Thứ hai 27/05/2024 04:47

Xoá bỏ lò gạch thủ công

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Hàng trăm lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn ngang nhiên hoạt động đang gây ra nhiều lo ngại cho người dân.


Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, làm phát sinh bệnh tật mà việc làm gạch bằng phương pháp thủ công còn khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang, nghiêm trọng hơn là sau này có "xoá" được lò gạch thủ công thì số diện tích đất đã bị cày xới coi như cũng "vô dụng".

Không thể sản xuất nông nghiệp

Tại xóm Trung Thành, xã Hưng Đông, ngay sát bờ tường của nhà ông Trần Văn Ngọ là 2 lò gạch thủ công với công suất ra lò hàng chục vạn viên gạch/1 mẻ đang hoạt động. Với 2 lò gạch này, hàng ngày ngoài việc khiến cho con người phải "oằn mình" hứng chịu khói bụi với biết bao rình rập bệnh tật thì khói lò gạch còn bao phủ vườn tược, ruộng lúa của người dân.

Được biết, gia đình ông Ngọ hiện có 3 sào ruộng, khói lò gạch luôn bao trùm quanh năm nên rất khó sản xuất, có cố gắng làm thì năng suất cũng chỉ đạt một nửa, cá biệt có năm bị mất trắng.

Bà Nguyễn Thị Thanh, số nhà 10, tổ dân cư Việt Kiều, xóm Trung Thành, không giấu nổi bức xúc: "Khói từ các lò gạch mang theo hơi nóng khiến cho các loại cây trồng khó có thể sống được. Khu vườn rộng hơn 2.000m2 của gia đình trước đây trồng đủ loại rau màu rất tốt tươi nhưng giờ chẳng trồng nổi loại cây gì. Chú xem, cả vườn chỉ còn mỗi cây ổi héo úa, quả không kết nổi...".

Ông Trần Đăng Ninh, ở xóm Trung Mỹ, xã Hưng Đông, cho biết: "Người dân đã kiến nghị với xã, với thành phố nhiều lần về những tác động tiêu cực từ phía các lò gạch thủ công, nhưng kết quả cuối cùng vẫn chỉ mới dừng lại ở cam kết của các chủ lò gạch là không đốt lò vào thời điểm lúa lên 2 lá non và thời kỳ lúa làm đòng. Tuy vậy, ở thời điểm giá gạch lên cao, các chủ lò gạch vẫn tiến hành đốt lò và chấp nhận bồi thường sản xuất cho nhân dân, nhiều lần là 100%".

Ngoài việc gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ của người dân xóm 1, xóm 2, xã Nghi Phương; xóm Vận Tải xã Nghi Hoa... thì các lò gạch thủ công ở đây còn làm cho nhiều diện tích đất nông nghiệp bị khai thác trở thành ao đầm sâu nên không thể canh tác được. Riêng xã Hưng Đông, TP Vinh có khoảng trên 10ha và xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc có trên 15ha đất bị bỏ hoang.


2 trong số hơn 10 lò gạch thủ công ngày đêm "hành" bà con nhân dân xóm Mai Lộc, xã Hưng Đông, TP Vinh




Loay hoay xóa lò gạch thủ công?

Theo tìm hiểu của PV, đến thời điểm này chỉ có huyện Nam Đàn là thực hiện triệt để công tác xoá bỏ lò gạch thủ công. Theo ông Lê Văn Bình, Trưởng phòng TN&MT huyện Nam Đàn thì toàn huyện có 40 lò gạch thủ công, thực hiện khá nghiêm túc Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg đến tháng 6-2011, huyện này đã xoá được 40/40 lò gạch thủ công.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chủ trương của cấp trên.

"Tiêu biểu" nhất là huyện Tân Kỳ - địa phương có số lò gạch thủ công nhiều nhất tỉnh Nghệ An với 180 lò đang hoạt động, trong đó trọng điểm là làng nghề ngói Cừa với khoảng 70 lò, tiếp đó là các xã Tân Long, Nghĩa Đồng, Kỳ Sơn. Do chưa có sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo nên các công việc, giải pháp để tiến tới xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công chưa được huyện thật sự quan tâm. Theo lộ trình mà huyện đề ra là đến năm 2012 sẽ xóa bỏ hoàn toàn các lò gạch thủ công trên địa bàn, nhưng nếu Tân Kỳ không chỉ đạo quyết liệt thì khó có thể thực hiện được.

Đô Lương cũng là một trong những địa phương thực hiện chủ trương xóa bỏ các lò gạch thủ công chậm. Nói là các xã tự ký hợp đồng cho thuê đất sản xuất gạch thủ công, nhưng huyện vẫn giao cho các xã thu ngân sách từ nguồn này, huyện vẫn tiến hành quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng ở các khu vực hiện đang tập trung nhiều lò gạch thủ công ở các xã như Minh Sơn, Nhân Sơn. Việc làm này chẳng khác nào là tiếp tục cho duy trì các lò gạch thủ công.

Đến Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An để tìm hiểu, chúng tôi được ông Hoàng Trọng Kim, Giám đốc Sở thẳng thừng từ chối: "Chúng tôi chỉ cung cấp thông tin 1 lần và đó là cho bên Báo Nghệ An"(!?). Thuyết phục mãi ông Kim mới "tạo điều kiện" để giới thiệu cho gặp bộ phận chuyên môn là Phòng Quản lý hoạt động vật liệu xây dựng. Tại đây, ông Nguyễn Trọng Do, Trưởng phòng Quản lý hoạt động vật liệu xây dựng, Sở Xây dựng, cho biết ngắn gọn: "Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn tỉnh có khoảng hơn 300 lò gạch thủ công. Việc xoá bỏ lò gạch thủ công là một chủ trương đúng đắn, nhưng vẫn cần phải có một lộ trình dài dài".

Với cách trả lời thiếu trách nhiệm trên của các ngành chức năng, dư luận có thể hiểu rằng, việc xoá lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã chậm, chắc còn chậm trong thời gian tới.

Đình Tiệp

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động