Thứ bảy 20/04/2024 13:58

Vĩnh Phúc: Để sản phẩm quà tặng du lịch ghi dấu ấn trong lòng du khách

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Việc triển khai xây dựng hệ thống các sản phẩm quà tặng du lịch, nhằm tạo dấu ấn, kích cầu chi tiêu của du khách khi đến Vĩnh Phúc, bước đầu đã có những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để tiềm năng du lịch được khai thác hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng địa phương cần có những cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa, đặc biệt là với những doanh nghiệp sản phẩm OCOP quà tặng du lịch.
Vĩnh Phúc: Để sản phẩm quà tặng du lịch ghi dấu ấn trong lòng du khách
Du khách thăm thú dạo chơi tại Khu danh thắng Tây Thiên

Nâng cao vị thế du lịch qua các sản phẩm quà tặng

Được biết, giai đoạn 2017 - 2019, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh tăng trưởng khá, mức tăng hằng năm về lượng khách đạt hơn 15% và doanh thu 11%. Du lịch đã tạo việc làm cho trên 14.000 lao động, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Tuy nhiên, dù lượng du khách đến Vĩnh Phúc tăng cao nhưng doanh thu từ du lịch còn thấp, do mức chi tiêu bình quân của du khách mới chỉ dừng ở mức tối thiểu - khoảng 400.000 đồng-500.000 đồng/ngày/khách.

Nguyên nhân nguồn lợi kinh tế từ du lịch chưa được khai thác hiệu quả như mong muốn, chủ yếu do lượng khách lưu trú không nhiều, thiếu các sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch tuy có phát triển nhưng phân bố không đồng đều, tập trung chủ yếu ở thành phố Vĩnh Yên, huyện Tam Đảo, vì vậy, không khả năng giữ được khách du lịch có phần hạn chế.

Vĩnh Phúc: Để sản phẩm quà tặng du lịch ghi dấu ấn trong lòng du khách
Lễ hội Tây Thiên Tam Đảo, mỗi năm thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước "đến với Phật, về với Mẫu".

Một trong những giải pháp kích cầu du lịch được tính đến, là xây dựng hệ thống sản phẩm quả tặng du lịch triển khai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc – với mục tiêu xây dựng những sản phẩm chất lượng cao, mang đậm nét văn hóa đặc trưng vùng miền, để du khách mua làm quà lưu niệm, hoặc sử dụng, hoặc biếu tặng.

Bước đầu đã có những sản phẩm quà tặng du lịch mang đặc trưng vùng miền được du khách mỗi khi về Vĩnh Phúc biết đến, như đông trùng hạ thảo Tam Đảo, trà hoa vàng, mật ong Tam Đảo, và một số sản phẩm thủ công mĩ nghệ từ các làng nghề truyền thống như Hương Canh, Bích Chu... Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp cho rằng, Vĩnh Phúc cần kịp thời hỗ trợ cac doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ khó khăn, trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng sản phẩm quà tặng du lịch.

Cần sự tôn vinh và khích lệ xứng đáng

Trao đổi với PV PL&XH xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc HTX Nấm Tam Đảo cho rằng, chủ trương xây dựng hệ thống các sản phẩm quà tặng du lịch mang đặc trưng vùng miền trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là đúng đắn, phù hợp với xu thế.

“Không chỉ Vĩnh Phúc, mà nhiều địa phương khác cũng đã làm từ trước. Nhiều sản phẩm quà tặng du lịch mà mỗi khi được nhắc đến, thì người ta nghĩ ngay đến văn hóa, vùng đất và con người nơi sản sinh ra những đặc sản nức tiếng, Vĩnh Phúc cũng không ngoại lệ. Bước đầu các doanh nghiệp cũng đã nỗ lực cố gắng đầu tư sản xuất, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm đến du khách, nhưng thực tế vẫn còn có những mong đợi… ngậm ngùi, rất cần cơ quan chức năng thấu hiểu, thông cảm sẻ chia, giúp đỡ nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp.” – ông Nguyễn Quốc Huy tâm sự.

Theo ông Nguyễn Quốc Huy, một trong những khó khăn mà doanh nghiệp xây dựng sản phẩm OCOP quà tặng du lịch đang đối mặt, là công tác tuyên truyền đảy mạnh xúc tiến thương mại ở các điểm du lịch, hội chợ chưa được cơ quan chức năng chú trọng.

Cụ thể, mỗi khi có hội chợ, các doanh nghiệp được gọi mời đều hào hứng tham gia, chuẩn bị sản phẩm đến trưng bày giới thiệu. Tuy nhiên, việc làm đem lại ý nghĩa rất thiết thực là công tác tuyên dương khích lệ lồng ghép trong các chương trình sự kiện từ các cơ quan chức năng lại bị xem nhẹ - không thể hiện được bản chất của sự kiện.

Chủ trương thực hiện thì rất tốt, nhưng cách làm chưa đạt, như việc ghi nhận chất lượng sản phẩm, ghi nhận nỗ lực của các doanh nghiệp trước sự chứng kiến của du khách là cách làm hiệu quả để kích thích tiêu dùng, thì nhiều khi chỉ làm qua loa chiếu lệ, thậm chí không làm, nên chưa đem lại nhiều ý nghĩa động viên, không khiến du khách yên tâm sẵn sàng dốc hầu bao mua sản phẩm.

“Ví dụ như thủ tục trao chứng nhận sản phẩm OCOP cần phải làm trang nghiêm, trang trọng để mọi người thấy được cố gắng của những người âm thầm làm ra sản phẩm, khích lệ tuyên dương họ xứng đáng để ngày càng cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng. Từ đó, nâng tầm thương hiệu sản phẩm, giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng” – ông Nguyễn Quang Huy cho biết.

Ý nghĩa việc mua quà lưu niệm đúng nơi, đúng chỗ

Mặt khác, việc kích cầu tiêu thụ sản phẩm du lịch, cũng cần có địa điểm phù hợp trưng bày các sản phẩm mang tính đặc trưng vùng miền, để tiện cho du khách mua làm quà tặng. Với lợi thế của địa phương, Vĩnh Phúc có 2 khu du lịch nổi tiếng là thị trấn Tam Đảo và Khu danh thắng Tây Thiên, cơ quan chức năng nên xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp có được khu trưng bày sản phẩm quà tặng du lịch đắc địa ở những nơi này.

“Điều đó sẽ kích thích phong trào mua sắm của du khách mỗi dịp ghé thăm ngay ở khu du lịch, chứ còn đi Tam Đảo chơi, mà lại chờ lúc trên đường quay về ghé vào siêu thị ở thành phố Vĩnh Yên để tìm mua quà tặng, thì tình cảm và tâm lý của nhiều du khách sẽ do dự, mất đi ý nghĩa.” - Ông Nguyễn Quang Huy nói.

Vĩnh Phúc: Để sản phẩm quà tặng du lịch ghi dấu ấn trong lòng du khách
Mỗi sản phẩm quà tặng du lịch ngoài tiêu chí OCOP còn là sản phẩm đặc trưng kết tinh các giá trị từ thổ nhưỡng, văn hóa của vùng đất và những con người làm nên sản phẩm

Từ thực tế việc tiêu thụ các sản phẩm quà tặng du lịch còn chậm, bà Lê Thị Nga, Giám đốc Công ty Cổ phần ong Tam Đảo cũng cho rằng, nhiều sản phẩm quà tặng du lịch với bao tâm huyết và nỗ lực, nhưng hiện nay đưa ra thị trường mới chỉ dừng lại ở mức độ trưng bày, việc tiêu thụ vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân do các sản phẩm vẫn chưa được hỗ trợ đúng mức, các chương trình xúc tiến thương mại kích cầu tiêu thụ vẫn còn hạn chế.

“Có người cho rằng sản phẩm đắt nên hạn chế người tiếp cận, nhưng thực ra giá cả không phải là vấn đề trở ngại. Bởi các sản phẩm quà tặng du lịch, được xây dựng rất đa dạng về mức giá từ thấp đến cao, phù hợp với nhu cầu của và khả năng chi tiêu của nhiều du khách. UBND tỉnh Vĩnh Phúc có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trưng bày các sản phẩm ở nhiều siêu thị trên địa bàn tỉnh, để nhiều người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận biết đến.” – bà Lê Thị Nga cho biết.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, bên cạnh đẩy mạnh quảng bá tuyên truyền, trên các phương tiện truyền thông, các nền tảng mạng xã hội, thì để kích thích tiêu dùng sản phẩm du lịch, cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc có thể xem xét hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Có thể ban đầu chỉ nhằm mục đích kích cầu giới thiệu, ví dụ mỗi khi có đoàn khách của địa phương khác về công tác, có thể giới thiệu để khách biết Vĩnh Phúc có những đặc sản như thế nào – bởi lẽ, nếu không được trải nghiệm sử dụng thì thật khó để khách hàng hiểu về sản phẩm.

Vĩnh Phúc: Trao giải cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch năm 2019 Vĩnh Phúc: Trao giải cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch năm 2019

Chiều 31-12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc (VHTT&DL) tổ chức trao giải cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm lưu ...

Du lịch Vĩnh Phúc: An toàn của du khách là quan trọng nhất Du lịch Vĩnh Phúc: An toàn của du khách là quan trọng nhất

Đặt sự an toàn của du khách và cộng đồng lên hàng đầu, các đơn vị trong ngành du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đã chuẩn ...

Sỹ Hào
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động