Tự sự của người đàn ông đi tù vì “Lừa đảo”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTiết mục văn nghệ do các phạm nhân thể hiện trong cuộc thi văn hoá ứng xử tại trại giam Vĩnh Quang. |
Tội chồng tội
Theo tài liệu điều tra, mặc dù không có việc làm nhưng để có tiền ăn tiêu, Phương nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn hứa hẹn xin đi học, xin việc làm. Để làm được điều này mà không bị nghi ngờ, Phương đặt người làm cho mình 5 thẻ có in hình quốc huy và chữ Bộ Công Thương; thẻ công chức; thẻ thanh tra có dán ảnh Phương rồi đi đâu cũng tự nhận mình là cán bộ Thanh tra Cục địa phương của Bộ Công Thương hoặc Phó Chánh thanh tra của Bộ Công Thương. Ngoài thẻ công chức, biển đeo ngực giả danh, Phương còn thuê in hàng trăm phong bì có hàng chữ Bộ Công Thương để thể hiện khiến nhiều người lầm tưởng.
Theo điều tra, từ tháng 3/2013 đến tháng 2/2014, Phương đã lừa được 18 người với tổng số tiền nhận của họ là hơn 2,1 tỷ đồng. Khi những người này chờ mãi không xin được việc như lời đã hứa hẹn liền tìm gặp Phương đòi tiền thì anh ta trốn tránh hoặc tìm nhiều lý do để thoái thác nhằm khất nợ, không được thì trả nhỏ giọt. Đến khi tố cáo với CQCA, Phương bị bắt, các nạn nhân mới té ngửa gặp phải kẻ lừa đảo vì Phương thực chất chỉ là kẻ thất nghiệp chứ không phải cán bộ thanh tra gì cả.
Trước đó, vào năm 2004, cũng với thủ đoạn kể trên, Phương còn lừa tiền của một số người quen, bị TAND TP HCM tuyên phạt 2 năm 3 tháng tù về tội “Lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, anh ta chưa thi hành bản án này.
Với 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, Phương bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 16 năm tù giam. Số tiền anh ta khắc phục cho các nạn nhân là gần 600 triệu đồng. Tính ra Phương còn nợ họ hơn 1,5 tỷ đồng.
Và những lời tự sự
Về trại giam Vĩnh Quang thi hành bản án từ năm 2014, Phương luôn chăm chỉ lao động và chấp hành tốt nội quy. Anh ta bảo đây là cơ hội sửa chữa lỗi lầm, hoàn thiện bản thân nên sẽ cố gắng. Trong cuộc thi viết về văn hoá giao tiếp - ứng xử trong phạm nhân, bài tự luận của Phương có đoạn: “Trong trải nghiệm cuộc sống ai cũng từng mắc phải những sai lầm dù lớn, dù nhỏ. “Nhân vô thập toàn” khi mà dòng chảy cuộc sống lại không hề bằng phẳng và mãi thuận theo lẽ tự nhiên, cũng bởi “sông có khúc, người có lúc”.
Và tôi không phải là ngoại lệ. Sai lầm của bản thân tôi đã phải trả giá trước pháp luật bằng 16 năm tù. Xa gia đình thân yêu, ở nơi ấy vẫn dành cho tôi sự quan tâm, tin tưởng và kỳ vọng. Rời xa xã hội mà ở đó mọi người vẫn đang sống và làm việc với những ước mơ, hoài bão và sự thành công của riêng mình. Câu hỏi đặt ra cho tôi rằng: “đã khi nào tôi phải sống trong sự hối tiếc về điều gì đó chưa?”. Tôi sẽ thành thật trả lời là: “có”.
Điều tôi cảm thấy day dứt và hối tiếc nhất là đánh mất mình. Tôi đã đánh mất niềm tin vào bản thân và còn đánh mất thêm rất nhiều thứ quý giá khác kéo theo là những hệ lụy cho gia đình thân yêu của tôi. Khi tôi phải sống và tồn tại trong môi trường đặc tù, lấy lao động cải tạo làm thước đo nhân cách, cũng từ trong môi trường giáo dục, cải tạo phạm nhân, tôi học cách chấp nhận để thích nghi, học cách vượt qua khó khăn thử thách, học cách giao tiếp ứng xử và học được những bài học quý giá từ trong môi trường này mà trước đây tôi chưa từng được biết tới.
Trong khó khăn thử thách cuộc đời đã dành cho tôi những cơ hội vươn lên và trưởng thành hơn, sống có ý nghĩa hơn. Mỗi phạm nhân chúng tôi luôn nuôi dưỡng lòng quyết tâm, ý chí kiên định, tư tưởng vững vàng, thái độ tích cực, văn hóa ứng xử văn minh và từng bước hoàn thiện bản thân. Sở cầu những tốt đẹp hướng tới ánh sáng của tự do một cách sớm nhất.
Phạm nhân chúng tôi mỗi người có một hành cảnh vì một lý do nông nổi nhất thời, tức giận, ham muốn hay vì lợi danh,… mà phạm tội. Cho dù là động cơ phạm tội có khác nhau nhưng từ sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người đều có những lúc day dứt, trăn trở và mong muốn sớm hoàn lương dù chỉ thoảng qua hay còn động trong suy nghĩ. Đó chính là sự trỗi dậy của nhận thức về lòng hướng thiện.
Bản thân tôi cho rằng chúng tôi không phải là người xấu mà là chưa tốt, chưa hoàn thiện về nhân cách và cùng nhau suy ngẫm để tâm tư mình luôn nghĩ đến sự tích cực, ứng xử có văn hoá mà tự hoàn thiện bản thân mình. Bên cạnh chúng tôi còn có sự giúp sức, bao dung của Nhà nước mà trực tiếp là sự giáo dục, cảm hoá của Ban Giám thị và Hội đồng cán bộ trại giam và cả những người thân, gia đình, bạn bè và xã hội.
Qua các chương trình học tập, lao động cải tạo và học nghề sẽ hướng phạm nhân chúng tôi vào sự chín chắn trong nhận thức, có ý thức đúng đắn để từng bước thực hiện nỗi niềm trăn trở của mình, lấy 6 tiêu chí xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù làm thước đo trong lao động cải tạo và thực hiện tốt 10 điều về nếp sống văn hóa,…Tôi nghĩ rằng đó là cơ hội để rèn luyện bản thân và cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi phạm nhân cần phải tuân theo để duy trì lối sống nề nếp của những người đang chấp hành án phạt tù trong môi trường giáo dục, cảm hoá phạm nhân.
Thông qua bài tự luận này, tôi muốn chia sẻ những cơ hội và trải nghiệm của bản thân tôi. Có những tình huống, câu chuyện tưởng chừng như đơn giản, song lại mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc đã giúp tôi nhận thức nghiêm túc về việc giao tiếp ứng xử có văn hoá, có trách nhiệm truyền tải và lan toả yêu thương bằng những cử chỉ, hành động thiết thực tới tập thể phạm nhân, để ìung nhau đánh thức “chân - thiện - mỹ” trong mỗi con người chúng ta, giúp phạm nhân chúng tôi có niềm tin, khát vọng hướng tới tương lai, quay về nẻo thiện”.
Nam phạm nhân quyết theo nghề bấm huyệt để chuộc lại lỗi lầm | |
Bước ngoặt cuộc đời của một giáo viên võ thuật | |
Nhói lòng lời tâm sự của một người cha có con mang trọng tội |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại