Thứ sáu 03/05/2024 19:02

Vụ nam thanh niên bị phạt 2 triệu đồng do không đeo khẩu trang: Ban Quản lý tòa nhà có được phép phạt tiền?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 19/4, cộng đồng mạng xôn xao trước thông tin một thanh niên bị đơn vị quản lý tòa nhà nơi Cty anh thuê làm trụ sở làm việc xử phạt 2 triệu đồng vì lỗi không đeo khẩu trang. Nhiều người thắc mắc liệu Ban Quản lý tòa nhà có được phép xử phạt như vậy?
Vụ nam thanh niên bị phạt 2 triệu đồng do không đeo khẩu trang: Ban Quản lý tòa nhà có được phép phạt tiền?
Anh D bức xúc vì bị phạt 2 triệu do không đeo khẩu trang. Ảnh: Nguyễn Trường

Cụ thể, Anh D. (31 tuổi, ở Tây Hồ, Hà Nội) - nhân vật chính trong vụ việc nói trên bức xúc khi bản thân phải nộp số tiền 2 triệu đồng cho Ban quản lý tòa nhà Sao Mai (Cty TNHH Xuất nhập khẩu và đầu tư Sao Mai) ở địa chỉ 19 Lê Văn Lương (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) về hành vi "không đeo khẩu trang.

Sự việc xảy ra vào ngày 8/4/2022, trong lúc đi thang máy từ tầng 8 xuống tầng 1 của tòa nhà, anh D. quên không đeo khẩu trang. Khi xuống sảnh tầng 1, anh được bảo vệ tòa nhà nhắc nhở nên lập tức đeo vào. Toàn bộ quá trình này đã được camera an ninh của tòa nhà ghi lại.

Sau đó, bộ phận lễ tân của tòa nhà đã liên hệ đến Cty nơi anh D. làm việc (đang thuê trụ sở tại tòa nhà Sao Mai) và thông báo rằng anh D. phải nộp số tiền 2 triệu đồng vì hành vi không đeo khẩu trang. Thấy mức xử phạt nặng, Anh D. có xin giảm nhẹ mức phạt nhưng không được chấp thuận. Anh D. cho biết thêm, anh là nhân viên mới, khi đến thử việc tại Cty có trụ sở ở tòa nhà Sao Mai không được ai giải thích về nội quy của tòa nhà. Với suy nghĩ nộp phạt để tiếp tục được làm việc nên anh D. đã nộp số tiền trên.

Được biết, toà nhà Sao Mai (tại số 19 Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho các Cty bên ngoài thuê trụ sở để hoạt động, kinh doanh. Với lý do “hoàn thiện hơn môi trường làm việc và hoạt động kinh doanh của các Cty”, Ban Quản lý toà nhà này đã đề ra quy định nhiều hành động nếu vi phạm sẽ bị xử phạt. Theo đó, nếu tập thể hoặc cá nhân vi phạm lần đầu sẽ bị nhắc nhở, các lần tiếp theo sẽ bị phạt tiền.

Sau khi tiếp nhận phản ánh về việc Ban Quản lý tòa nhà Sao Mai tại địa chỉ trên đang áp dụng quy định phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định mà tòa nhà này đặt ra, đặc biệt là hành vi khi di chuyển trong tòa nhà mà không đeo khẩu trang sẽ bị xử phạt hành chính số tiền 2 triệu đồng, CA quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã lập tức vào cuộc làm rõ.

Trao đổi với PV, luật sư Trần Thị Thanh Lam, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Khoản 1 điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Theo khoản 2 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, “Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính”.

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Luật này và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Theo đó với Hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng có thể bị xử phạt từ 1 - 3 triệu đồng, theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Thẩm quyền xử phạt quy định tại Nghị định này thuộc về Chủ tịch UBND cấp xã; Chánh Thanh tra Sở Y tế; Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Công an cấp tỉnh.

Trong đó, không có Ban Quản lý tòa nhà. Vì thế, nếu Ban Quản lý toà nhà áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính là trái thẩm quyền.

Tuy nhiên có thể xảy ra trường hợp, việc Ban Quản lý tòa nhà nơi làm việc áp dụng phạt tiền là thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên về phạt vi phạm hợp đồng được quy định tại pháp luật dân sự và pháp luật về nhà ở.

Theo Điều 513 Bộ luật Dân sự năm 2015, “Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ”. Đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Thỏa thuận phạt vi phạm được quy định tại Điều 418 của Bộ luật này như sau:

“1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.

2. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

3. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm”.

Ngoài ra, với các toà nhà chung cư thì có thể tồn tại Hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư, được giao kết giữa Ban Quản trị nhà chung cư với tư cách là người đại diện cho các chủ sở hữu, sử dụng căn hộ và đơn vị quản lý vận hành sau khi đã được Hội nghị nhà chung cư lựa chọn.

Trường hợp trong Hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư hoặc Hợp đồng thoả thuận về dịch vụ giữa Ban quản lý toà nhà với các đơn vị thuê nhà và nhân viên đơn vị thuê có thỏa thuận về việc phạt vi phạm hợp đồng, bao gồm các hành vi như không đeo khẩu trang trong thang máy trong thời kỳ dịch bệnh… thì người vi phạm có thể bị phạt tiền. Khi đó, Ban Quản lý tòa nhà thu tiền phạt với tư cách là một bên tham gia hợp đồng, chứ không phải là xử phạt vi phạm hành chính.

Trường hợp giữa các bên không tồn tại loại thoả thuận theo Hợp đồng này mà Ban quản lý toà nhà xử phạt hành vi vi phạm đối với cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính là trái thẩm quyền.

An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động