Xây cầu 5.200 tỷ đồng: TPHCM xin cơ chế đặc biệt
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong vừa gửi kiến nghị đến Thủ tướng và Bộ Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư cho phép thành phố chỉ định nhà đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng số vốn hơn 5.200 tỷ đồng.
Cầu Thủ Thiêm 4 dài hơn 2,1km, tĩnh không 10m, thiết kế dạng dây văng gồm phần cầu chính với 6 làn xe. 2 nhánh cầu dẫn N1, N2 từ cầu chính phía quận 7 xuống đường Huỳnh Tấn Phát, có 2 làn xe. Phần cầu dẫn trên đường Nguyễn Văn Linh bắt đầu từ nút giao Nguyễn Văn Linh - cầu Tân Thuận 2, có 4 làn xe.
Theo UBND TPHCM, các công trình hạ tầng giao thông chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm đang được khẩn trương thi công và sẽ hoàn thành trong năm 2017. Hiện nay, khu đô thị mới Thủ Thiêm chỉ kết nối giao thông với khu trung tâm hiện hữu tại địa bàn quận Bình Thạnh và quận 1, chưa kết nối được với quận 4, quận 7 và khu đô thị Nam thành phố.
Do vậy, dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 được UBND TPHCM xác định là dự án cấp bách, cần ưu tiên đầu tư để tăng tính kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm với khu vực quận 4, quận 7, phía Nam thành phố và dần hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực.
Cầu Thủ Thiêm 4 giúp kết nối tuyến giao thông quan trọng từ quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh qua cầu Thủ Thiêm 1, đường trục Bắc Nam trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, qua cầu Thủ Thiêm 4 đến quận 7. Đồng thời, giảm áp lực giao thông cho cầu Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm 1, đường Nguyễn Hữu Cảnh, đường Tôn Đức Thắng… Bên cạnh đó, thông xe sớm cầu Thủ Thiêm 4 sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông ở đường Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ, cầu Kênh Tẻ…
Theo UBND TPHCM, dự kiến quỹ đất để cân đối thanh toán cho phần chi phí xây lắp và thiết bị dự án xây cầu Thủ Thiêm 4 là 11 lô đất thuộc khu chức năng số 3 và số 4 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, với diện tích gần 10ha. Còn quỹ đất cân đối thanh toán phần chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng phía quận 7 là một số khu đất quận 1, 3, Thủ Đức.
Để giảm thiểu ảnh hưởng khi xây dựng và khai thác cầu Thủ Thiêm 4 khi cảng Tân Thuận chưa được di dời toàn bộ, TPHCM cũng kiến nghị xem xét phương án cho cảng Sài Gòn được khai thác khu bến cảng Tân Thuận hiện hữu như là bến ICD chuyển tải hàng hóa ra khu cảng Hiệp Phước với sà lan vận tải có tĩnh không yêu cầu nhỏ hơn 10m.
Theo quy hoạch, khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ kết nối với các khu vực khác của thành phố bằng 5 cây cầu và một hầm chui. Hiện cầu Thủ Thiêm 1 và hầm vượt sông Sài Gòn (nối quận 2 và quận 1) đã được đưa vào sử dụng. Cầu Thủ Thiêm 2 được khởi công năm 2015 và dự kiến hoàn thành năm 2018.
Quốc Anh / Dân Trí
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại