Vụ lừa bán hàng hiệu ở Bắc Giang: bị cáo có đơn tố cáo tại tòa
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBị cáo Trịnh Thu Trang trình bày tại tòa. Ảnh: N.M. |
Đề nghị làm rõ dòng tiền chuyển đi và chuyển đến
Ngày 28/5, TAND tỉnh Bắc Giang mở lại phiên tòa xét xử sở thẩm các bị cáo Trịnh Thu Trang (SN 1991, trú tại phường Hoàng Văn Thụ, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; bị cáo Nguyễn Thủy Anh (SN 1987, trú tại phường Hoàng Văn Thụ, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) và Lương Thị Thu Thảo (SN 1995, trú tại phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) cùng về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Trong phiên tòa tháng 3/2024, HĐXX của TAND tỉnh Bắc Giang đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung 8 vấn đề. Sau đó, VKSND tỉnh Bắc Giang đã thực hiện điều tra bổ sung và có văn bản gửi TAND tỉnh Bắc Giang đề nghị đưa vụ án ra xét xử.
Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Trịnh Thu Trang đã có đơn tố cáo 4 người gửi HĐXX.
Trình bày tại tòa, bị cáo Trang nêu rõ, vụ việc của bị cáo là giao dịch dân sự, bị cáo mua hàng và bán hàng, bị cáo không lừa ai. Còn nếu cơ quan chức năng xác định bị cáo phạm tội hình sự thì đề nghị cơ quan chức năng làm rõ nội dung bị cáo tố cáo. Trong đó, tố cáo bà Lê Thị Tố Nh (SN 1988, trú phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) vừa là đồng phạm, vừa là chủ mưu thao túng, dẫn dắt bị cáo tạo ra hậu quả như cáo trạng đã nêu.
Bị cáo Trang trình bày, bị cáo và bà Nh làm ăn chung, mọi việc làm bị cáo đều trao đổi, bàn bạc với bà Nh, sổ sách ghi chép chung, phần mềm máy điện thoại liên thông, mọi việc bị cáo làm bà Nh đều biết. Kể cả một số hành vi cho rằng bị cáo lừa đảo thì bà Nh đều biết và chính bà Nh là người hướng dẫn, phối hợp cùng làm với bị cáo.
Bị cáo Trang tố cáo bà Trần Bảo L (SN 1987, trú phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội), lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo. Trong suốt quá trình làm ăn, bị cáo đã tin tưởng theo lời giới thiệu của bà NH và đặt mua của bà L rất nhiều hàng với tổng số tiền khoảng 28 tỷ đồng. Đặc biệt trong 2 tháng 7-8/2022, bị cáo chuyển cho bà L hơn 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, khai tại cơ quan điều tra, bà L chỉ giao dịch với bị cáo 15 chiếc túi tương đương 5 tỷ đồng. Bị cáo và gia đình nhiều lần đề nghị cơ quan điều tra làm rõ dấu hiệu, vai trò của bà L và bà Nh trong suốt quá trình điều tra nhưng không được thực hiện.
Bị cáo Trang còn tố cáo kiểm sát viên có các biểu hiện tiêu cực, không công tâm, không khách quan trong điều tra, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Trong đó, bị cáo Trang tố cáo làm lộ lọt thông tin điều tra cho bên được coi là bị hại (bà Nguyễn Thị Hoài A (SN 1983, trú phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội), làm sai lệch thông tin khởi tố và số liệu công nợ.
Đồng thời, cơ quan điều tra đã đưa toàn bộ công nợ chưa kiểm chứng của bị cáo cung cấp và đề nghị điều tra làm rõ để khởi tố bị cáo. Đến khi ban hành kết luận điều tra, cáo trạng với nhiều sai lệch về số liệu công nợ nhưng vẫn cố tình phớt lờ.
Ngoài ra, cơ quan điều tra không thực hiện những kiến nghị của bị cáo và gia định về việc định giá tài sản trong vụ án, không tổ chức đối chất, đối soát giữa các bên để xác định công nợ dẫn tới những thông tin mập mờ, số liệu không chính xác, không xác minh dòng tiền luân chuyển đến và đi trong tài khoản để làm rõ bản chất việc mua bán hàng có thật hay không.
Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa đề nghị HĐXX yêu cầu bị cáo Trang đưa ra chứng cứ nói ông tiêu cực. Còn về vụ án, đã có tài liệu trong hồ sơ, đề nghị HĐXX xem xét.
Vắng nhiều người trong vụ lừa đảo số tiền lớn là điều bất thường
Trình bày tại tòa, luật sư của bị cáo Trang đề nghị HĐXX coi đơn tố cáo của bị cáo Trang gửi tòa là tình tiết mới của vụ án, trong đó, tố cáo kiểm sát viên lại đang là người giữ quyền công tố tại tòa nên không khách quan, đề nghị thay đổi kiểm sát viên. Đồng thời, đề nghị TAND tỉnh Bắc Giang triệu tập những người liên quan bởi chỉ có bà Nguyễn Thị Hoài A và bà Lê Thị Tố Nh có mặt tại tòa.
TAND tỉnh Bắc Giang đang xét xử vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ảnh: N.M. |
"Vụ án lừa đảo số tiền lớn mà thiếu nhiều người có nghĩa vụ liên quan không đến tham dự, đây là điều bất thường. Tôi đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa, triệu tập những người có nghĩa vụ liên quan", luật sư của bị cáo đề nghị.
Ngoài ra, luật sư của bị cáo nghi ngờ rằng, 16h ngày 14/3/2024, TAND tỉnh Bắc Giang tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng cùng ngày đó, VKSND tỉnh Bắc Giang ra văn bản trả hồ sơ và lấy nội dung từ quyết định trả hồ sơ. Luật sư đặt nghi vấn về việc tòa án chưa tuyên trả hồ sơ nhưng VKSND đã có nội dung trình bày trong văn bản?
Về việc này, kiểm sát viên cho biết, khi tòa có quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung đã chuyển cho VKSND và VKSND có 8 tiếng (từ 17h – 24h) ngày 14/3/2024 làm việc rồi ra văn bản gửi cơ quan điều tra phối hợp điều tra bổ sung.
HĐXX nghị án và quyết định rằng, kiểm sát viên không thuộc trường hợp thay nên đề nghị không được chấp nhận, nội dung tố cáo của bị cáo Trang có nội dung bố bị cáo là người bào chữa đã gửi cơ quan điều tra và được cơ quan điều tra làm rõ trong hồ sơ vụ án.
Về phần tố cáo điều tra viên, kiểm sát viên nhưng bị cáo Trang không đưa ra được căn cứ nào mà cho rằng không điều tra theo yêu cầu của bị cáo nên không có căn cứ. Về việc bỏ lọt thông tin, sai lệch hồ sơ, HĐXX sẽ xem xét trong quá trình xét xử.
Bên cạnh đó, HĐXX quyết định tiếp tục xét xử vắng mặt người có nghĩa vụ liên quan vì đã tống đạt quyết định hợp lệ và đây là phiên xét xử thứ 2. Ngoài ra, việc tòa trả hồ sơ lúc 16h và VKSND tỉnh Bắc Giang ra văn bản ngày 14/3/2024 không vi phạm quy định.
Tại phần xét hỏi, HĐXX cho bị cáo Trang và bà Nh đối chất để làm rõ các tình tiết của vụ án. Đồng thời, quá trình đối chất bị cáo Trang cho biết, việc mua bán hàng hiệu của bị cáo đều là hình ảnh chụp gửi qua tin nhắn (điện thoại, zalo, facebook,...) và tiền chuyển khoản trong một nhóm người, không bán cho khách lẻ.
Mặt khác, nơi mua hàng và bà Nh đều ở Hà Nội nên bà Như giới thiệu shipper, người này lại đi lấy hàng rồi giao cho khách, bị cáo chỉ được nhận ảnh và bill qua tin nhắn (điện thoại, zalo, facebook,...) nên không biết được các giao dịch mua bán có hàng hay không, bị cáo đề nghị HĐXX xem xét có hàng thật trong các giao dịch mua bán không?
"Hiện tại, cơ quan điều tra chỉ căn cứ vào lời khai của những bị hại và sử dụng đoạn chat không đầy đủ của bà Tố Nh làm bằng chứng kết tội bị cáo. Bị cáo đề nghị HĐXX, trích xuất tin nhắn trong điện thoại của bị cáo đã bị cơ quan điều tra thu để đối chiếu với các bên. Đồng thời, đề nghị xem xét dòng tiền chuyển đi – đến của tài khoản bị cáo và tài khoản của nhóm người mua bán với bị cáo. Toàn bộ số tiền chỉ luân chuyển trong 1 nhóm người, không bán cho khách lẻ", bị cáo Trang trình bày.
Cáo trạng của VKSND tỉnh Bắc Giang xác định, Trịnh Thu Trang buôn bán túi xách, đồng hồ đắt tiền của nhiều thương hiệu khác nhau như: Hermes, Chanel, Dior, LV, Rolex... trên mạng xã hội. Bằng thủ đoạn mua đắt, bán rẻ để thu hút khách bán hàng và khách đặt cọc tiền mua hàng nhằm chiếm đoạt hàng (túi xách, đồng hồ, dép) và tiền đặt cọc mua hàng của khách, trong khoảng thời gian từ tháng 7/2022 đến tháng 9/2022, Trịnh Thu Trang đã chiếm đoạt tiền và tài sản của 8 người bị hại với tổng giá trị hơn 53 tỷ đồng. |
Sắp mở lại phiên tòa xét xử vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ở Bắc Giang TAND tỉnh Bắc Giang ấn định mở lại phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Thu Trang về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại