nam-Những dấu ấn lịch sử"

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tối 28/2 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ VHTT&DL đã tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đề cương về văn hóa Việt Nam – Những dấu ấn lịch sử”.
Xúc động chương trình nghệ thuật
Các đại biểu tham dự chương trình. Ảnh: Trần Huấn.

Tới dự chương trình có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa; Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng; Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; lãnh đạo Bộ, Ban, Ngành T.Ư và đông đảo các văn nghệ sĩ.

Phát biểu chỉ đạo tại chương trình, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Văn hóa luôn là một dòng chảy liên tục, không ngừng nghỉ qua những thăng trầm lịch sử của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia và cả nhân loại. Văn hóa là hồn cốt của mỗi dân tộc, là những giá trị vật chất, tinh thần mà dân tộc đó sáng tạo ra trong lịch sử.

Xúc động chương trình nghệ thuật
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: Trần Huấn.

80 năm trước, trong bối cảnh chế độ thực dân nửa phong kiến đang suy thoái trầm trọng, Đề cương về Văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, được Ban Thường vụ Trung ương Đảng thông qua vào tháng 2/1943, là Văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng ta về văn hóa. Đề cương thể hiện tầm vóc tư tưởng chính trị của Đảng trong việc xác định vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong cuộc đấu tranh "phản đế", "phản phong", đẩy mạnh cách mạng giải phóng dân tộc, lật đổ chế độ phát xít, thực dân, phong kiến tay sai, xóa bỏ mọi áp bức bất công, giành chính quyền về tay Nhân dân.

Những tư tưởng lớn, dân tộc, khoa học, đại chúng, với tinh thần cách mạng mạnh mẽ, đột phá, tính nhân văn sâu sắc trong Đề cương đã thổi một luồng gió mới có tác dụng thức tỉnh, thu hút, tập hợp đội ngũ các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ và đông đảo quần chúng Nhân dân.

Xúc động chương trình nghệ thuật
Tiết mục biểu diễn tại chương trình nghệ thuật làm nổi bật, khẳng định giá trị, vai trò và sức lan tỏa của Đề cương về văn hóa trong suốt chặng đường 80 năm qua. Ảnh: Trần Huấn.

80 năm qua, như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, với ba nguyên tắc "dân tộc", "đại chúng", "khoa học", Đề cương về văn hóa Việt Nam tiếp tục được Đảng ta vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn Việt Nam để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, để vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, chúng ta cần chung sức, đồng lòng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ những định hướng lớn, quan điểm xuyên suốt, đồng thời phát triển, bổ sung, làm phong phú, sâu sắc hơn nữa những nội dung trong Đề cương về Văn hóa Việt Nam; quán triệt, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc: "Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội"; "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước".

Xúc động chương trình nghệ thuật
Tiết mục biểu diễn tại chương trình nghệ thuật. Ảnh: Trần Huấn.

Nâng cao hơn nữa nhận thức và hành động để văn hóa thực sự thẩm thấu sâu sắc vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tăng cường huy động, phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực nhà nước và xã hội để phát triển toàn diện văn hóa, để văn hóa, con người thực sự là sức mạnh nội sinh của dân tộc; tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về văn hoá; đầu tư thích đáng cả nguồn lực con người, vật chất cho phát triển văn hóa theo chiều sâu, nhanh, bền vững; tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh phục vụ Nhân dân, môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số, công dân số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình văn hoá, văn nghệ, văn học nghệ thuật; bảo tồn và phát huy các giá trị độc đáo, khác biệt của văn hóa dân tộc; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để phát triển công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.

Thủ tướng cũng đề nghị đẩy mạnh truyền thông, quảng bá về văn hóa, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc thù, đặc trưng của Việt Nam có sức cạnh tranh quốc tế như Vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An, Cao nguyên đá Đồng Văn, Phong Nha, Kẻ Bàng, Nhã nhạc Cung đình Huế, Dân ca quan họ Bắc Ninh, hát Xoan Phú Thọ, hát Then, Xòe Thái, Tín ngưỡng thờ Mẫu, Đờn ca tài tử Nam Bộ.

"Nền văn hóa của dân tộc Việt Nam - với lịch sử hàng nghìn năm - đã luôn và sẽ là sức mạnh trường tồn của dân tộc; như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Xúc động chương trình nghệ thuật
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu. Ảnh: Trần Huấn.

Phát biểu khai mạc chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đề cương về văn hóa Việt Nam – Những dấu ấn lịch sử”, Bộ Trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết: Tiếp theo thành công của Hội thảo cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hoá Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển”, Phim tài liệu và Tuần phim kỷ niệm, hôm nay, tại thủ đô Hà Nội - “nơi hội tụ, kết tinh và toả sáng nền văn hoá, văn minh của dân tộc” như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan long trọng tổ chức hoạt động kỷ niệm và Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Những dấu ấn lịch sử”.

Xúc động chương trình nghệ thuật
Tiết mục nghệ thuật trong chương trình. Ảnh: Trần Huấn.

Hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hoá Việt Nam của Đảng là dịp để các cấp các ngành, toàn thể nhân dân Việt Nam, trong đó có những người thực hành văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ thấm nhuần sâu sắc hơn ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn, sự trường tồn và tầm ảnh hưởng sâu rộng của Đề cương trong công cuộc kháng chiến kiến quốc cũng như công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Nhìn lại để tiến xa hơn, chúng ta được tiếp thêm sức mạnh trước kết quả bước đầu sau hơn một năm thực hiện 6 nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021, để quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ "Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế" mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra.

Sau phát biểu của Thủ tướng, chương trình nghệ thuật đặc biệt "Đề cương văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử"; bằng ngôn ngữ nghệ thuật, với nhiều bài hát nổi tiếng, màn hát múa, các hoạt cảnh... được trình diễn bởi các nghệ sĩ nổi tiếng đã làm nổi bật, khẳng định giá trị, vai trò và sức lan tỏa của Đề cương về văn hóa trong suốt chặng đường 80 năm qua; thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và đường lối văn hóa của Đảng.

Chương trình được chia thành 3 chương: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi; Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa; “Văn hoá là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Chương trình gồm những tiết mục ca, múa, nhạc được dàn dựng công phu, hoành tráng, đặc biệt là quy tụ những nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng: NSND Quốc Hưng, Trọng Tấn, Viết Danh, Phạm Thu Hà, Thu An, Thu Hằng, Đào Tố Loan, Xuân Hảo, Đức Tuấn, Đinh Trang, Hoàng Tùng, Nhóm Phương Nam, Vũ đoàn Mây...

Khép lại chương trình nghệ thuật là những tiết mục được dàn dựng công phu: Liên khúc Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam; Bay qua biển Đông; Xuân và tuổi trẻ; Liên khúc "Văn hoá soi đường cho quốc dân đi"- Việt Nam ơi, ta bước tiếp.

80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam: Khởi nguồn và động lực phát triển
Lan tỏa tư liệu, hình ảnh 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam
Liên hoan Ca múa nhạc Hà Nội năm 2023 với chủ đề “văn hóa - hội tụ - bản sắc và phát triển”
Minh An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động