Thứ bảy 23/11/2024 12:23

Vắc-xin phòng Covid-19 sẽ về nhiều vào cuối năm 2021

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đến cuối năm 2021, số lượng vắc xin sẽ về nhiều và dồn dập, do vậy công tác chuẩn bị luôn sẵn sàng. Công tác triển khai phải tổ chức bài bản, công khai tiến độ phân bổ và việc thực hiện tiêm chủng lên cổng thông tin tiêm chủng quốc gia. Đặc biệt cần huy động các lực lượng để tổ chức nhiều điểm tiêm.

Đây là một trong những nhiệm vụ được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tại buổi giao ban của do Bộ Quốc phòng, Ban chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 toàn quốc tổ chức ngày 10-8 nhằm đánh giá tiến độ các hoạt động triển khai chiến dịch tiêm chủng.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu, sau một tháng khởi động Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 toàn quốc cho thấy: Công tác tiếp nhận, vận chuyển và bảo quản vắc-xin được triển khai quyết liệt, các đơn vị của ngành y tế đã phối hợp với quân đội tiến hành khảo sát, xây dựng và lắp đặt 8 kho bảo quản vắc-xin tại 7 Quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô với công suất bảo quản lên đến 60 triệu liều vắc-xin.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã bàn giao 63 xe đông lạnh cho các Quân khu để vận chuyển vắc-xin đi các địa phương, nhằm bảo đảm kịp thời cho công tác tiêm chủng.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Thời gian tới đây, khi vắc-xin về số lượng lớn, tần suất nhiều, một số loại vắc-xin phải được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ âm sâu cần phải có kế hoạch chi tiết, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, có sự phối hợp chặt chẽ giữa y tế với quân đội, giữa trung ương với địa phương và các quân khu.

"Cần phải hoàn thiện và phê duyệt ngay các quy trình vận chuyển, bảo quản vắc-xin, mỗi loại có nhiệt độ bảo quản khác nhau nên cần có những quy định cụ thể; các quy trình hoạt động, vận chuyển của xe lạnh đến các địa phương, đơn vị tiêm chủng, giao Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) sớm đánh giá, phê duyệt GSP (Tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt) đối với các kho bảo quản vắc-xin tại các Quân khu và cho vận hành ngay”, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.

Về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản thông tin: Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các quân khu, quân đoàn và lực lượng quân y phối hợp với các địa bàn trong toàn quốc phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện. Đồng thời quân đội cũng đã huy động và được tập huấn đầy đủ, lực lượng quân đội sẵn sàng trực 24/24, thậm chí có thể điều trực thăng vận chuyển vắc-xin đến các hải đảo, vùng có địa bàn khó khăn để tiêm chủng cho nhân dân đúng tiến độ. Bộ Quốc phòng sẽ có kế hoạch vận chuyển ngay khi vắc xin về Việt Nam.

Lượng vắc-xin phòng Covid-19 sẽ về nhiều, dồn dập vào cuối năm 2021
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi giao ban (ảnh BYT)

Đánh giá về tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, Tiểu ban tiêm chủng cho biết, tính đến ngày 10-8 đã có 18.122.000 liều vắc-xin phòng Covid-19 từ các nguồn khác nhau về đến Việt Nam, trong đó để tiêm cho đối tượng ưu tiên là các lực lượng tuyến đầu và địa bàn dịch bùng phát như: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội…

Trong 2 tuần lại đây, tiến độ tiêm chủng được đẩy mạnh, trung bình mỗi ngày tiêm gần 400.000 mũi. Tổng số tiêm từ đầu đến nay hơn 10,5 triệu mũi (hiện nay trong các kho đang để lại 2,5 triệu liều Moderna và 250 nghìn Verocell để tiêm mũi thứ 2 cho những người đã tiêm mũi 1 loại vắc-xin này). Đặc biệt, Bộ Y tế đã có văn bản về dự kiến phân bổ vắc-xin từ nay đến hết năm 2021 để các địa phương nắm được số lượng, lên phương án tiêm nhằm bảo đảm tiến độ, trong đó cần phải bảo đảm nguồn vắc-xin để những người đã tiêm mũi 1 khi đến thời hạn, được tiêm mũi 2.

Về ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, thời gian qua phần mềm đăng ký tiêm chủng đã được đưa vào sử dụng, đến nay đã có 2,4 triệu người dân tải App sổ sức khoẻ điện tử; 63/63 tỉnh đã cập nhật dữ liệu lên phần mềm. Đến thời điểm này, đã có dữ liệu 10,1 triệu đối tượng đăng ký tiêm trên PM và nhập trên hệ thống, trong đó có hơn 4,9 triệu mũi tiêm nhập trên hệ thống. Đã có 5,568 điểm tiêm chủng tại 63 Tỉnh/TP được cập nhật lên nền tảng tiêm chủng. Công tác truyền thông về tiêm chủng cũng đã được các cơ quan báo chí đưa tin liên tục với nhiều hình thức khác nhau.

Đặc biệt, các hướng dẫn, khuyến cáo về chuyên môn đều được chuyển tải bằng các inforgraphic để người dân dễ hiểu, dễ sử dụng. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu cần phải triển khai công nghệ thông tin, cập nhật thường xuyên, liên tục lên bản đồ với mục tiêu công khai, minh bạch về việc phân bổ vắc xin và tiến độ tiêm chủng để người dân biết, người dân giám sát. Công tác truyền thông cần phản ánh những nỗ lực của các lực lượng tiêm chủng, những điểm sáng, cách làm hay của các địa phương.

Kết luận buổi giao ban, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao sự phối hợp của các Bộ, các địa phương trong công tác triển khai Chiến dịch. Kết quả tiêm từ khi khởi động đến nay rất tốt, đặc biệt TP Hồ Chí Minh trong hai tuần trở lại đây như vừa chống dịch, vừa tổ chức tiêm chủng với số lượng người tham gia tiêm chủng rất cao.

Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, đến cuối năm 2021, số lượng vắc-xin sẽ về nhiều và dồn dập, do vậy công tác chuẩn bị luôn sẵn sàng, đặc biệt mùa Đông ở miền Bắc. Để việc vận chuyển, bảo quản (nhanh nhất, an toàn, bảo đảm tuyệt đối an toàn) đến các địa phương kịp thời, kho bảo quản tại các Quân khu trong tuần này phải xong, phải được cấp phép, thực hiện cơ chế điều hành Quân khu ngay từ lô vắc xin sau; nơi nào khó khăn thì quân đội sẽ huy động phương tiện của quân đội thực hiện. Công tác triển khai phải tổ chức bài bản, công khai tiến độ phân bổ và việc thực hiện tiêm chủng lên cổng thông tin tiêm chủng quốc gia. Đặc biệt cần huy động các lực lượng để tổ chức nhiều điểm tiêm, huy động các lực lượng khác thực hiện các thủ tục hành chính, lực lượng y tế chỉ tập trung chuyên môn cho tiêm chủng.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm khởi động chiến dịch truyền thông kêu gọi người dân tải app, khai báo đầy đủ, đăng ký tiêm và triển khai cấp giấy chứng nhận tiêm chủng qua phần mềm; quét QR code, nhất là các địa điểm công cộng, trong đó có các điểm tiêm chủng. Kết quả xét nghiệm cũng được liên thông và trả qua phần mềm. Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, trong đó chú trọng đến cách làm hay, làm tốt. Trong công tác tiêm chủng cần rà lại các quy trình, thống nhất để giảm áp lực hành chính, nhưng bảo đảm an toàn là trên hết.

Lượng vắc-xin phòng Covid-19 sẽ về nhiều, dồn dập vào cuối năm 2021
Đến nay Việt Nam đã nhận tổng số hơn 9 triệu liều vắc-xin Covid-19 qua cơ chế COVAX (ảnh WHO)

Thêm gần 500 nghìn liều vắc-xin Covid-19 về Việt Nam qua cơ chế COVAX

Ngày 10-8, Việt Nam đã nhận thêm 494.400 liều vắc-xin Covid-19 thông qua Cơ chế COVAX, nâng tổng số vắc-xin được nhận lên 9.175.700 liều.

Cơ chế COVAX được đồng sáng lập bởi Tổ chức Y tế Thế giới World Health Organization (WHO), Coalition for Epidemic Preparedness and Innovations (CEPI), Gavi, the Vaccine Alliance và UNICEF với tư cách là đối tác phân phối.

“Trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng với gần 10 triệu liều đã được tiêm, WHO đánh giá cao từng nhân viên, cán bộ đã làm việc hết mình cho chiến dịch tiêm chủng chưa từng có này. WHO khuyến cáo ưu tiên tiêm chủng cho nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu chống dịch và những người có nguy cơ cao hơn mắc bệnh nặng và tử vong – ví dụ như người cao tuổi và những người có bệnh nền”-Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu.

T. An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động