Lừa bán 4 con sang Campuchia, gã “bố nuôi” chịu hình phạt nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhòng CSHS, CA TP Hải Phòng thông tin, đơn vị đang phối hợp với CA tỉnh Quảng Ninh điều tra làm rõ hành vi mua bán người dưới 16 tuổi đối với Nguyễn Văn Anh, SN 1977, ở số 4, khu Cống Mỹ, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng.
Theo kết quả điều tra ban đầu, trong lần thứ tư đi tù tại Trại giam Hoàng Tiến, Bộ Công an, Văn Anh quen hai phạm nhân biệt danh "Vàng" và "Cẩu", cùng quê Hải Phòng.
Đầu năm 2020, Văn Anh được tha tù, gặp lại hai người này và được cho biết ở Campuchia đang tuyển người từ 18 đến 40 tuổi sang làm việc. Ai giới thiệu ứng viên thành công sẽ có hoa hồng.
Thấy nhóm bạn thân của con trai sớm nghỉ học, muốn tìm việc giúp đỡ gia đình, Văn Anh tiếp cận bằng cách nhận làm con nuôi.
Chân dung đối tượng Nguyễn Văn Anh tại CQĐT |
Cuối tháng 3, Văn Anh nói có bạn làm ở Campuchia cần tìm lao động trẻ, lương 18-20 triệu đồng/tháng và thuyết phục được 4 con nuôi cùng sang Campuchia.
Văn Anh liên lạc với “Vàng” và “Cẩu” và được thông báo tiền hoa hồng sẽ trích từ phần trăm lương tháng của lao động. Việc di chuyển sang Campuchia sẽ có người, phương tiện của hai người trên đưa đón.
Sang Campuchia, các nạn nhân mới biết bị bán với giá 2.400 USD/người vào casino. Ai muốn về phải nộp 2.400 USD, nếu không sẽ bị chuyển đi chỗ khác.
Biết đã bị “bố nuôi” lừa bán ra nước ngoài, các em đã tìm cách liên lạc về gia đình cầu cứu thông qua mạng xã hội. Khi nhận được thông tin của các con bị lừa bán sang Campuchia, gia đình 4 thiếu niên đã phải vay tiền rồi tìm cách liên hệ với người quen để chuộc con về, với số tiền chuộc từ 57,6 triệu đồng đến 80 triệu đồng/em. Sau khi giải cứu thành công, người thân các em đã làm đơn tố giác gửi đến CA TP Hải Phòng.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi mua bán người dưới 16 tuổi mà Nguyễn Văn Anh đang bị điều tra được quy định tại Điều 151 BLHS năm 2015.
Theo luật sư Nguyên, mua bán người là hành vi đem con người làm vật trao đổi để có được những lợi ích khác như tiền bạc, tình dục,... Thực thế đối tượng bị mua bán người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Trong khi đó, trẻ em là đối tượng được Nhà nước ưu tiên nhiều nhất không chỉ bởi trẻ em là nhóm yếu thế trong xã hội mà trẻ em còn là tương lai của đất nước.
Chính vì thế, để xử phạt những hành vi coi trẻ em là vật để trao đổi, mua bán, pháp luật hình sự đã đặt ra quy định riêng về tội mua bán người dưới 16 tuổi.
Tội phạm xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do của trẻ em. Do đó, khách thể của tội phạm là quyền tự do, nhân phẩm, danh dự, quyền được Nhà nước bảo hộ về thân thể, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của trẻ em, quyền được sống, phát triển trong môi trường lành mạnh của trẻ em và sự an toàn của toàn xã hội.
Nữ luật gia phân tích, hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi được pháp luật hình sự quy định bao gồm những hành vi như chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo.
Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác. Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
Đặc biệt, tội mua bán người dưới 16 tuổi được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Tức là người phạm tội hoàn toàn nhân thức được hậu quả xâm hại đến danh dự nhân phẩm, thậm chí là thân thể, tính mạng của nạn nhân, coi nạn nhân làm công cụ để kiếm lợi ích. Tuy nhận thức rõ hậu quả như vậy nhưng người phạm tội vẫn mong muốn thực hiện tội phạm, mong muốn để cho hậu quả đó xảy ra.
Về hình phạt, luật sư Nguyên cho biết, tội danh này có khung hình phạt cơ bản (khoản 1) là phạt tù từ 7 đến 12 năm. Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất (khoản 2) là phạt tù từ 12 đến 20 năm nếu người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với từ 2 đến 5 người; Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng; Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Phạm tội 2 lần trở lên; Vì động cơ đê hèn…
Khung hình phạt tăng nặng thứ hai (khoản 3) là phạt tù từ 18 đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu phạm tội có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên…
Như vậy, nếu bị chứng minh có tội mua bán người dưới 16 tuổi, tùy tính chất mức độ mà người thực hiện hành vi có thể đối mặt với các khung hình phạt nêu trên.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại