TP Hồ Chí Minh tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu 2024
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa |
Theo đó, Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đề nghị các đơn vị liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được phân công triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thứ nhất, tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát và các mặt hàng thực phẩm tiêu thụ mạnh trong dịp Tết Trung thu. Đặc biệt chú ý đến các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, cơ sở sản xuất tại hộ gia đình để đảm bảo tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ và loại sản phẩm vi phạm. Chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật nếu có dấu hiệu hình sự.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục truyền thông về an toàn thực phẩm. Các đơn vị cần tuyên truyền, phổ biến các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm, cách chọn lựa thực phẩm an toàn cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Đồng thời, khuyến cáo người dân nên mua sắm, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không sử dụng sản phẩm quá hạn, không rõ nguồn gốc.
Thứ ba, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Đồng thời, các đơn vị cần tuân thủ Công điện số 440/CĐ-TTg ngày 3/5/2022 của Ban Bí thư về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Cuối cùng, chỉ đạo các đơn vị y tế rà soát, chuẩn bị phương án, lực lượng, phương tiện, vật tư hóa chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm. Điều tra, xác định nguyên nhân gây ngộ độc và thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại