Thứ sáu 22/11/2024 11:40

Vụ bé gái 13 tuổi sinh con: Thiếu các khóa học giáo dục pháp luật gắn liền tâm sinh lý

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Liên quan đến vụ bé gái 13 tuổi sinh con trong nhà tắm (Bắc Giang), ngày 16/2, Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định và thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối với Nông Văn Minh (sinh năm 2006, ở thị trấn An Châu, huyện Sơn Động) về hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
Vụ bé gái 13 tuổi sinh con: Thiếu các khóa học giáo dục pháp luật gắn liền tâm sinh lý
Ngôi trường bé gái 13 tuổi sinh con tại nhà đang theo học

Trước đó ngày 14/2, Công an huyện Sơn Động nhận được tin báo khoảng 4h30 ngày 11/2, tại xã An Bá, huyện Sơn Động, gia đình phát hiện bé gái 13 tuổi sinh con tại nhà. Sau đó, cháu bé được xác định là T.T.M.C, sinh năm 2010.

Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Phòng cảnh sát hình sự phối hợp Công an huyện Sơn Động nhanh chóng xác minh vụ việc.

Quá trình điều tra xác định Nông Văn Minh và cháu T.T.M.C. có quan hệ tình cảm yêu đương.

Khoảng tháng 6/2022, Minh có hành vi quan hệ tình dục với cháu T.T.M.C. dẫn đến C. mang thai và sinh con vào ngày 11/2.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, bởi thời điểm đối tượng Nông Văn Minh có hành vi quan hệ với cháu C. là năm 2022, lúc C. mới 12 tuổi, thì kể cả có tự nguyện hay không đều cấu thành tội hiếp dâm trẻ em theo quy định tại Điều 142 Bộ luật hình sự với tình tiết tăng nặng định khung là làm nạn nhân có thai khung hình phạt có thể lên đến 20 năm tù.

Tuy nhiên, cũng theo luật sư, với tình tiết người bạn trai mới 17 tuổi, thì Điều 101 Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định mức hình phạt cao nhất cho người chưa thành niên, được áp dụng không quá 3/4 mức hình phạt tù mà điều luật quy định.

Cũng theo luật sư Hùng, đây là câu chuyện hết sức đau lòng không chỉ với nạn nhân mà với cả Nông Văn Minh, người được xác định là có hành vi hiếp dâm bé C. theo luật định. Bởi lẽ, việc sinh con ở tuổi 13 ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của trẻ. Đó là trẻ phải vào đời quá sớm, trách nhiệm quá nặng nề khi phải nuôi, dạy con. Đồng thời, bản thân đứa trẻ cũng chịu ảnh hưởng tâm lý nặng nề, căng thẳng, thậm chí bị bạn bè dị nghị, cười cợt, trêu chọc.

Còn đối với việc hiếp dâm, quan hệ tình dục khi các em còn đang ở lứa tuổi học trò dẫn đến những những hậu quả đáng tiếc là một nỗi đau. Với cương vị là luật sư, khi tham dự những phiên tòa mà bị hại, bị cáo là những đứa trẻ vị thành niên, những vụ án đó dù thế nào cũng để lại trong những người tham gia những nỗi buồn, day dứt rất lớn.

“Kể cả nạn nhân hoặc bị cáo trong những vụ án như vậy đều khiến tôi lẫn lộn thương – giận – trách. Hầu hết các vụ án xảy ra khi mà bị cáo, thậm chí là nạn nhân đều không ý thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Có nhiều trường hợp khi ra tòa mới nhận thức được hành vi của mình, sau đó ân hận, khóc lóc. Nhưng cũng còn có trường hợp vẫn ngơ ngác, vô cảm…” – luật sư Hùng nói. Đơn cử như vụ việc bé 13 tuổi mới sinh con nói trên có lẽ cả bé gái cũng không hề ý thức được mình bị xâm hại nghiêm trọng và những hành vi của các đối tượng kia với em là vi phạm pháp luật.

Qua thực tế đó, luật sư Hùng cho rằng, cội nguồn của mọi câu chuyện vẫn là vấn đề quản lý và giáo dục từ gia đình, nhà trường và cả xã hội. Thực tế trong xã hội hiện nay, không chỉ giới trẻ, mà cả những người trưởng thành vẫn ngơ ngác, lẫn lộn và hồn nhiên vi phạm pháp luật. Với những gia đình có người lớn trong nhà như vậy thì nói gì đến việc tự giáo dục pháp luật cho con. Vậy nên, để sửa lại “lỗi” của người lớn, quan trọng nhất hiện nay, theo ông vẫn là vấn đề giáo dục. Khốn nỗi, giáo dục Việt Nam hiện nay vẫn quá hình thức, không thực tế, chỉ chạy theo kiến thức mà không chú tâm vào giáo dục pháp luật, giáo dục cách làm người cho học sinh.

“Nhìn vào chương trình giáo dục hiện nay, không thấy có bất cứ một chương trình dù là ngoại khóa nào về giáo dục pháp luật gắn liền với tâm sinh lý, độ tuổi của học sinh. Việc giáo dục tâm sinh lý học đường của chúng ta đang quá buông lỏng và xem nhẹ.” – luật sư Hùng nhận định.

Tham gia nhiều buổi phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh, luật sư Hùng vẫn cho rằng, những chương trình đó thực tế có tác động đến các cháu. Sau mỗi lần nghe phổ biến, tuyên truyền, giáo dục các cháu đều nhận thức được và có nhiều tác động đến hành vi. Cụ thể các cháu đã đặt rất nhiều các câu hỏi liên quan. Tuy nhiên theo ông, những buổi phổ biến ấy chưa là hệ thống và thường xuyên.

“Ở các thành phố lớn việc phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh – sinh viên còn phiến diện, hình thức cả về hình thức, nội dung, thời lượng nói gì đến đến vùng sâu vùng xa.” – luật sư Hùng nói.

Đẩy mạnh phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên Đẩy mạnh phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên
Mua bé gái 13 tuổi về làm phục vụ quán karaoke Mua bé gái 13 tuổi về làm phục vụ quán karaoke
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động