Trợ giúp pháp lý giúp người dân tháo gỡ vướng mắc về pháp luật
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác luật sư tư vấn pháp luật cho người dân tại Hà Nội |
Theo Sở Tư pháp Hà Nội, năm 2021, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước đã tiếp 89 lượt người đến yêu cầu tư vấn tại trụ sở với 10 vụ việc và 79 việc thuộc các lĩnh vực pháp luật: Hình sự, dân sự, đất đai, hành chính, hôn nhân và gia đình; Tư vấn trực tiếp cho 2.582 lượt người với 2.582 việc: Hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, nhà ở, môi trường, lao động việc làm, bảo hiểm, khiếu nại, tố cáo, hành chính, chính sách ưu đãi, lĩnh vực pháp luật khác.
Cùng với đó, Trung tâm đã cử trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 984 người trong 984 vụ việc trợ giúp pháp lý. Đồng thời, quan tâm, chú trọng đến công tác tập huấn, nâng cao chất lượng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý.
Vừa qua, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước Hà Nội - Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 9 và Phòng Tư pháp huyện Chương Mỹ phối hợp với UBND thị trấn Chúc Sơn tổ chức hội nghị Tư vấn pháp luật tại cơ sở. Tại đây, 50 đại biểu là trưởng các ngành, đoàn thể, bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố đã được truyền đạt những nội dung cơ bản của Luật trợ giúp pháp lý 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.
Theo đó, trợ giúp pháp lý cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho những người thuộc diện được trợ giúp pháp lý như người nghèo, người dân tộc thiểu số, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, đối tượng chính sách...
Giúp cho người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật. Đây cũng bổn phận trách nhiệm của những người làm công tác trợ giúp pháp lý, đồng thời cũng là công tác thiện nguyện, để chia sẻ cùng những người người yếu thế, các đối tượng chính sách... những vấn đề về pháp lý.
Đại diện Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước Hà Nội cung cấp thêm cho các đại biểu hiểu thêm về quyền của người được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác. Tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý.
Được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan Nhà nước có liên quan. Thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý. Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan…
Người được trợ giúp pháp lý có nghĩa vụ cung cấp giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý. Hợp tác, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu, chứng cứ đó.
Tôn trọng tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý. Chấp hành pháp luật về trợ giúp pháp lý và nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý.
Ngoài ra, báo cáo viên tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho các đại biểu về công tác giải phóng mặt bằng; Những chính sách đối với người có công; Luật thừa kế và công tác bồi thường thiệt hại đối với vị thành niên. Bên cạnh đó, đại biểu còn được các trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên là luật sư tư vấn pháp luật tại chỗ.
Thông qua hội nghị, đã nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, ý thức sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật cho người dân. Đồng thời có sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời về các vấn đề mà người dân đang gặp phải để có cách giải quyết phù hợp, đúng theo quy định của pháp luật.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại