Thứ bảy 27/04/2024 23:18

Xuất nhập khẩu vượt mốc 600 tỷ USD

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 5/12, Bộ Công Thương cho biết, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2023 tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 619,17 tỷ USD.
Xuất nhập khẩu vượt mốc 600 tỷ USD
Nông sản là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu cả nước. Ảnh minh hoạ: intenet

Theo số liệu thống kê từ Báo cáo Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, cán cân thương mại tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu, với mức xuất siêu trong tháng 11 đạt khoảng 1,28 tỷ USD, đưa tổng xuất siêu trong 11 tháng năm 2023 lên con số 25,83 tỷ USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước (10,3 tỷ USD).

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,99 tỷ USD, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm cả dầu thô) xuất siêu 45,82 tỷ USD.

Mặc dù có sự chững lại trong tháng 11, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2023 vẫn tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 619,17 tỷ USD.

11 tháng xuất siêu gần 26 tỷ USD

Về xuất khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11/2023 ước đạt 31,08 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Sau khi đạt mức tăng 5,1% trong tháng 10/2023, xuất khẩu hàng hóa trong tháng 11/2023 mặc dù không giữ được đà tăng trưởng so với tháng trước khi kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31,08 tỷ USD, giảm 3,6% so với tháng trước nhưng tăng tới 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, trong 5 tháng gần đây (từ tháng 7/2023 đến nay), xuất khẩu hàng hoá của nước ta đều đạt kim ngạch trên 30 tỷ USD/tháng, cao hơn mức bình quân 27,45 tỷ USD/tháng của 6 tháng đầu năm 2023, cho thấy những tín hiệu khởi sắc trong xuất khẩu và giúp rút ngắn đà suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 322,5 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Với sự phục hồi trong những tháng gần đây, mức suy giảm xuất khẩu tiếp tục được thu hẹp khá nhiều so với mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023.

Đáng chú ý, các sản phẩm của ngành nông nghiệp tiếp tục có những đóng góp ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu cả nước.

Trong đó nhiều sản phẩm nông sản tăng cả về giá trị và lượng so với tháng trước như: Gạo đạt 462 triệu USD, tăng 13,5%; cao su đạt 343 triệu USD, tăng 16,6%; cà phê đạt 252 triệu USD, tăng 59,9%... Trong 11 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu gần 7,8 triệu tấn gạo; 2,7 triệu tấn sắn và sản phẩm của sắn; 1,9 triệu tấn cao su; 1,4 triệu tấn cà phê.

Nhập khẩu hàng hoá tăng trở lại

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2023 ước đạt 29,8 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước. Dù đã tăng trở lại trong những tháng gần đây nhưng do những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu trong những tháng đầu năm, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất giảm nên tính chung 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 296,67 tỷ USD, vẫn giảm 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 105,94 tỷ USD, giảm 8,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 190,73 tỷ USD, giảm 11,7%.

Trong 11 tháng năm 2023, có 43 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,2% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 03 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 43,3%).

Một trong những điểm tích cực trong tháng 11/2023 là kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng cần nhập khẩu, là mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu tiếp tục tăng, đây cũng là nhóm hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước, ước đạt 26,38 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 88,5% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước, là tín hiệu cho thấy các hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu đang chuyển biến tích cực.

Trong đó, nhập khẩu tăng mạnh ở một số mặt hàng như: máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, ước đạt 7,9 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái; chất dẻo nguyên liệu tăng 13,6%; hóa chất tăng 7,8%; nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 30,7%; dược phẩm tăng tới 45,6%, dây điện và cáp điện tăng 24,9%, xơ sợi dệt các loại tăng 22,6%...

Tuy nhiên, do những khó khăn về thị trường xuất khẩu, sự sụt giảm trong đơn hàng xuất khẩu từ đầu năm, cùng với việc giá nguyên liệu hạ nhiệt đã kéo theo nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm tương ứng. Tính chung 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vẫn giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2022 (ước đạt 262,6 tỷ USD).

Ngoại trừ máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 4,1% (ước đạt 79,2 tỷ USD), hầu hết các nhóm hàng chủ lực và là đầu vào quan trọng phục vụ sản xuất các ngành hàng xuất khẩu đều giảm ở mức hai con số, như: điện thoại các loại và linh kiện giảm tới 58,9%; thép các loại giảm 18,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 9,8%; vải các loại giảm 14%...

Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát cũng giảm 17,5% trong 11 tháng năm 2023, ước đạt 16,95 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đều giảm so với cùng kỳ năm trước như: rau quả, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc, phế liệu sắt thép, ô tô, đá quý, kim loại quý và sản phẩm…

Mặc dù có những tín hiệu tích cực, nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là từ biến động toàn cầu như ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, giá năng lượng và nguyên liệu đầu vào, và những biến động trên thị trường tài chính quốc tế. Tuy nhiên, sự đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nỗ lực cải thiện năng suất và chất lượng hàng hóa sẽ là những yếu tố quan trọng để giúp nền kinh tế vượt qua những thách thức này và duy trì sự ổn định và tăng trưởng trong thời gian tới.

Xuất nhập khẩu gần chạm mốc 600 tỷ USD trong 11 tháng Xuất nhập khẩu gần chạm mốc 600 tỷ USD trong 11 tháng
Ánh Tuyết
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động