Xây dựng cơ sở tín ngưỡng tâm linh: Cần phân định rõ giữa kinh doanh và tâm linh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHàng nghìn du khách đổ về Chùa Tam Chúc du xuân. |
Hướng đến mục tiêu “lợi nhuận…”
Những năm gần đây, đời sống vật chất của người dân được nâng cao, đời sống tinh thần càng được chú trọng. Tâm lý của phần đông người Việt Nam trọng tín ngưỡng vì vậy nhu cầu du lịch tâm linh có xu hướng tăng cao. Hoạt động kinh doanh, đầu tư vào du lịch tâm linh cũng được đẩy mạnh, thể hiện qua sự ra đời, phát triển nhanh của các điểm du lịch tâm linh ở hầu hết các địa phương, vùng, miền trên cả nước.
Tuy nhiên trên thực tế, có không ít những công trình phục vụ du lịch tâm linh chủ yếu chỉ gây ấn tượng mạnh ở cái tên “có vẻ” huyền bí, yếu tố lạ, tính hoành tráng, độ choáng ngợp hơn là giá trị tinh thần mang ý nghĩa tâm linh.
Điển hình như mới đây, tại Khu du lịch Tam Chúc, một số du khách phản ánh bị bảo vệ chặn không cho đi bộ, buộc phải đi xe điện hoặc đi thuyền. Tuy nhiên, đại diện BQL Khu du lịch Tam Chúc bác bỏ thông tin này và cho rằng, đường đi bộ từ cổng vào Chùa Tam Chúc khá xa, dài khoảng 6km. Đường này từ trước tới nay BQL Khu du lịch Tam Chúc không chặn, du khách muốn đi bộ vào vẫn đi bình thường. Tuy nhiên, vì quãng đường khá xa nên trước khi khách đi vào sẽ có lực lượng an ninh nhắc nhở, cảnh báo, nếu có người già phải cẩn thận, đi xa sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Được biết, giá vé xe điện là 50.000 đồng khứ hồi cho 1 khách (tuyến mới từ Khách Xá lên Chùa Cổ) sẽ đi khoảng 5 km từ cổng chùa vào sau đó đi bộ trong chùa, nếu khách không di chuyển bằng xe điện mà muốn đi bằng thuyền để trải nghiệm các đảo nhỏ thì đi thuyền hết 200.000 đồng/khách (thuyền phổ thông); du thuyền 270.000 đồng/khách.
Khi điểm du lịch tâm linh hướng đến mục tiêu lợi nhuận thì những chuyện như thu phí, đặt hòm công đức dày đặc, ra giá cúng, khấn thuê, hóa sao giải hạn... trở thành chuyện thường tình. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, hậu quả sẽ không chỉ là nguy cơ phá vỡ cảnh quan vốn hài hòa của di tích, mà còn góp phần tạo nên tình trạng ngày càng thương mại hóa đời sống tâm linh, xúc phạm tín ngưỡng của cộng đồng.
TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, kiêm viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết: “Trước kia xây chùa là thể hiện đất nước hưng thịnh, nhưng bây giờ xây chùa không chỉ là nơi thờ Phật mà nó còn gắn liền với du lịch. Nói chính xác nếu làm khu du lịch đơn thuần thì khó thu hút khách cho nên người ta xây thêm vào khu du lịch đó một ngôi chùa, “gắn” vấn đề tâm linh vào đó để dễ thu hút khách. Những dự án đó đón đầu cho một trào lưu mới đang rất phát triển, du lịch tâm linh, một lĩnh vực kinh doanh siêu lợi nhuận”.
Ví như ở chùa Bái Đính, gốc tích ban đầu chỉ là một chùa nhỏ nằm sâu trong hang, theo nghiên cứu của các chuyên gia, lịch sử của ngôi chùa có từ thời Nguyễn trở lại đây. Tuy nhiên, đến nay chùa Bái Đính đã được mở rộng với quy mô gấp 100 lần. Chùa Bái Đính được biết đến là một ngôi chùa có quy mô lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam hiện nay.
Cần một thiết chế cụ thể
Chia sẻ về “hội chứng” các dự án du lịch gắn yếu tố tâm linh, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho biết, một số nơi xây chùa với mục đích làm du lịch tâm linh, điều này cần phải xem lại. Cần phải phân định rành rọt giữa kinh doanh và tâm linh. Chùa chiền, nơi thờ tự không phải là nơi để thương mại hóa. Nếu xây chùa thật lớn với mục đích tạo ra các giá trị gia tăng, đem lại lợi nhuận là sai trái, bởi chùa là nơi các phật tử gửi gắm tâm hồn, niềm tin, là hướng tới thiện tâm. Theo ông Lê Như Tiến, với khu du lịch tâm linh, hay chùa cũng đều phải tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo… Có một số nơi sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng để làm chùa là trái pháp luật.
Theo Thượng tọa Thích Thiện Quý, Phó Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM, trong quy định của Ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói rõ: Một cơ sở Phật giáo hình thành phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp tỉnh/thành chấp thuận bằng văn bản. Việc xây dựng các cơ sở mới phải do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh/thành đứng ra thực hiện. Đối với tăng ni mà có nhu cầu xây dựng cơ sở mới, phải đúng quy trình và được sự cho phép của Giáo hội thì mới được xem là hợp pháp.
Trước thực trạng hiện nay có nhiều ngôi chùa được xây dựng có yếu tố lợi dụng tôn giáo, tâm linh, hoạt động kinh doanh, Thượng tọa Thích Thiện Quý khẳng định là sai trái, Nhà nước phải có biện pháp quản lý hữu hiệu. Cá nhân hay tổ chức nào lợi dụng tâm linh, tôn giáo cho mục đích kinh doanh, thương mại hóa thì ngay trong Giáo hội cũng kịch liệt lên án. Giáo hội thường xuyên sinh hoạt với các cấp giáo hội từ trung ương đến tỉnh thành trong quản lý, có biện pháp chế tài và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Cũng liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua liên quan đến hoạt động tâm linh, tín ngưỡng đã xảy ra nhiều diễn biến phức tạp, gây ra sự khủng hoảng nghiêm trọng trong đời sống tín ngưỡng tâm linh. Hoạt động tín ngưỡng, tâm linh do không có cơ chế quản lý phù hợp dẫn đến hoạt động tín ngưỡng tâm linh thành nơi kiếm tiền béo bở cho những hành vi sai trái nhằm mục đích trục lợi, cơ hội thu lợi đến cả trăm tỷ/năm như đã từng xảy ra.
Theo luật sư Thái, để chấn chỉnh hoạt động văn hóa tâm linh tín ngưỡng, hơn lúc nào hết, Chính phủ cần xây dựng các văn bản pháp luật chi tiết để quản lý về việc xây dựng chùa chiền, không để xảy ra tình trạng chùa chiền xây dựng tràn lan, quy mô lớn như hiện nay, quy định chi tiết về việc thu tiền công đức, tiền đóng góp của khách thăm viếng, quản lý chi tiêu của các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng trong đó quy định về mức thu, sử dụng khoản thu, được sử dụng bao nhiêu % trong số đó để tu bổ sửa chữa, duy trì cảnh quan, số còn lại phải được quản lý vào các công việc cụ thể công ích cho xã hội như sử dụng vào việc xây mới, nâng cấp cải tạo trường học, bệnh viện, các hoạt động trợ giúp người nghèo, người tàn tật và các nhu cầu cần thiết khác của xã hội.
Chỉ khi nào chính quyền quyết liệt, nghiêm túc trong quản lý xây dựng các cơ sở tín ngưỡng tâm linh, có cơ chế pháp luật hiệu quả, có biện pháp quản lý nguồn thu, ngăn chặn và xử lý đúng pháp luật các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo, lợi dụng sự yếu kém quản lý của chính quyền để trục lợi, thì khi đó mới ngăn chặn được các vấn đề phát sinh tiêu cực trong lĩnh vực văn hóa, tín ngưỡng và tâm linh như thời gian qua.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên khoa văn học ĐH KHXH & NV, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, mọi tín ngưỡng, tôn giáo và hoạt động lễ hội cần phải đặt trong một thiết chế nhà nước cụ thể, cần sự quản lý và giám sát chặt chẽ của các cơ quan văn hóa. Thậm chí, cần phân biệt rạch ròi những ngôi chùa, đền mọc lên với mục đích hành đạo và phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân với những ngôi chùa xây lên với mục đích thu lợi kinh tế. Nếu đã là hoạt động kinh doanh có thu lợi thì cần có sự quản lý chặt chẽ, trong đó phần thu lợi cũng cần nộp thuế bình đẳng như bất kỳ hoạt động kinh doanh sản xuất nào khác. Thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá đã kịp thời đưa ra các yêu cầu chấn chỉnh ở những nơi có hiện tượng lộn xộn. Tôi cho rằng đây là tín hiệu rất tốt. Tuy nhiên, cần một sự khảo sát tổng thể để kịp thời chấn chỉnh trước khi quá muộn. |
Những điểm du lịch tâm linh hút khách đầu năm tại Thanh Hóa | |
Lễ hội Đền Và - Nét đẹp văn hóa tâm linh xứ Đoài |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại