Tuân thủ các quy định của pháp luật về bán hàng rong
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBuôn bán hàng rong không chỉ là phương thức kinh doanh mà còn ẩn chứa nhiều giá trị tinh thần cho người dân đô thị. Ảnh: Khánh Huy |
Dù đã đi qua hơn nửa mùa nhưng thu Hà Nội đã kịp mang đến và để lại những khoảng khắc xao động lòng người với thoang thoảng hương hoa sữa hay những chiếc xe đạp như chở cả sắc thu của đất trời hòa vào vẻ hiện đại của Thủ đô.
Bên cạnh sự chuyển mình và phát triển mạnh mẽ của đô thị thì trong ký ức của người Hà Nội, những gánh hàng rong hay những chiếc xe đạp len lỏi khắp phố phường luôn thân thuộc, bình dị, khiến tâm trạng thấy nhẹ nhàng. Những gánh hàng rong ấy không chỉ chở bốn mùa mà còn chất chứa những mưu sinh, những câu chuyện của bao phận người.
Tuy nhiên với sự phát triển của xã hội thì ngày nay còn xuất hiện thêm nhiều các loại xe bán tải nhỏ buôn bán thêm nhiều mặt hàng tại các trục đường, hoặc các khu trung tâm. Chính các hình thức bán hàng rong kiểu này đã tạo ra nhiều bất cập, ảnh hưởng đến môi trường cũng như mỹ quan đô thị, tạo ra những hệ lụy buồn khi: Không chỉ gây cản trở giao thông, lòng đường bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, mà cả trong công tác quản lý đô thị, đặc biệt là đảm bảo vệ sinh môi trường, mất mỹ quan đô thị…
Pháp luật đã có những quy định về việc buôn bán hàng rong như, căn cứ Điều 6: Phạm vi về địa điểm kinh doanh của cá nhân hoạt động thương mại, Nghị định 39/2007/NĐ-CP quy định như sau:
Nghiêm cấm cá nhân hoạt động thương mại chiếm dụng trái phép, tự ý xây dựng, lắp đặt cơ sở, thiết bị, dụng cụ thực hiện các hoạt động thương mại và trưng bày hàng hóa ở bất kỳ địa điểm nào trên đường giao thông và nơi công cộng; lối ra vào, lối thoát hiểm hoặc bất kỳ khu vực nào làm cản trở giao thông, gây bất tiện cho cộng đồng và làm mất mỹ quan chung.
Trường hợp tiến hành hoạt động thương mại ở các khu vực, tuyến đường hoặc phần vỉa hè đường bộ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy hoạch hoặc cho phép sử dụng tạm thời thì ngoài việc tuân thủ quy định của Nghị định này, cá nhân hoạt động thương mại phải bảo đảm thực hiện theo đúng quy hoạch và sự cho phép đó.
Cá nhân hoạt động thương mại phải tuân thủ mệnh lệnh hợp pháp của người thi hành công vụ trong trường hợp được yêu cầu di chuyển hàng hóa; phương tiện, thiết bị, dụng cụ thực hiện các hoạt động thương mại để tránh làm cản trở hoặc tắc nghẽn giao thông trong trường hợp khẩn cấp hoặc vì lý do an ninh và các hoạt động xã hội khác theo quy định của pháp luật.
Gánh hàng hoa, những mảng màu xinh xinh luôn tô điểm cho Thủ đô hiện đại nhưng vẫn luôn thơ mộng, bình dị. Ảnh: Khánh Huy |
Căn cứ Điều 7: Bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh, an toàn trong hoạt động của cá nhân hoạt động thương mại, Nghị định 39/2007/NĐ-CP quy định như sau:
Trong hoạt động thương mại, cá nhân hoạt động thương mại phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội (bao gồm cả các quy định về thực hiện nếp sống văn minh), vệ sinh phòng bệnh, môi trường, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống thiên tai và giao thông vận tải.
Khi kinh doanh lưu động, cá nhân hoạt động thương mại phải đặt, để các phương tiện di chuyển, thiết bị, dụng cụ bán hàng và hàng hóa ngăn nắp, trật tự; phải có dụng cụ đựng rác và chất thải phù hợp.
Nghiêm cấm cá nhân hoạt động thương mại thực hiện các hành vi: Đeo bám, nài ép, chèo kéo, tranh giành, gây phiền hà cho khách và có lời nói hoặc cử chỉ thô tục, bất lịch sự với khách; tụ tập đông người hoặc dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn và các phương tiện tăng âm khác cổ động, quảng cáo cho hoạt động kinh doanh lưu động mà chưa cam kết với chính quyền địa phương nơi tiến hành các hoạt động này về việc sử dụng đúng mục đích và bảo đảm trật tự và an toàn xã hội; Rao bán rong, rao làm dịch vụ lưu động gây ồn tại nơi công cộng và ảnh hưởng đến sự yên tĩnh chung trong khoảng thời gian từ 22h đến 5h sáng hôm sau; Đổ chất thải, phóng uế bừa bãi; vứt hoặc để các phương tiện di chuyển, thiết bị, dụng cụ thực hiện các hoạt động thương mại, bao bì và dụng cụ gói, đựng hàng khác, giấy, rác, hàng hóa, chất béo, mỡ động vật và các đồ vật khác ra đường giao thông, xuống sông, cống rãnh hoặc bất kỳ khu vực nào gây ô nhiễm môi trường, làm cản trở lưu thông, gây bất tiện cho cộng đồng; Nấu ăn, ngủ, nghỉ ở phần đường bộ dành cho người và phương tiện tham gia giao thông; lối đi, chiếu nghỉ cầu thang nhà chung cư; nhà chờ xe buýt; nơi hoạt động văn hóa, giải trí, vui chơi công cộng làm ảnh hưởng xấu đến mỹ quan chung và trật tự, an toàn xã hội.
Đặc biệt, Điều 12, Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ, Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định như sau:
Phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện: Họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày, bán hàng hóa, sửa chữa xe, rửa xe, đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo, làm mái che trên lòng đường đô thị, hè phố hoặc thực hiện các hoạt động, dịch vụ khác trái phép trên lòng đường đô thị, hè phố gây cản trở giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại: Điểm d, Điểm đ, Điểm e, Điểm g Khoản 4; Điểm b Khoản 5; Điểm a Khoản 6 Điều này.
Vì vậy, để tránh việc bị phê phán hay lên án về các sai phạm trong việc buôn bán, thì mỗi cá nhân khi tham gia các hoạt động buôn bán hàng rong cần tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Điều đó không chỉ giúp lưu giữ phương thức kinh doanh đặc trưng, đảm bảo mưu sinh cho người dân tứ xứ về buôn bán, mà còn khiến hàng rong luôn là một phần ký ức, văn hóa của Thủ đô.
Bám sát các sự kiện chính trị, pháp lý của Thủ đô | |
Lan tỏa sâu rộng tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật | |
Chưa tuân thủ các quy định của pháp luật |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại