Xử lý “hung thần” đường phố gây nguy cơ tai nạn giao thông
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChiếc xe máy đã xuống cấp, cộng thêm việc chở hàng cồng kềnh gây nguy cơ mất an toàn giao thông với người xung quanh. |
Tại nút giao Kim Đồng - Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, mặc dù thời điểm từ 16h trở đi, lưu lượng phương tiện giao thông bắt đầu tăng cao, song, khá nhiều phương tiện chở hàng cồng kềnh vẫn vô tư luồn lách, bất chấp có thể xảy ra va chạm giao thông với các phương tiện khác.
Một người vi phạm vì chở đồ gỗ cồng kềnh trên xe máy, thậm chí chỉ chằng buộc qua loa khi bị xử lý cho biết bản thân mình làm công việc chở hàng thuê, người ta thuê gì chở nấy, mặc dù biết là không được phép nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên vẫn phải làm.
Ông V.H.H (SN 1959) tỏ ra tức giận khi bị xử lý vì chở theo những thanh sắt dài hơn chục mét. Ông cho rằng, bản thân không vi phạm và có những lời lẽ khiếm nhã ngay tại điểm xử lý của Đội CSGT số 14 - Phòng Cảnh sát giao thông, CA TP Hà Nội.
Anh L.K.T (SN 2001) cho biết, sau dịch bệnh, do việc tìm việc làm khó khăn nên xin đi chở hàng thuê, nếu vì cồng kềnh mà từ chối không chở thì chủ đuổi việc nên phải cố, dù biết là vi phạm luật giao thông.
Nhiều người dù biết là vi phạm giao thông nhưng vì mưu sinh nên vẫn chấp nhận chở hàng cồng kềnh. |
Theo Thiếu tá Đinh Xuân Thăng, Tổ trưởng tổ tuần tra – Đội CSGT số 14, trục đường Giải Phóng đi qua hai bến xe là Giáp Bát và Nước Ngầm, do vậy, các phương tiện chở hàng hóa lưu thông qua tuyến đường này phổ biến hơn. Bởi hàng hóa cũng được chở nhiều đến và đi từ các bến xe này.
Khung giờ vận chuyển của các “hung thần” đường phố là khoảng sau 9h sáng và từ 16h chiều. Đáng nói, sau 16h là thời điểm rất đông phương tiện đi lại, việc chở hàng cồng kềnh sẽ gây ảnh hưởng tới tầm nhìn của các phương tiện khác, dễ gây tai nạn giao thông.
Trên thực tế, có rất nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra do va chạm với các phương tiện chở hàng cồng kềnh. Thậm chí, đã có vụ người đàn ông chở những tấm tôn gây tai nạn cho một em bé khiến nạn nhân tử vong.
Dù đã tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt răn đe, nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn. Chỉ huy Đội CSGT số 14 nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tổ chức các tổ tuần tra lưu động trên đường. Khi phát hiện các trường hợp xe ba gác, xe máy chở hàng cồng kềnh sẽ xử lý ngay tại chỗ”.
Mức phạt của hành vi này theo quy định là từ 400.000 - 600.000 đồng, có thể bằng hoặc hơn 1 ngày công của người bị xử lý vi phạm. Tuy nhiên, để đảm bảo TTATGT, cũng như an toàn cho người dân, lực lượng CSGT CATP Hà Nội kiên quyết xử lý nghiêm.
Trong quá trình làm nhiệm vụ, các đơn vị cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền và hướng dẫn người vi phạm sử dụng ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, giảm phiền hà cho người dân trong quá trình nộp phạt và nhận lại giấy tờ.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại