Thứ bảy 23/11/2024 03:31

Vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não: hành vi tàn nhẫn, vi phạm pháp luật nghiêm trọng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
TS.Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng vụ việc nam sinh lớp 8 ở Long Biên (Hà Nội) bị đánh dẫn đến chấn thương sọ não là một sự việc rất đau lòng và rất nguy hiểm, hậu quả để lại là vô cùng nghiêm trọng.
Vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não: hành vi tàn nhẫn,  vi phạm pháp luật nghiêm trọng
Cháu N.H.Đ hiện đã được gia đình đưa về BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Ảnh: gia đình cung cấp

Hành vi rất man rợ, tàn nhẫn

Ngày 25/3, lãnh đạo Công an quận Long Biên (TP Hà Nội) thông tin, lực lượng chức năng đang điều tra, làm rõ vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh trọng thương, chấn thương sọ não tại sân đình Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên).

Theo gia đình nạn nhân, cháu N.H.Đ (SN 2010, học trường THCS Việt Hưng) hiện đang trong tình trạng chết não. Sự việc xảy ra lúc 14h ngày 17/3/2024, cháu Đ ra sân đình Lệ Mật để chơi bóng rổ. Quá trình chơi, cháu Đ. có xích mích với một bạn khác học lớp 6 tên là K. Sau đó, K bỏ về gọi người nhà ra đánh cháu Đ. Hậu quả, cháu Đ bị chấn thương sọ não nặng, tiên lượng xấu. Ngày 26/3, cháu đã được chuyển từ BV Trung ương Quân đội 108 về BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ để gần gia đình. Hiện, lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.

Về hoàn cảnh gia đình cháu Đ, mẹ con cháu quê ở huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ). Cách đây 10 năm, bố mẹ đưa Đ xuống Hà Nội và làm công nhân, thuê trọ tại phường Thượng Thanh (quận Long Biên). 3 năm trước, bố Đ qua đời do tai nạn giao thông. Hàng ngày, mẹ cháu đi bán hàng rong kiếm tiền nuôi con trai ăn học. Cháu Đ rất ngoan, chăm chỉ học tập và có năng khiếu hội họa.

TS.Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho rằng đây là một sự việc rất đau lòng và rất nguy hiểm, hậu quả có thể sẽ rất nghiêm trọng, nỗi đau sẽ dai dẳng với gia đình nạn nhân. Bởi vậy vấn đề trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm trong công tác quản lý cần phải được xem xét thận trọng, đầy đủ, khách quan, đúng pháp luật làm căn cứ xử lý đối tượng vi phạm và để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm, phòng ngừa vi phạm pháp luật, bảo vệ trẻ em, người chưa thành niên.

TS.Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: pháp luật Việt Nam bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mọi công dân, hành vi xâm phạm trái pháp luật đến sức khỏe, tính mạng của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Trong vụ việc này, với thông tin ban đầu cho thấy nạn nhân đã bị đánh hội đồng đến mức bất tỉnh, chấn thương sọ não thì mới được buông tha. Rất có thể các đối tượng đánh đập nạn nhân tưởng nạn nhân đã chết nên mới dừng tay. Điều đáng chú ý là với hành vi đánh hội đồng nghiêm trọng như vậy mà không ai phát hiện can ngăn, cứu giúp là vấn đề thực sự đáng lo ngại trong xã hội hiện nay.

“Hành vi đánh hội đồng cháu bé lớp 8 đến mức nạn nhân không còn có khả năng kháng cự và rơi vào tình trạng sống thực vật như vậy thì rõ ràng hành vi của đối tượng trong vụ việc này là rất man rợ, tàn nhẫn, không khác gì đánh kẻ thù và thể hiện ý thức coi thường pháp luật.

Đây là hành vi vi phạm pháp luật, có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em, xâm phạm quyền trẻ em, quyền con người, quyền công dân và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ danh tính của các đối tượng đã thực hiện hành vi đánh nạn nhân và xác định hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân để giải quyết theo quy định của pháp luật” - TS.Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Có thể khởi tố vụ án

Theo TS.Luật sư Đặng Văn Cường, trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy đối tượng thực hiện hành vi đánh cháu bé lớp 8 đã từ đủ 14 tuổi trở lên, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự thì các đối tượng này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc giết người tùy thuộc vào tính chất nguy hiểm của hành vi và hậu quả có thể xảy ra.

Điều 12 Bộ luật Hình sự quy định: người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.

"Nếu đối tượng này đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và hậu quả được xác định là rất nghiêm trọng thì cơ quan điều tra sẽ xem xét động cơ mục đích đánh người có nhằm mục đích là để sát hại nạn nhân hay không, hành vi có thể dẫn đến chết người hay không (với hành vi như vậy nạn nhân có thể tử vong hay không?) là căn cứ để xác định hành vi này sẽ xử lý về tội cố ý gây thương tích hay tội giết người.

Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy đối tượng có mục đích sát hại nạn nhân hoặc hành vi có thể dẫn đến nạn nhân tử vong, các đối tượng này nhận thức được hành vi của mình có thể tước đoạt trái pháp luật tính mạng của nạn nhân nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi (như dùng hung khí nguy hiểm đánh vào đầu nạn nhân, đập đầu nạn nhân xuống đường hoặc dùng hung khí nguy hiểm đánh vào vùng trọng yếu, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra), nạn nhân không chết là do được cấp cứu kịp thời thì sẽ xử lý các đối tượng này về tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự và hướng dẫn tại án lệ số 47/2021/AL. Hình phạt trong trường hợp này có thể là tù chung thân, tử hình đối với các đối tượng phạm tội đã từ đủ 18 tuổi và có thể tới 18 năm tù đối với các đối tượng từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi.

Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy đối tượng không nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến chết người, không có mục đích sát hại nạn nhân và hành vi không dẫn đến chết người thì các đối tượng này chỉ có thể bị xử lý về tội "Cố ý gây thương tích" theo Điều 134 Bộ luật Hình sự nếu các đối tượng này đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 của Bộ luật Hình sự" - TS.Luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

TS.Luật sư Đặng Văn Cường nhận định trong vụ việc này, độ tuổi của đối tượng đã thực hiện hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân, nguyên nhân sự việc, diễn biến hành vi của đối tượng và hậu quả có thể xảy ra đối với nạn nhân là những vấn đề quan trọng để xác định có đủ căn cứ để xử lý hình sự hay không, nếu xử lý thì sẽ xử lý về tội danh gì.

Nếu tại thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà người thực hiện hành vi đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, hành vi có mục đích giết người hoặc có thể dẫn đến chết người, đối tượng thực hiện hành vi nhận thức được hậu quả nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi thì sẽ xử lý về tội giết người. Còn nếu không đủ căn cứ chứng minh về tội giết người và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì sẽ xử lý về tội "Cố ý gây thương tích".

Vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não: hành vi tàn nhẫn,  vi phạm pháp luật nghiêm trọng
TS.Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam. Ảnh: NVCC

Là Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, TS.Luật sư Đặng Văn Cường cho biết: đây là sự việc rất nghiêm trọng, rất tàn nhẫn và gây ra hoang mang trong dư luận xã hội, gây ra hệ lụy lâu dài đối với nạn nhân và gia đình nạn nhân. Bởi vậy Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam sẵn sàng tham gia để hỗ trợ pháp lý cho gia đình nạn nhân, cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc để xác minh làm rõ, xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Chia sẻ về giải pháp để giảm thiểu những vụ việc tương tự, TS.Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh: "Sự việc cũng cho thấy nguy cơ trẻ em bị bạo hành, bị đánh đập gây tổn thương, có thể xảy ra bất kỳ khi nào nếu thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý của người lớn, trẻ em thiếu kỹ năng sống hoặc vấn đề giáo dục đạo đức lối sống của trẻ em không đạt hiệu quả. Để giảm thiểu những vụ việc như thế này thì vấn đề tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cần phải được thực hiện có hiệu quả hơn nữa. Đặc biệt là vấn đề giáo dục đạo đức lối sống, giáo dục kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật của các bạn trẻ trong môi trường học đường cần phải được quan tâm chú trọng hơn nữa".

Kỹ năng phòng tránh bạo lực học đường Kỹ năng phòng tránh bạo lực học đường
Hà Nội: Tổ chức kiểm tra, giám sát, thu thập và xử lý thông tin liên quan đến bạo lực học đường Hà Nội: Tổ chức kiểm tra, giám sát, thu thập và xử lý thông tin liên quan đến bạo lực học đường
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động