Từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong xã hội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTiết mục văn nghệ đặc sắc chào mừng Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật của UBND quận Hoàn Kiếm. |
Chung tay góp phần đưa Hiến pháp, pháp luật đi vào cuộc sống
Cách đây 77 năm - ngày 9/11/1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta - Hiến pháp năm 1946. Đây là một sự kiện chính trị - pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng mở đầu con đường phát triển mới của lịch sử lập hiến của đất nước.
Sau Hiến pháp năm 1946, Việt Nam đã có thêm 4 Hiến pháp (1959, 1980, 1992, 2013), những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Tháng 6/2012, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2013. Theo Điều 8 của Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.
Ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch UBND quận phát biểu tại buổi lễ. |
Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn; đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân nói chung và cán bộ, công chức, viên chức nói riêng trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật; qua đó góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong xã hội.
Đồng thời, đây còn là dịp để vận động, khuyến khích, kêu gọi Nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm chia sẻ, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11, mỗi người dân quận Hoàn Kiếm bằng những hành động cụ thể, thiết thực, chung tay góp phần đưa Hiến pháp, pháp luật đi vào cuộc sống. Một quốc gia phát triển bền vững cần được xây dựng trên nền tảng pháp lý vững chắc, trong đó tinh thần thượng tôn pháp luật phải được đặt lên hàng đầu. Tinh thần đó không chỉ được tôn vinh trong Ngày Pháp luật Việt Nam, mà phải trở thành nền tảng trong hoạt động của hệ thống chính trị quận, phải trở thành nếp sống văn hóa thường xuyên của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân quận, để mỗi ngày trong năm đều là ngày pháp luật, để thực sự “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Bà Ngô Hồng Thủy, Trưởng phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm: "Từ khi Luật Hòa giải cơ sở có hiệu lực thi hành, công tác hòa giải cơ sở đã đi vào nền nếp, bài bản...". |
Công tác hòa giải ở cơ sở phát huy hiệu quả
Theo bà Ngô Hồng Thủy - Trưởng phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm, công tác hòa giải cơ sở đã được UBND quận thường xuyên quan tâm, ban hành các văn bản triển khai thực hiện và sự tích cực tham gia của hệ thống chính trị quận và phường. Công tác hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân được các tổ hòa giải duy trì thường xuyên góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm, tranh chấp tại cộng đồng dân cư, hạn chế đơn thư gửi UBND phường và các cơ quan chức năng. Công tác hòa giải đã phát huy hiệu quả cao, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn quận.
Đội ngũ hòa giải viên của quận đều là những người có tâm huyết, nhiệt tình tham gia và thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải nên các vụ việc hòa giải ở cơ sở ngày càng nâng cao chất lượng, tỷ lệ vụ hòa giải thành cao. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được duy trì thường xuyên, hiệu quả nên ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân được nâng cao do vậy các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân giảm.
Từ khi Luật Hòa giải cơ sở có hiệu lực thi hành, công tác hòa giải cơ sở đã đi vào nền nếp, bài bản. Hòa giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả mà còn là một phương thức phổ biến giáo dục pháp luật thiết thực, nhằm giữ gìn, duy trì đoàn kết trong nội bộ Nhân dân; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư; hướng tới xây dựng một xã hội đồng thuận, đoàn kết, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đại biểu xem phóng sự tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải cơ sở trên địa bàn quận. |
Thông qua hoạt động hòa giải, nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh tại địa bàn dân cư đã giải quyết được gốc rễ, qua đó góp phần giải quyết những tranh chấp nhỏ trong Nhân dân, giảm các tính chất lớn phải di chuyển đến tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền cao hơn để giải quyết, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, góp phần xây dựng và phát huy tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Cũng thông qua các hoạt động hòa giải các quy định của pháp luật đã được chuyển tải trực tiếp đến người dân góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân và phát huy hiệu quả công tác truyền tuyên truyền pháp luật.
Trong 10 năm qua từ 2013 đến tháng 6/2023, các tổ hòa giải trên địa bàn quận đã tiếp nhận 1.082 vụ việc, tổ chức hòa giải thành 964/1.082 vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành đạt 90,15%, kết quả hòa giải đã cho thấy công tác hòa giải ở cơ sở được thực hiện tốt, phát huy hiệu quả trong việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ Nhân dân góp phần ổn định trật tự xã hội, làm giảm các vụ việc khiếu kiện trên địa bàn quận.
Lan tỏa pháp luật từ những cuộc thi
Bà Trần Minh Hồng - Phó Trưởng phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND quận và hướng dẫn của Ban Tổ chức cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” năm 2023 trên địa bàn quận, cuộc thi đã được triển khai từ các tổ hòa giải, các hòa giải viên tích cực, nhiệt tình tham gia cuộc thi. Nhiều đơn vị tích cực hưởng ứng cuộc thi và có nhiều hình thức triển khai cuộc thi, huy động được sự tham gia của đông đảo cán bộ, công chức, hòa giải viên cơ sở tham gia cuộc thi như: phường Hàng Bồ, phường Phan Chu Trinh, phường Trần Hưng Đạo.
Thông qua cuộc thi đã góp phần làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về ý nghĩa, vai trò của công tác hòa giải trong đời sống, trong việc giữ gìn tình đoàn kết nội bộ Nhân dân, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; Nâng cao ý thức, nhận thức pháp luật, trang bị kiến thức pháp luật của cán bộ, công chức, hòa giải viên cơ sở và nhân dân trên địa bàn quận về công tác hòa giải với các lĩnh vực pháp luật thường áp dụng trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư như: hôn nhân gia đình đất đai, xử lý vi phạm trật tự xây dựng,trật tự đô thị, vệ sinh môi trường…
Bà Trần Minh Hồng, Phó Trưởng phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm: "Các cuộc thi được các tầng lớp Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, góp phần làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật..." |
Qua 17 video của UBND các phường gửi về, Ban Giám khảo cuộc thi cấp quận đã lựa chọn 1 video có nội dung và hình thức, cách thức thể hiện, truyền tải thông điệp, kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải tốt nhất là bài dự thi của UBND phường Hàng Bồ với phóng sự “Hòa giải viên - giữ gìn sự bình yên trong từng ngõ phố” để gửi về Ban Tổ chức cuộc thi Thành phố tham dự vòng chung khảo cấp thành phố. Kết quả video dự thi của UBND quận đã đạt giải Ba và giải phụ Sáng tạo cấp thành phố.
Căn cứ kết quả chấm điểm, Ban Giám khảo cuộc thi cấp quận đã xếp loại và đề xuất UBND quận trao giải cho 13 đơn vị tham dự cuộc thi cấp quận với cơ cấu giải: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 7 giải khuyến khích.
Cùng với cuộc thi “Hòa giải viên giỏi”, cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn quận cũng thu hút đông đảo người dân tham gia. Những đơn vị tham gia tích cực, có số người dự thi nhiều như: phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học trên địa bàn quận, các phường: Phan Chu Trinh, Cửa Nam, Trần Hưng Đạo, Hàng Gai, Hàng Mã, Hàng Bạc…
Theo danh sach số lượng bài dự thi Sở Tư pháp Hà Nội cung cấp, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có tổng số người tham gia dự thi là 59.651 người, xếp thứ 7/30 quận, huyện của thành phố, chiếm tỷ lệ 83,5% tổng dân số từ đủ 14 tuổi trở lên theo số liệu do Công an quận cung cấp tính đến tháng 5/2023.
Cuộc thi đã thu hút sự tham gia đông đảo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn quận. Thông qua cuộc thi đã góp phần làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức, nhận thức pháp luật, trang bị kiến thức pháp luật của cán bộ, công chức, các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn quận về định danh điện tử, xác thực điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong thực hiện, giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Thực hiện Quyết định số 01/QĐ-BTC ngày 6/6/2023 của Ban Tổ chức cuộc thi TP về việc ban hành Thể lệ cuộc thi trên địa bàn thành phố Hà Nội, Ban Tổ chức, Ban Giám khảo cuộc thi cấp quận đã tổ chức họp, phân công thành viên Ban Giám khảo và 3 cán bộ Tổ Thư ký giúp việc Ban Giám khảo chấm 1000 bài dự thi (tự luận) có điểm trắc nghiệm cao nhất và thời gian làm bài trắc nghiệm nhanh nhất; thực hiện chấm bài thi nghiêm túc, tỉ mỉ, thực hiện chấm 2 vòng, chấm chéo để tạo sự công bằng, khách quan và lựa chọn ra 30 bài dự thi có điểm số cao nhất gửi về Ban Tổ chức cuộc thi Thành phố trong bao gồm 20 bài dự thi của thí sinh trên 18 tuổi và 10 bài dự thi của thí sinh từ 14 đến 18 tuổi.
Tại buổi Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật, UBND quận Hoàn Kiếm đã trao bằng khen, giấy khen cho các tập thể, cá nhan trong 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn quận và cuộc thi "Hòa giải viên giỏi" năm 2023 trên địa bàn quận:
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại