Thứ ba 30/04/2024 14:45

Tự ý sử dụng thuốc điều trị Covid-19: Lợi bất cập hại

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mặc dù đã có nhiều cảnh báo, tuy nhiên việc cho bệnh nhân F0 uống các thuốc điều trị Covid-19 đang rao bán trên mạng xã hội vẫn được người nhà bệnh nhân sử dụng. Cũng đã có những bệnh nhân gặp những biểu hiện nghiêm trọng...
Tự ý sử dụng thuốc điều trị Covid-19: Lợi bất cập hại
Tự ý sử dụng thuốc điều trị Covid-19: Lợi bất cập hại

Mới đây, Tiến sỹ, bác sỹ Tạ Quang Thành cho biết, trong nhóm Thầy thuốc đồng hành của anh nhận được lời cầu cứu của bố mẹ của một bệnh nhân mới 10 tuổi. Vốn quá lo lắng và sốt ruột về việc cháu bé 10 tuổi mắc Covid-19 nên thay bằng nghe theo tư vấn và các hướng dẫn của Bộ Y tế, gia đình đã lên mạng mua thuốc điều trị Covid-19 được giới thiệu là của Nga để cho con uống. Sau khi uống 3 ngày bệnh nhân có hiện tượng đi tiểu ra máu.

“Cũng chưa thể kết luận là do thuốc điều trị Covid-19, bởi để có kết quả chính xác cháu bé cần được khám lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm để tìm nguyên nhân. Tuy nhiên cũng không loại trừ do thuốc điều trị bố mẹ cháu cho uống.” – bác sỹ Thành cho biết. Đã từng hỗ trợ điều trị bệnh nhân từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và hiện tại là Hà Nội, anh cho biết, với bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng thì không uống thuốc là cách điều trị tốt nhất. Với các bệnh nhân có triệu chứng thì tùy thuộc vào triệu chứng để uống thuốc cho phù hợp. “Với trẻ em, người đã tiêm vắc xin không nhất thiết phải dùng các nhóm thuốc Monupiravir, Remdesivir, Favipiravir…”

Vốn vừa được chữa khỏi bệnh Covid-19, anh L.X.H (Kim Mã, quận Ba Đình) cho biết, trong quá trình điều trị cho anh, các bác sỹ cũng không hề cho anh sử dụng các nhóm thuốc đặc trị điều trị Covid-19.

Anh kể lại, trong chuyến du xuân đầu năm với cơ quan, vô tình có một đồng nghiệp cùng xe của anh dương tính với Covid-19. Tuân thủ việc cách ly tại nhà, tuy nhiên đến sáng 11 – 2 anh phát sốt. “Đang ngủ bỗng thấy rét run cầm cập, khi kiểm tra thì nhiệt độ cơ thể tôi đã lên đến 39,5. Vội uống thuốc hạ sốt và test nhanh Covid-19 thì que báo lên hai vạch. Vậy là trở thành bệnh nhân Covid-19.” – anh H. nói.

Thời gian sau đó, dù đã uống thuốc hạ sốt nhưng nhiệt độ cơ thể của anh H. không có dấu hiệu hạ, thậm chí còn tăng lên đến mức 41,8 độ. “Gọi điện cho một bác sỹ quen, bác sỹ ngay lập tức cho tôi nhập viện, nằm phòng cách ly để can thiệp hạ sốt. Khi ổn sẽ quay về điều trị tại nhà hoặc liên hệ với y tế phường để được bố trí.” – anh H. cho biết. Anh cũng nói, thời điểm đồng thời truyền nước để hạ sốt, anh cũng đã được test PCR và kết quả khẳng định dương tính. Tuy nhiên lượng virus rất thấp, cơn sốt cũng ngắt trong ngày hôm sau.

Và khi về nhà, tiếp theo anh H. cũng chỉ tuân thủ đúng những gì các bác sỹ dặn dò và uống thuốc kèm theo khi ra viện. “Trong đơn không hề có viên thuốc hoặc liệu trình đặc trị nào của thuốc Covid-19 mà chỉ toàn những thuốc thông thường. Và sau ít ngày tuân thủ các hướng dẫn và điều trị tại nhà, qua test nhanh tôi đã âm tính. Tuy nhiên để chắc chắn hơn, tôi sẽ tiếp tục cách ly vài ba ngày nữa rồi test PCR để khẳng định kết quả.” - anh H. nói.

Như vậy, theo anh H., việc điều trị Covid-19 không thực sự cần quá phụ thuộc hay trông mong vào các thuốc đặc trị như Monupiravir, Remdesivir, Favipiravir… “Qua lần này tôi thấy việc điều trị Covid-19 tốt nhất là tin tưởng, tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế. Bổ sung vitamin, chỉ xông khi hết sốt và uống oserol bù nước cùng các kháng sinh được chỉ định, nếu có.” – anh H. truyền kinh nghiệm.

Quay lại câu chuyện của Tiến sỹ, bác sỹ Thành, anh cho biết, thực tế đã rất nhiều lần trong các cuộc gọi tư vấn, các anh luôn cảnh báo không nên quá lạm dụng thuốc trong việc điều trị F0. Thuốc, phải uống đúng thời điểm và đúng chỉ định. “Lạm dụng thuốc đặc trị Covid-19 hoàn toàn không phải là lựa chọn đúng đắn. Bởi nhiều nghiên cứu cho thấy, thuốc có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn khớp, do đó khuyến cáo không được sử dụng trên trẻ em dưới 18 tuổi. Các tác dụng phụ thường gặp của molnupiravir là tiêu chảy, buồn nôn, chóng mặt… Tại Việt Nam, molnupiravir được sử dụng trong khuôn khổ chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát chặt chẽ, không được tự ý sử dụng.” – bác sĩ Thành nói.

Cũng theo anh, người dân tuyệt đối không tự ý tìm mua và dùng thuốc trị Covid-19 theo mách bảo. Điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng, không mang lại lợi ích gì hơn so với không dùng thuốc, mà lại tiềm tàng nhiều nguy cơ tác dụng bất lợi với sức khỏe người dùng, thậm chí có thể làm trầm trọng tình trạng Covid-19 ở người bệnh.

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động