Xác định cụ thể các địa phương trong Vùng Thủ đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ năm ngày 26/3/2024. Ảnh: Quốc hội |
Bổ sung quy định xác định Vùng Thủ đô gồm địa phương nào
Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đánh giá cao việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) theo ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình được chuẩn bị công phu với nhiều nội dung cụ thể, chi tiết.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu tham gia góp ý một số nội dung về liên kết phát triển vùng. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nêu rõ, Nghị quyết số 15-NQ/TW đề ra Mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển Vùng đồng bằng Sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Dự thảo Luật đã dành Chương V từ Điều 44 đến Điều 47 quy định về liên kết, phát triển vùng.
Dự thảo Luật quy định mối quan hệ giữa Thủ đô Hà Nội trong 4 vùng, gồm: (1) Vùng Thủ đô, (2) Vùng đồng bằng sông Hồng, (3) Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và (4) Vùng động lực phía Bắc. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh, đây là các quy định mới, có nhiều đột phá so với Luật hiện hành và mở rộng hơn so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Đối với Vùng đồng bằng sông Hồng: Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 quy định Vùng đồng bằng sông Hồng gồm Hà Nội và 10 tỉnh, TP.
Đối với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 25/1/2014 của Thủ tướng quy định Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm Hà Nội và 6 tỉnh, TP: Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.
Đối với Vùng động lực phía Bắc: theo Nghị quyết số 81/2023/QH15, Vùng động lực phía Bắc bao gồm TP Hà Nội và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục Quốc lộ 5 và Quốc lộ 18 qua các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh,
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, dự thảo Luật chưa xác định Vùng Thủ đô gồm những địa phương nào, ranh giới ra sao? Do đó, đề nghị xem xét bổ sung quy định xác định cụ thể các địa phương trong Vùng Thủ đô trong dự thảo Luật làm căn cứ thực tiễn cho việc quy định các chính sách liên kết vùng, phù hợp với điều kiện cụ thể của vùng.
Đề nghị rà soát, bổ sung các lĩnh vực liên kết vùng
Bên cạnh đó, khoản1 Điều 45 quy định 4 lĩnh vực liên kết, phát triển vùng, gồm: 1) Hạ tầng giao thông vận tải; 2) Bảo vệ môi trường, xử lý chất thải; 3) Phát triển nông nghiệp; 4) Phát triển du lịch.
Theo dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, đây vừa là những lĩnh vực thiết yếu trong đời sống kinh tế - xã hội của người dân trên địa bàn, vừa bảo đảm phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của các địa phương, qua đó góp phần tạo sự thống nhất và sức mạnh tổng hợp về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh cho TP Hà Nội, cho mỗi địa phương cũng như toàn vùng lân cận.
Tuy nhiên, Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng Sông Hồng xác định: hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng mang tính đột phá; xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng, tập trung vào một số lĩnh vực như quy hoạch, phát triển hạ tầng, xúc tiến đầu tư, xử lý các vấn đề môi trường nội vùng và liên vùng, phát triển các cụm liên kết ngành.
Do đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá, bổ sung thêm các lĩnh vực khác để thể chế hóa đầy đủ lĩnh vực liên kết vùng như đã xác định trong Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại