Vấn nạn buôn bán người: “Nghĩ trước, bước sau” để không bị rơi vào bẫy
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác đối tượng trong một vụ án mua bán người (Ảnh CQCA cung cấp) |
Liên tiếp các vụ buôn bán người bị triệt phá
Phòng CSHS CA TP Cần Thơ vừa cho biết, từ tin báo của người dân, đơn vị đã phối hợp CA huyện Vĩnh Thạnh kiểm tra quán karaoke VT09 (thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) phát hiện có 13 nhân viên phục vụ, trong đó có 4 nhân viên dưới 16 tuổi.
Quá trình xác minh, căn cứ các tài liệu thu thập được, CQ CSĐT CA TP Cần Thơ đủ cơ sở chứng minh các đối tượng đã có hành vi mua bán nạn nhân T.N.T (SN 2007, trú tại tỉnh Trà Vinh) khi chưa đủ 16 tuổi.
Theo điều tra, tháng 7/2022, khi T.N.T đang làm nhân viên quán karaoke Quỳnh Hương (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), do mâu thuẫn với nhân viên trong quán nên T.N.T nhờ Nguyễn Hoàng Phong (SN 2004, trú tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) kiếm chỗ khác làm.
Phong giới thiệu T.N.T cho Đồng Thị Bé Hai (SN 1986, trú tại thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) với điều kiện trả cho Phong 40 triệu đồng. Đồng Thị Bé Hai đồng ý nên kêu Trịnh Huệ Hiếu từ Vĩnh Thạnh đến Tây Ninh giao 40 triệu cho Phong rồi đưa T.N.T. về quán karaoke VT09 và ép làm việc để trả nợ.
Sau khi củng cố hồ sơ, Phòng CSHS CA TP Cần Thơ đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Đồng Thị Bé Hai; khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trịnh Huệ Hiếu (SN 1988, ngụ huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) về hành vi mua bán người dưới 16 tuổi.
Trước đó, ngày 15/7, CSHS CA tỉnh Bình Dương cho biết, vừa phối hợp CA thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương và CA huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước triệt phá một đường dây mua bán người, bắt giữ 11 đối tượng liên quan.
Qua công tác nắm địa bàn, Phòng CSHS CA tỉnh và CA thị xã Bến Cát phát hiện nhóm đối tượng do Đặng Công Tín (SN 2003, quê Phú Yên) cầm đầu có hành vi mua bán người.
Thủ đoạn của băng nhóm này là lên mạng xã hội tìm kiếm những cô gái trẻ nhẹ dạ, cả tin, hiểu biết còn hạn chế đang có nhu cầu kiếm việc làm rồi đưa ra các thông tin, mức lương hấp dẫn để dụ dỗ. Sau đó, nhóm này dùng nhiều thủ đoạn đe dọa, cưỡng ép để lừa bán nạn nhân vào các cơ sở massage, karaoke trên địa bàn tỉnh Bình Dương hoặc bán qua Campuchia.
Hiện Phòng CSHS CA tỉnh Bình Dương đang tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo CQCA, để công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người có hiệu quả, ngoài việc nâng cao trách nhiệm của ngành công an trong rà soát, nắm bắt, xử lý các đối tượng nghi vấn liên quan đến hoạt động mua bán người, thì chính quyền các địa phương cũng cần chỉ đạo các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm bắt được phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này cũng như các chủ trương, chính sách pháp luật về thủ tục xuất nhập cảnh, hợp tác lao động với nước ngoài.
Các tổ chức đoàn thể quan tâm, giúp đỡ chị em phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng dụ dỗ, lừa gạt và trở thành nạn nhân trong các vụ mua bán người.
Chế tài xử phạt như thế nào?
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, mua bán người là hành vi đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi cụ thể gồm chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.
Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; tuyển mộ, vận chuyển, chứng chấp người khác để thực hiện những hành vi cụ ở trên. Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến quyền được bảo vệ về thân thể, nhân phẩm của con người.
Theo luật sư Thái, mua bán người là tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp trong đó người thực hiện hành vi phạm tội xâm phạm đến các quyền cơ bản của nạn nhân như quyền tự do, quyền con người,… coi con người như một món hàng để thực hiện việc trao đổi, mua bán với mục đích là kiếm lợi nhuận.
Tội “Mua bán người” được quy định tại Điều 150 BLHS năm 2015. Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ và hành vi, người phạm tội phải chịu một trong các khung hình phạt sau:
Khung hình phạt thứ nhất là bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Điều kiện cấu thành tội phạm là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác…
Khung hình phạt thứ hai là bị phạt tù từ 8 năm đến 15 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức; vì động cơ đê hèn; gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%...
Khung hình phạt thứ ba là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp như có tính chất chuyên nghiệp; gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; làm nạn nhân chết hoặc tự sát…
“Đây là một trong những tội danh mức phạt rất nặng. Sau khi bị khởi tố, người bị chứng minh là có tội có thể đối mặt với các khung hình phạt nêu trên. Ðể nâng cao hiệu quả công tác phòng chống mua bán người trong tình hình mới, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, giải pháp trọng tâm, mang tính chiến lược là sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý về phòng chống mua bán người, sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người là yêu cầu cấp thiết” - luật sư Thái cho biết.
Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người vượt biên trái phép, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho người thân, gia đình kịp thời trình báo cho CQCA để cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn, điều tra, xử lý hoặc số điện thoại đường dây nóng của cơ quan đại diện, tổng đài bảo hộ công dân: +84981.848484. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại