Thứ năm 25/04/2024 14:18

Tăng cường năng lực hoạt động TGPL theo hướng chuyên nghiệp hiện đại

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trải qua gần 25 năm hình thành và phát triển, hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) đã thực sự đi vào đời sống pháp luật, mang lại hiệu quả thiết thực giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo và các đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế trong xã hội, đóng góp vào cải cách tư pháp, góp phần đáng kể vào sự phát triển của ngành Tư pháp.
-	Đoàn Luật sư TP Hà Nội tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân tại xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín
Đoàn Luật sư TP Hà Nội tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân tại xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín

Theo Bộ Tư pháp, hiện nay hệ thống TGPL được củng cố, kiện toàn, tinh gọn, tăng cường năng lực. Cả nước có 63 Trung tâm TGPL Nhà nước với 1.237 người, trong đó 669 Trợ giúp viên pháp lý; 106 Chi nhánh TGPL cấp huyện, liên huyện. Bên cạnh đó, chúng ta còn có 667 luật sư và 48 cộng tác viên ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm TGPL; 193 tổ chức đăng ký tham gia TGPL và 40 tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL với Sở Tư pháp.

Trợ giúp viên pháp lý là đội ngũ nòng cốt cung cấp dịch vụ TGPL cho người dân. Năng lực chuyên môn nghiệp vụ được nâng cao, tất cả các Trợ giúp viên pháp lý đều đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề, tiêu chuẩn, điều kiện của Trợ giúp viên pháp lý và luật sư là tương đồng. Số lượng, chất lượng, hiệu quả vụ việc TGPL nhất là vụ việc tham gia tố tụng ngày càng tăng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu TGPL của người dân.

Trước đây, hoạt động TGPL còn dàn trải, chưa phản ảnh rõ nét bản chất giúp đỡ người được TGPL khi họ có vướng mắc, tranh chấp pháp luật cụ thể thì đến nay, đặc biệt là từ sau khi triển khai Luật TGPL năm 2017, hoạt động TGPL đã có sự chuyển hướng rõ rệt, các Trung tâm TGPL đã tập trung thực hiện vụ việc TGPL, đặc biệt là các vụ việc tham gia tố tụng.

Từ khi thành lập đến tháng 12-2021, các tổ chức thực hiện TGPL trên toàn quốc đã thực hiện được 2.304.834 vụ việc TGPL miễn phí, trong đó có 204.411 vụ việc tham gia tố tụng. Số lượng vụ việc tham gia tố tụng đã hoàn thành, kết thúc tăng hàng năm, cụ thể: năm 2019 là 13.428 vụ, năm 2020 là 16.168 vụ. Năm 2021: 16.976 vụ.


Nhiều vụ việc tham gia tố tụng có quan điểm bào chữa, bảo vệ của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận, được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh, thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát, thậm chí được vô tội đã góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL, củng cố niềm tin vào công lý.

Hầu hết các vụ việc TGPL được thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng trở lên. Trong đó nhiều vụ việc có kết quả thành công, hiệu quả rõ rệt. Theo Bộ Tư pháp, chỉ tính từ ngày 1-1-2018 đến ngày 30-06-2021, toàn quốc đã có 13.103 vụ việc thành công, hiệu quả, trong đó số vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện là 10.929 vụ việc (chiếm 83,4%).


Tại Hà Nội, theo Sở Tư pháp TP, năm 2021 Trung tâm TGPL Nhà nước đã tiếp 89 lượt người đến yêu cầu tư vấn tại trụ sở với 10 vụ việc và 79 việc thuộc các lĩnh vực pháp luật: Hình sự, dân sự, đất đai, hành chính, hôn nhân và gia đình; Tư vấn trực tiếp cho 2.582 lượt người với 2.582 việc; Đã cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 984 người trong 984 vụ việc trợ giúp pháp lý.

Cùng với đó, UBND TP giao Sở Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN trên trang thông tin tuyên truyền; tổ chức 10 cuộc tập huấn hỗ trợ pháp lý cho DN; đăng gần 367 tin, bài trên chuyên mục “Hỗ trợ pháp lý cho DN” của Trang thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật TP Hà Nội; thực hiện phát sóng các chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa trên phương tiện truyền thông.

Theo Bộ Tư pháp, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác TGPL, cần tiếp tục tăng cường năng lực quản lý hoạt động TGPL của các cơ quan quản lý, bảo đảm chỉ đạo, điều hành trong hoạt động TGPL theo hướng chuyên nghiệp, tiến lên hiện đại.

Tiếp tục trở thành trụ cột trong việc bảo đảm quyền tiếp cận pháp luật cho một bộ phận lớn người dân trong xã hội, qua đó tạo công bằng trong tiếp cận công lý và góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp nói riêng và trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung.

Mở rộng diện người được TGPL; tăng cường số lượng và nâng cao năng lực cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý; vận hành, khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu về TGPL, Cổng thông tin điện tử TGPL; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin theo hướng số hóa cơ sở dữ liệu về TGPL để chia sẻ, kết nối, tích hợp dữ liệu người thuộc diện được TGPL với cơ sở dữ liệu quốc gia và các Bộ, ngành có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, hỗ trợ người dân yêu cầu TGPL trực tuyến, đơn giản hóa và giảm tải TTHC.

Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động