Thứ bảy 20/04/2024 15:35

Nam phạm nhân quyết theo nghề bấm huyệt để chuộc lại lỗi lầm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Va chạm trong lần chạy tàu chở cát, Nguyễn Đức Ngọc, SN 1989, ở Bến Gót, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, lỡ tay đánh chết người, phải trả giá bằng bản án tù chung thân. Những ngày thi hành án cải tạo ở trại giam Vĩnh Quang (Bộ Công an), Ngọc mày mò đọc sách về cách chữa bệnh bằng bấm huyệt và xác định ra tù sẽ theo nghề này chữa bệnh cứu người, như một cách để chuộc lại lỗi lầm.
Ngọc được nhận xét là tiến bộ trong cải tạo lao động, đang trong thời gian thử thách chờ xét giảm.
Ngọc được nhận xét là tiến bộ trong cải tạo lao động, đang trong thời gian thử thách chờ xét giảm.

Giá đắt một lần va chạm

“Sà lan là tất cả vốn liếng, tài sản của cả gia đình em. Giữ được sà lan thì cả gia đình em mới tồn tại được nên lúc ấy, em chỉ có một suy nghĩ là làm sao giữ được tài sản của gia đình”, Ngọc kể.

Theo tài liệu điều tra, khoảng 19h ngày 7/4/2010, Nguyễn Xuân Tiến SN 1975, ở TP Việt Trì, Phú Thọ, điều khiển tàu thủy trọng tải 800 tấn chở cát từ Việt Trì về Hà Nội bán, cùng đi trên tàu có Nguyễn Trung Kiên, SN 1991, trú tại xã An Đạo, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, là em vợ Tiến.

Khi đến khúc mở cầu phao, thuộc lưu vực sông Hồng, địa phận xã Võng La, huyện Đông Anh, luồng lạch bị thu hẹp, do tàu nào cũng muốn qua nhanh nên tàu PT-0592 của Tiến va chạm với tàu chở cát BKS PT-0787, trọng tải 474 tấn do Trần Huy Quân, SN 1987, ở Phú Thọ, điều khiển. Trên tàu lúc này có Nguyễn Đức Ngọc, Bùi Văn Chiểu, SN 1987, trú tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ và Nguyễn Đức Ánh, SN 1993, trú tại phường Bến Gót, Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Sau cú va chạm, các đối tượng trên hai tàu chở cát đã nảy sinh mâu thuẫn, cãi chửi nhau rồi sau đó hai bên dùng than đá, bát đĩa, chai thủy tinh để “giao chiến.” Tàu của Tiến đã ép tàu của Quân mắc cạn và vượt lên đi trước. Đến cảng cát sỏi thuộc xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Tiến cho tàu vào bến. Tại đây, Tiến gặp Nguyễn Ngọc Tám (là cậu vợ của mình) cũng đang đi tàu thủy. Tiến kể cho Tám nghe chuyện mình vừa xảy ra xô xát với tàu của Quân và rủ Tám lên tàu của mình để tiếp tục xuôi về hạ lưu.

Khi đi qua ngã ba sông Hồng và sông Đuống (thuộc địa phận xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, thấy tàu của Quân đang đi phía trước, Tiến đã điều khiển tàu áp sát và cùng với Kiên, Tám nhảy sang tàu của Quân. Kiên cầm theo một đoạn gậy gỗ, còn Tám, Tiến cũng mang theo gậy và tuýp sắt.

Trong cuộc ẩu đả giữa thành viên của hai tàu thủy, Nguyễn Đức Ngọc đứng trên khoang chứa cát đã dùng xẻng vụt trúng đầu của Tám và Tiến, khiến nạn nhân Tám gục xuống và tử vong, còn Tiến bị rơi xuống sông đến 3 ngày sau mới tìm thấy xác.

Kết quả khám nghiệm cho thấy, nguyên nhân cái chết của của 2 nạn nhân Tiến và Tám đều do chấn thương sọ não nặng, dẫn đến tử vong; thương tích trên đầu nạn nhân là do vật tày cứng gây nên.

Ngọc được xác định chính là hung thủ gây nên cái chết của hai người, bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt án tù chung thân về tội “Giết người”. Ba bị cáo còn lại gồm Kiên, Chiểu và Ánh bị xử phạt về tội “Gây rối trật tự công cộng” với các mức án từ 15 tháng tù giam đến 2 năm cải tạo không giam giữ.

Sau gần 1 năm trong trại tạm giam chờ xét xử, tháng 4/2011, Ngọc về trại giam Vĩnh Quang thi hành bản án tù chung thân.

Theo nghề y để chữa bệnh cứu người

Tâm sự với chúng tôi, Ngọc bảo cho đến bây giờ, khi đã hơn chục năm trôi qua song đôi lúc anh ta vẫn thảng thốt vì không tin việc mình đi tù là sự thật. Chỉ một đêm thôi mà mọi sự đã thay đổi, cánh cửa tương lai với biết bao dự định như đóng sập trước mắt Ngọc. Sau rất nhiều đêm dằn vặt, đau khổ, Ngọc đành phải viết những lời cay đắng, dối lòng để người yêu chuẩn bị cưới năm đó yên lòng đi tìm hạnh phúc mới.

“Cô ấy nhận được thư thì tức tốc lên đây xin gặp nhưng tôi kiên quyết không ra. Tôi chỉ nhắn qua gia đình rằng, tôi không còn gì để nói chuyện cả. Cô ấy còn chạy qua, chạy lại nhà tôi mấy lần nữa mới thôi. Hai năm sau thì cô ấy mới đi lấy chồng ”, nam phạm nhân này chia sẻ, nét mặt thoáng chút tiếc nuối. Ngọc bảo anh ta là con trai lớn trong nhà lại làm cái nghề lang thang sông nước nên muốn lấy vợ sớm để có người thu vén gia đình, chăm lo cho bố mẹ. Đâu ngờ….

Theo lời Ngọc kể thì sau sự cố anh ta đi tù, bố mẹ bán sà lan, không kinh doanh nghề cát sỏi nữa mà tập trung vào làm ruộng, vài ba tháng lại thay nhau lên thăm con trai ở tù. Ngọc bảo mỗi lần gặp bố mẹ, nhìn bố mẹ lam lũ vất vả, trong lòng cảm thấy xót xa, tội lỗi.

Hỏi Ngọc duyên cớ nào đến với nghề bấm huyệt, nam phạm nhân này cho biết, ban đầu chỉ là đọc cho vui, để giết thời gian rảnh rỗi sau những giờ đi lao động. Nhưng khi thấy anh em phạm nhân cùng buồng có người đau tay, xưng khớp liền đem kiến thức đọc được ra thực hành thấy có hiệu quả thì quyết tâm theo học, tính đến nay đã được 5 năm.

“Tôi nghĩ mình có duyên với nghề bấm huyệt nên xác định sẽ theo đuổi đến cùng và dùng kiến thức đọc được trên sách vở bây giờ là giúp anh em phạm nhân, sau này ra trại sẽ đi học thêm, coi đó là một nghề để tạo lập cuộc sống”, Ngọc chia sẻ.

Ngọc được nhận xét là tiến bộ trong cải tạo lao động, đang trong thời gian thử thách chờ xét giảm. Hiện nam phạm nhân này đang lao động ở đội tự quản, một công việc đòi hỏi sự khéo léo để làm sao hài hòa mọi mối quan hệ giữa các bạn tù trong buồng và cũng là cầu nối giữa phạm nhân với Hội đồng cán bộ.

Gia đình là điểm tựa để người đàn ông từng phạm trọng tội làm lại lại cuộc đời
Lời nhắn nhủ tâm tình của một người mẹ khiến nhiều phạm nhân rơi nước mắt
Nguyễn Vũ - Hà My
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động