Vụ cô gái bị khống chế, sàm sỡ ở Hà Nội: Đang làm rõ nguyên nhân vi phạm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh cắt từ clip |
Lên án hành vi xấu hổ
CA quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết vẫn đang điều tra vụ cô gái trẻ bị một người lạ mặt vào xóm trọ khống chế, sàm sỡ xảy ra trên địa phường Kim Liên vào tối 28/6.
Theo hình ảnh từ camera của chủ nhà trọ ghi lại, khoảng 0h22 ngày 28/6, một cô gái mặc áo hồng, đi xe máy vào khu nhà trọ ở phố Đông Tác, phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội.
Lúc này, một nam thanh niên đeo kính, rình mò khu vực trước cổng rồi bất ngờ xông tới khống chế, một tay bịt miệng, tay còn lại có hành động sàm sỡ nạn nhân.
Trước sự kháng cự mạnh mẽ của cô gái, nam thanh niên đã bỏ chạy. Đoạn clip sau đó được lan truyền trên mạng xã hội thu hút quan tâm rất lớn từ dư luận. Nhiều ý kiến chỉ trích, lên án hành vi xấu hổ của nam thanh niên. Rất nhiều độc giả quan tâm, hành vi của nam thanh niên sẽ bị xử lý thế nào?
Trả lời câu hỏi này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi của nam thanh niên là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm và quyền tự do thân thể của người khác. Tùy thuộc vào mục đích của hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong clip thể hiện rất rõ hình ảnh sự việc, rõ mặt đối tượng sàm sỡ, quấy rối tình dục với cô gái trẻ và clip được lan tải trên mạng xã hội, qua phản ánh của các cơ quan truyền thông. Bởi vậy, CQĐT sẽ vào cuộc xác minh tin báo và sẽ sớm xác định được danh tính của đối tượng này.
Hành vi của đối tượng này là rất manh động, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, coi thường danh dự, nhân phẩm của người khác và còn có nguy cơ nghiêm trọng hơn là xâm hại tình dục, xâm phạm đến tài sản của nạn nhân. Hành vi như vậy gây gây lo lắng, hoang mang, hoảng sợ trong cộng đồng, đặc biệt là những người phụ nữ trẻ nơi công cộng và những lúc đêm tối, vắng vẻ...
Do đó, CQĐT cần sớm vào cuộc, xác minh làm rõ hành vi của đối tượng, xác định hậu quả xảy ra đối với nạn nhân và xã hội để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.
Hình phạt cho “gã biến thái”?
Trường hợp hành vi không chỉ thể hiện qua clip là sờ vào ngực nạn nhân (quấy rối tình dục) mà còn có những hành vi khác với mục đích nhằm giao cấu trái ý muốn với nạn nhân thì CQĐT sẽ khởi tố vụ án hiếp dâm theo quy định tại Điều 141 BLHS năm 2015.
Trường hợp hành vi kèm theo là đe dọa, uy hiếp tinh thần của nạn nhân để giật dây chuyền, điện thoại... hoặc chiếm đoạt những tài sản khác của nạn nhân thì hành vi bị xử lý sẽ là cướp tài sản hoặc cướp giật tài sản.
Nếu hành vi của đối tượng chỉ là sàm sỡ, quấy rối tình dục, xâm phạm đến quyền tự do thân thể, danh dự nhân phẩm của người khác nhưng hành vi này diễn ra nhiều lần, với nhiều người nơi công cộng và gây ra dư luận xấu trong xã hội thì CQĐT có thể khởi tố đối tượng này về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại Điều 318 BLHS năm 2015 với hình phạt có thể tới 7 năm tù.
Trường hợp đã xác định được danh tính, hành vi của đối tượng này như trong clip và không chứng minh được hành vi khác như hiếp dâm, cướp tài sản và hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục thực hiện lần đầu và duy nhất thì riêng hành vi sàm sỡ với người phụ nữ trong clip, đối tượng này sẽ bị phạt hành chính tới mức phạt từ 5 triệu đến 8 triệu đồng theo quy định tại điểm đ, khoản 5, Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội. Ngoài chế tài xử phạt, người thực hiện hành vi vi phạm còn phải công khai xin lỗi nạn nhân, trừ trường hợp nạn nhân không có đơn yêu cầu.
Bên cạnh đó, đối tượng sàm sỡ cô gái sẽ phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể, người này phải bồi thường các chi phí bao gồm: Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm phải bồi thường khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà nạn nhân phải gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận.
Nếu 2 bên không thể thỏa thuận được, mức đền bù tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Ngoài ra, CQĐT cũng sẽ làm rõ yếu tố tâm lý và có thể còn là bệnh lý của đối tượng này. Cần làm rõ nguyên nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là do đạo đức nhân cách thấp kém hay do yếu tố bệnh lý về tình dục. Trường hợp đối tượng thực hiện hành vi vi phạm do đạo đức nhân cách thấp kém, ý thức coi thường pháp luật, cần phải xử lý nghiêm minh để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ danh dự nhân phẩm công dân.
Còn trường hợp hành vi của đối tượng là do bị ảnh hưởng của yếu tố bệnh lý về tình dục, cũng cần có những biện pháp can thiệp bởi y tế để giảm bớt nguy cơ gây nguy hiểm cho xã hội, để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm, phòng ngừa vi phạm.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại