Chủ nhật 28/04/2024 07:54

Bước ngoặt cuộc đời của một giáo viên võ thuật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tốt nghiệp ĐH thể dục thể thao, Trần Quang Hưng, SN 1979, ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, trở về quê hương làm thầy giáo dạy võ thuật với ý định phụng dưỡng mẹ già. Hưng không ngờ chỉ vì mâu thuẫn rất nhỏ trong tiệc ăn hỏi bên nhà cha nuôi đã chấm dứt sự nghiệp làm thầy, khiến cuộc đời anh ta rẽ sang một hướng khác.
các phạm nhân điểm danh sau giờ đi lao động về
Các phạm nhân điểm danh sau giờ đi lao động về.

Chén rượu định mệnh

“Nhà tôi chỉ có một mẹ một con, thương tôi mồ côi cha từ nhỏ nên bác An có nhận tôi làm con nuôi vì thế nên tôi mới xuất hiện trong đám ăn hỏi của con gái bác ấy. Tôi không thể ngờ rằng chỉ vì một mâu thuẫn rất nhỏ trong bữa tiệc mà tôi phải trả cái giá quá đắt”, Hưng cúi đầu thổ lộ, nét mặt buồn bã.

Theo hồ sơ vụ án, trưa ngày 24/3/2007, ông Nguyễn Tất An, trú tại thôn Tân Lã, xã Tân Hồng có mời Hưng và Tống Trường Lộc, SN 1975, đến ăn mừng cho đám hỏi của con gái.

Là chỗ anh em quen biết nên trong bữa ăn, Hưng có cầm chén rượu sang mâm của Lộc để mời rượu. Cho rằng mình là đàn anh nên Lộc yêu cầu Hưng phải uống rượu với Lộc trước sau đó mới đến mọi người cùng mâm. Hưng chấp thuận nhưng sau khi uống xong với Lộc, Hưng rót rượu định mời tất cả những người trong mâm thì Lộc không cho. Ép Hưng phải uống với mình đủ 3 chén song Hưng chỉ uống thêm một chén nữa rồi từ chối.

Cho rằng Hưng khiếm nhã với mình, Lộc tát vào mặt Hưng mấy cái khiến Hưng bị bất ngờ chỉ kịp kêu lên: “Sao anh lại tát em?”. Lộc trả lời: “Tao thích tát mày đấy” rồi lại dùng tay tát tiếp vào mặt Hưng.

Hai bên xảy ra giằng co nhưng được mọi người can ngăn. Hưng vào nhà ông An nằm ngủ đến khoảng 16h cùng ngày thì về nhà kể lại cho mẹ nghe việc lúc trưa bị đánh. Đến khoảng 18h30, Hưng nói với mẹ: “Con sang nhà anh Lộc hỏi xem thế nào mà lúc trưa anh tát con”. Sợ xảy ra chuyện không hay nên mẹ Hưng can ngăn nhưng khi thấy con trai giải thích rằng bây giờ không hỏi cho ra nhẽ, để đến lúc gặp trong đám cưới nhỡ xảy ra va chạm thì không hay cho nhà bác An. Nghe con trai nói có lý, mẹ Hưng bèn cùng con đi sang nhà Lộc.

Cho rằng Hưng vào nhà mình “quậy” nên Lộc lớn tiếng thách thức dẫn tới xảy ra xô xát giữa hai thanh niên. Mẹ Hưng xông vào can ngăn song cũng không được. Trong lúc mất bình tĩnh vì bị hiểu nhầm và xúc phạm, Hưng đã lấy con dao gấp đa năng hay mang trong người thường để cắt móng tay cho học viên khi kiểm tra, xông đến chỗ bố của Lộc đang đứng gần đó rồi xuống tay với người đàn ông này. Mặc dù được mọi người nhanh chóng đưa đi cấp cứu nhưng người đàn ông xấu số này đã không qua khỏi.

Với hành vi trên, Hưng bị TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên phạt án tù chung thân về tội “Giết người”. Năm 2008, Hưng về trại giam Vĩnh Quang (Bộ Công an) thi hành bản án.

Trăn trở ngày về

“Tôi được xuống án có thời hạn từ năm 2019, từ đó đến nay đã 3 lần được xét giảm án với các mức từ 9 tháng đến 15 tháng. Con đường trở về đã dần hiện ra nhưng càng gần tới ngày trở về tôi lại càng trăn trở vì không biết sau bao năm sống cách biệt với cuộc sống đời thường, tôi sẽ làm gì để tồn tại”, Hưng bộc bạch.

Từ mức án chung thân xuống án có thời hạn là cả một chặng đường phấn đấu không ngừng nghỉ. Với Hưng, trong khoảng thời gian 12 năm phấn đấu ấy, đã có nhiều biến cố xảy ra khiến anh ta tưởng không vượt qua được, nhưng rồi sự động viên, khích lệ của cán bộ và những suy nghĩ về trách nhiệm của mình với mẹ già và con gái nhỏ đã giúp Hưng vươn lên.

“Lúc mới vào trại, nghĩ đến mức án không hẹn ngày về trong khi ở bên ngoài tôi còn mẹ già, vợ trẻ con thơ, tâm tư tôi lúc nào cũng nặng trĩu”, Hưng kể.

Được cán bộ quản giáo động viên, phân tích Hưng không chỉ hiểu ra lỗi lầm của mình mà còn xác định được trách nhiệm của bản thân với hiện tại cuộc sống. Vậy là thay vì ủ rũ trong buồn chán và thất vọng, Hưng cố gắng hoàn thành thật tốt công việc được giao, tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ của trại giam để hàng tháng có cơ hội gọi điện thoại về nhà thăm gia đình.

“Cuộc đời này tôi mắc nợ với ba người phụ nữ mà tôi hết mực yêu thương đó là mẹ già, vợ và con gái”, Hưng kể, đôi mắt ngấn lệ khi nhắc đến mẹ.

Mẹ Hưng, người đàn bà lam lũ, tần tảo sớm sống cảnh goá bụa nhưng đã quyết ở vậy nuôi con khôn lớn, trưởng thành. Khi Hưng tốt nghiệp ĐH, trở thành giáo viên dạy võ thuật rồi lập gia đình, mẹ Hưng đã hạnh phúc biết bao nhiêu. Nhưng niềm vui mừng ấy sớm đã trở thành những tiếng khóc thầm trong đêm khi Hưng bị bắt còn con dâu đi tìm hạnh phúc mới. Hưng bảo khi vợ lên thăm đưa lá đơn ly hôn, Hưng đau cho mình thì ít mà chỉ lo mẹ già ở nhà không chống chọi nổi.

“Chỉ trong một lần mất bình tĩnh mà tôi gây nên họa lớn, đánh mất chính mình, đánh mất tương lai. Lẽ ra tôi phải là chỗ dựa cho vợ con nhưng tôi đã không làm được điều đó nên dù có buồn thì cũng phải vui vẻ để cho cô ấy ra đi tìm hạnh phúc mới. Tôi chỉ thấy hụt hẫng và lo sợ cho mẹ thôi”, phạm nhân Hưng chia sẻ.

Rất may là con gái Hưng là đứa trẻ hiểu chuyện nên thường xuyên tới thăm bà nội, ở chăm bà những lúc bà đau ốm. Hưng bảo con gái giờ đã là sinh viên ĐH, có thời gian rảnh rỗi lại về thăm bà và vào thăm bố khiến người cha tội lỗi càng có thêm động lực để cải tạo tốt.

“Ở trong này tôi lao động ở đội may túi nên chỉ mong sau này trở về được chính quyền và xã hội tạo điều kiện mở xưởng may tại nhà để hành nghề kiếm sống”, Hưng bộc bạch dự định của mình khi mãn hạn.

Ước mơ tìm được một việc làm có thu nhập chính đáng khi ra trại của Hưng cũng là tâm nguyện của rất nhiều phạm nhân khi trở về với cuộc sống đời thường. Để những người lầm lỗi này tái hoà nhập cộng đồng thành công, rất cần sự chung tay vào cuộc của chính quyền, đoàn thể và những người xung quanh.

Nam phạm nhân cởi bỏ được những khúc mắc
Gia đình là điểm tựa để người đàn ông từng phạm trọng tội làm lại lại cuộc đời
Gia đình và hội họa là động lực để nam phạm nhân phấn đấu cải tạo
Nguyễn Vũ - Hà My
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động