Xét xử vụ "chuyến bay giải cứu": Các bị cáo thừa nhận, đã nhận hối lộ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBị cáo Linh khai trước toà |
Cảm ơn sau khi thực hiện xong chuyến bay
Bị cáo Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý của nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, là người đầu tiên khai nhận về hành vi “Nhận hối lộ”.
Theo bị cáo, chức năng nhiệm vụ của bị cáo là giúp việc cho lãnh đạo Chính phủ, không có chức năng thẩm định, đề xuất. Khi văn bản gửi đến, bị cáo có vai trò rà soát lại trình tự thủ tục, nội dung, hình thức có đảm bảo phù hợp với văn bản liên quan kèm theo hay không. Linh thừa nhận, bản thân không có thẩm quyền ngăn chặn, bác bỏ văn bản mà chỉ báo cáo lại việc có phù hợp với nội dung, hình thức hay không.
Về quy trình giải quyết các chuyến bay đưa công dân về nước, bị cáo Linh cho biết, số lượng phiếu trình rất nhiều, bị cáo không nhớ. Trong quá trình đó, có cá nhân đặt vấn đề nhờ giúp đỡ và có bị cáo Hoàng Anh Kiếm, đại diện Cty Lữ Hành Việt được giới thiệu tới để nhờ xin cấp phép chuyến bay.
Linh thừa nhận, nhận 180.000 USD từ Hoàng Anh Kiếm, 100 triệu đồng từ Nguyễn Mai Anh. Sau khi nhận khoản tiền, bị cáo không báo cáo hay đưa tiền cho ai. Nguyễn Mai Anh có nói, doanh nghiệp cảm ơn nhưng không nói nói rõ tên doanh nghiệp. Bị cáo hiểu, doanh nghiệp khi được cấp phép chuyến bay thì bản thân được cảm ơn.
“Hiện bị cáo đã nộp lại hơn 4,4 tỷ đồng”, bị cáo Linh nói. VKSND kết luận, từ tháng 3/2021 – tháng 4/2021, Nguyễn Quang Linh đã nhận hối lộ 5 lần, tổng số tiền hơn 4,2 tỷ đồng.
Còn Nguyễn Tiến Thân, cựu chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế Văn phòng Chính phủ, khai, nhận tiền từ doanh nghiệp và đã nộp lại 1,2 tỷ đồng. Cá nhân bị cáo hưởng lợi hơn 1,3 tỷ đồng.
Khi được hỏi về việc khắc phục nốt số tiền còn lại, ông Thân trình bày: “Bị cáo cũng đã tác động tới người nhà để gia đình đóng góp khắc phục, đến nay sẽ cố gắng lo nốt để khắc phục hậu quả”.
Trước đó, đối chất với phía doanh nghiệp tại phiên tòa, bị cáo Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết, không nhớ rõ số tiền đã được nhận. Ông Chử Xuân Dũng thừa nhận, nhận 500 triệu đồng từ Trần Minh Tuấn, Giám đốc Cty CP Xây dựng Thái Hòa.
Bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cũng xác nhận, nhận từ Trần Minh Tuấn 200 triệu đồng (2 lần), 1 lần là phong bì 100 triệu đồng, lần sau là sau khi cấp phép chuyến bay xong, Cty có đến xin cảm ơn.
Nếu không đưa tiền, nhiều khả năng bị cáo sẽ không được cấp phép?
Khai tại tòa, bị cáo Hoàng Diệu Mơ, Tổng Giám đốc Cty An Bình, cho biết, đã sử dụng Cty An Bình và 5 Cty liên kết để tổ chức thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước. Hoàng Diệu Mơ đã đặt vấn đề và được các cá nhân có thẩm quyền giải quyết cấp phép 66 chuyến bay.
Từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022, Mơ đã đưa hối lộ cho 7 cá nhân có thẩm quyền, tổng số 41 lần, số tiền hơn 34,6 tỷ đồng. Trong đó, đưa 8,5 tỷ đồng cho cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Tô Anh Dũng, đưa 13,2 tỷ đồng cho cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan... Quá trình điều tra, bị cáo Mơ và gia đình đã nộp 2,4 tỷ đồng khắc phục hậu quả.
Bị cáo Mơ khai, nếu bị cáo không đưa tiền hối lộ, nhiều khả năng bị cáo sẽ không được cấp phép thực hiện các chuyển bay giải cứu. Nếu được cấp phép thì cũng chỉ được cấp 1 chuyến bay chứ không được cấp phép tới 66 chuyến bay như vậy.
Tương tự, bị cáo Nguyễn Thị Tường Vy (Giám đốc Công ty ATA) khai việc đưa tiền này là nhằm cảm ơn các cá nhân đã duyệt cấp phép chuyến bay cho bị cáo, đồng thời đề nghị tiếp tục thực hiện các chuyến bay sau này. Bị cáo Vy nghĩ nếu bị cáo không đưa tiền cảm ơn, thì khó tiếp tục được phê duyệt các chuyến bay tiếp theo.
Bị cáo Trần Thị Mai Xa (Giám đốc Công ty Masterlife) khai lúc đầu bị cáo hộp hồ sơ xin cấp phép chuyến bay giải cứu nhưng chờ mãi không được cấp phép, đến sát ngày bay cũng không được các cơ quan chức năng cấp phép. Do vậy, bị cáo đã phải đưa tiền để được cấp phép các chuyến bay và thực tế đã tổ chức được 18 chuyến bay giải cứu.
Các bị cáo này đều cho rằng khi thực hiện hành vi đưa tiền để được cấp phép các chuyến bay đều không nghĩ là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu biết đó là hành vi phạm tội thì sẽ không bao giờ dám thực hiện. Chỉ đến khi làm việc cùng cơ quan điều tra, các bị cáo mới biết đó là hành vi vi phạm pháp luật nên rất ăn năn, hối hận và mong được Hội đồng xét xử xem xét cho hưởng khoan hồng của pháp luật.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại