Thứ hai 29/04/2024 23:15

Trợ giúp viên pháp lý bảo vệ người có công

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhận được yêu cầu của người có công trong tranh chấp thừa kế, Trung tâm TGPL Nhà nước thành phố Hà Nội đã cử trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người có công.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhận được yêu cầu của bị đơn là ông N.V.C, SN 1937, ở xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội, người có công với cách mạng yêu cầu TGPL, GĐ Trung tâm TGPL nhà nước thành phố Hà Nội đã ký quyết định cử bà Bùi Thị Hải Lưu, Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm TGPL Nhà nước thành phố Hà Nội tham gia vụ việc với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông N.V. C trong vụ án “tranh chấp thừa kế”.

Trao đổi với PV, bà Bùi Thị Hải Lưu cho biết, ông N.V.C, SN 1954 (nguyên đơn), ở phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, TP Hà Nội đã gửi đơn ngày 6-3-2019 và bổ sung ngày 6-6-2019 kiện anh trai là ông N.V.C, SN 1937 (bị đơn), ở xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội đề nghị TAND huyện Thanh Trì giải quyết cho ông được hưởng quyền thừa kế theo di chúc do mẹ ông lập ngày 29-9-1989 để lại cho ông nhà 5 gian trên diện tích 01 sào đất 360m2.

Theo trình bày của nguyên đơn, thửa đất số 26, tờ bản đồ số 10 tại thôn 1 xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội có diện tích 400m2 (đo diện tích thực tế) có nguồn gốc do mẹ của nguyên đơn và bị đơn mua từ năm 1968 (bố mất trước đó). Năm 1989, mẹ nguyên đơn đã làm di chúc cho nguyên đơn thừa kế thửa đất nêu trên và được Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc xác nhận ngày 20-10-1989. Đến năm 1998 thì mẹ nguyên đơn mất và bà có gửi người cháu giữ hộ.

Đến năm 1999 thì người cháu này mới giao cho nguyên đơn bản di chúc và sau đó, do không hiểu biết đầy đủ các quy định của pháp luật về thừa kế, nguyên đơn không biết là mẹ di chúc cho ai thì người đó được hưởng và các anh em trong nhà phản đối không công nhận di chúc. Tại đơn khởi kiện, nguyên đơn đề nghị TAND huyện Thanh Trì giải quyết cho ông được hưởng quyền thừa kế theo di chúc do mẹ ông lập ngày 29-9-1989 để lại cho ông nhà 5 gian trên diện tích 1 sào 360m2 nay là thửa đất số 26, tờ bản đồ địa chính số 10, diện tích 400m2.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bà Lưu đã trình bày luận cứ bảo vệ của mình, bà cho hay, mẹ của nguyên đơn không được đi học, không biết chữ, điều này được chính các con và nhiều người hàng xóm xác nhận. Mặt khác, người hàng xóm xác nhận chính mẹ nguyên đơn sang nhà nhờ chồng bà viết di chúc giúp cụ và do cụ không biết chữ nên sau khi viết xong, người hàng xóm này đã ký thay mẹ nguyên đơn. Vị Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc xác nhận chữ ký trên là của mẹ nguyên đơn nhưng ông lại không chứng kiến mẹ nguyên đơn ký và điểm chỉ vào di chúc và không có người làm chứng.

“Từ những tài liệu trên cho thấy, không có căn cứ nào để chứng minh “Đơn xin hồi môn lại cho cháu N.V.C” ngày 29-9-1989 là ý nguyện của mẹ nguyên đơn để lại tài sản cho ông. Văn bản này không phải là văn bản hợp pháp. Vì vậy, đề nghị HĐXX căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 650 BLDS, trường hợp di chúc không hợp pháp thì áp dụng thừa kế theo pháp luật đối với hàng thừa kế thứ nhất bao gồm 4 người con của cụ là ông N.V.C (bị đơn), bà N.T.T, bà N.T.K, ông N.V.C (nguyên đơn)).

Ngoài ra, bị đơn là người nuôi dưỡng, chăm sóc mẹ lúc già yếu, có công sức trông nom, quản lý di sản thừa kế. Đề nghị HĐXX xem xét công sức đóng góp của bị đơn theo quy định của pháp luật”, bà Lưu kể lại phần tranh luận của mình.

Sau khi nghe các bên trình bày, HĐXX TAND huyện Thanh Trì xác định: “Đơn xin hồi môn” lập ngày 29-9-1989 do nguyên đơn xuất trình không phải là di chúc hợp lệ của mẹ ông để lại di sản cho ông. Do dó, TAND huyện Thanh Trì không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với anh trai về việc yêu cầu Tòa án cho ông được hưởng thừa kế đối với di sản của mẹ ông để lại là thửa đất thuộc thửa đất số 26 tờ bản đồ số 10 địa chỉ tại xã Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội theo di chúc là “Đơn xin hồi môn” lập ngày 29-9-1989.

Xác nhận di sản của người mẹ và hàng thừa kế thứ nhất của người mẹ là 4 người con gồm: Ông N.V.C, bà N.T.T, bà N.T.K và ông N.V.C. TAND huyện Thanh Trì đã chia theo kỷ phần của mỗi người cũng như kỷ phần chăm sóc nuôi dưỡng khi mẹ còn sống.

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động