Thứ bảy 20/04/2024 07:58

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực vẫn tiếp diễn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cuộc chiến đấu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn đang còn tiếp diễn. Những vụ trọng tâm, trọng điểm đang làm. Những vụ từ cách đây nhiều năm chi phối, ảnh hưởng tới uy tín của Đảng đều sẽ được đưa ra ánh sáng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực vẫn tiếp diễn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Đăng Khoa.

Sáng 15/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội Đoà đại biểu Quốc hội TP Hà Nội (Đơn vị bầu cử số 1) đã tiếp xúc cử tri các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình và Đống Đa trước Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng – Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương; Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai; Trung tướng Nguyễn Hải Trung – Giám đốc Công an TP Hà Nội.

Tham gia tiếp xúc cử tri có các đại biểu Quốc hội: Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực vẫn tiếp diễn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo TP Hà Nội dự cuộc tiếp xúc cử tri. Ảnh: Trí Dũng.

Cử tri đề nghị có giải pháp tăng cường kiểm soát quyền lực

Tại hội nghị, cử tri các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình và Đống Đa bày tỏ rất phấn khởi và tự hào vì có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, có sự lãnh đạo kịp thời, sáng tạo của Quốc hội, có sự vào cuộc quyết liệt và hiệu quả của Chính phủ. Cử tri đánh gia rất cao hoạt động của Quốc hội, chất lượng của phiên chất vấn và trả lời chất vấn thể hiện tính dân chủ, công khai minh bạch.

Các cử tri ủng hộ chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến đề xuất Quốc hội sửa đổi nội quy kỳ họp Quốc hội theo hướng bảo đảm tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, tính chủ động trong hoạt động của Quốc hội, tăng cường tính tranh luận, phát huy trí tuệ, tinh thần đổi mới, sáng tạo của đại biểu Quốc hội, đưa hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó, gần gũi với Nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực vẫn tiếp diễn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chào hỏi cử tri tại Hội nghị tiếp xúc cử tri, ngày 15/10.

Dư luận xã hội và Nhân dân rất đồng tình, ủng hộ và tin tưởng về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua. Ban chỉ đạo về phòng chống tham nhũng tiêu cực đã tiếp tục có những đổi mới, chỉ đạo sát sao, toàn diện với tinh thần không ngừng nghỉ, ngày càng làm quyết liệt, bài bản, hiệu quả, nhân văn... đã mang lại niềm tin trong Nhân dân.

Cử tri Hoàng Minh Bần (phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng) đề nghị Quốc Hội, Chính phủ tăng cường các giải pháp để kiểm soát quyền lực. “Vẫn còn tình trạng cán bộ lạm quyền, lộng quyền, cơ quan cấp dưới ban hành những quy định vượt thẩm quyền, chưa phù hợp, mang tính áp đặt, biến những quan hệ dân sự thành quan hệ hành chính” – cử tri Hoàng Minh Bần nêu.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực vẫn tiếp diễn
Cử tri các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa.

Cử tri Vương Hữu Phú (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) cho hay thời gian vừa qua nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực kéo dài ở các địa phương nhưng đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương chưa bám sát, quan tâm giải quyết.

Do đó cử tri đề nghị cần nâng cao vai trò giám sát của các đại biểu Quốc hội để thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Cử tri Vương Hữu Phú cũng đánh giá rất cao hoạt động của Ban chỉ Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật, điều cấm.

Trong đó đã thực hiện tốt chủ trương của Đảng "có vào, có ra, có lên, có xuống" và những trường hợp Ủy viên BCH Trung ương trước khi có thành tích, có công lao cống hiến nhưng nay không còn trong sáng, vì lợi ích cá nhân thì kịp thời cho ra khỏi BCH.

Cử tri đề cập việc 7 Ủy viên Trung ương Đảng bị xử lý khai trừ, cách chức, cho thôi trong hơn một năm qua được dư luận đánh giá rất cao.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực vẫn tiếp diễn
Cử tri phát biểu tại hội nghị.

Đồng quan điểm đó cử tri Vũ Thị Thanh (phường Ngã Tư Sở, Quận Đống Đa) cũng dẫn chứng việc "rất tiếc" khi vừa qua những cán bộ cấp Trung ương và nhiều cán bộ công chức đã bị bắt để điều tra những vi phạm pháp luật ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề.

Đặc biệt vụ đại án Việt Á đã có hàng chục người đã bị khởi tố, bắt giam và đây là con số rất đau xót. Các vụ án đã, đang, sẽ đưa ra xét xử cho thấy người vi phạm pháp luật là những người có trình độ, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm và kinh qua nhiều chức vụ lãnh đạo.

"Thực sự là đau lòng và tiếc cho những cán bộ này, bởi lòng tham và sự suy thoái của đạo đức, lối sống, duy thoái của tư tưởng chính trị. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói suy thoái của tư tưởng chính trị là gốc của tham nhũng" – cử tri Vũ Thị Thanh nói và đề nghị cần nghiên cứu có cơ chế chính sách kiểm soát quyền lực.

Các cử tri cũng mong muốn Chính phủ có biện pháp hiệu quả hơn về bình ổn giá xăng dầu cũng như bình ổn giá cả thị trường. Bởi thực tế khi giá cả hàng hóa đã tăng thì khó giảm lại hoặc giảm rất ít (mặc dù giá xăng dầu giảm). Đề nghị Bộ xây dựng tập trung quyết liệt cho việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để người dân có điều kiện tiếp cận được nhà ở giá rẻ.

Tiền lương chưa tạo được động lực cho cán bộ, công chức

Nêu tình trạng không ít công chức, viên chức xin nghỉ việc với nhiều lý do khách quan, chủ quan khác nhau, cử tri Nguyễn Anh Dũng (phường Phương Liên, quận Đống Đa) cho rằng một trong nguyên nhân đó là việc chậm cải cách tiền lương và tăng lương cho công chức, viên chức nói chung và cán bộ, công chức cơ sở - phường, xã nói riêng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực vẫn tiếp diễn
Các cử tri ủng hộ và tin tưởng về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua.

Theo cử tri, với mức lương nhận thực tế của cán bộ, công chức xã phường như hiện nay, thực sự rất thấp dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của bản thân cán bộ, công chức xã phường, đến sinh hoạt hàng ngày của gia đình họ, chứ chưa nói đến việc tái tạo sức lao động và tích lũy.

“Tiền lương hiện nay chưa thật sự là động lực để cán bộ, công chức cơ sở làm việc hiệu quả và năng suất lao động thấp. Đây cũng là nguyên nhân việc xảy tiêu cực tham ô, lãng phí và tham nhũng vặt” – cử tri Nguyễn Anh Dũng nêu.

“Do vậy, cử tri và Nhân dân chúng tôi kiến nghị với Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 khóa XV xem xét thực hiện cải cách tiền lương, tăng lương cho cán bộ, công chức nói chung, trong đó có cán bộ, công chức xã phường trong thời gian sớm nhất có thể, trên cơ sở phân tích, cân nhắc, tính toán kỹ điều kiện thực tiễn nguồn lực kinh tế của đất nước” – cử tri nói.

Cử tri Nguyễn Thanh Bình (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng) mong muốn Quốc hội có những quyết sách để đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Với hoạt động hiện nay của hàng ngàn cơ sở quán Bar, Karaoke, vũ trường, có một số hoạt động đúng quy định, nhưng đại đa số vi phạm về công tác phòng cháy, chữa cháy nhất là các quán Karaoke… Vấn nạn lừa đảo tín dụng, nạn buôn người, buôn bán ma túy hết sức phức tạp, nạn tín dụng đen cho vay nặng lãi chưa được đẩy lùi, nhiều hình thức lừa đảo mới, hết sức tinh vi… gây bức xúc cho người dân.

Cử tri đề nghị đại biểu Quốc hội, các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành công an quan tâm giải quyết.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực vẫn tiếp diễn
Quang cảnh Hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh: Đăng Khoa.

Cử tri Trương Hồng Diệp (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng) nêu vừa qua, Quốc Hội cũng đã thảo luận và có khuyến nghị với Bộ GD&ĐT về việc xây dựng bộ sách giáo khoa ổn định. Nhưng dường như tình hình vẫn chưa có chuyển biến.

“Vậy bao giờ mới chấm dứt tình trạng Sách giáo khoa sửa đi sửa lại và thay đổi mỗi năm; có quá nhiều sách tham khảo buộc phụ huynh phải mua thêm mà đối với lứa tuổi các cháu, điều này thực sự chưa cần thiết. Dư luận xã hội hết sức bức xúc về vấn đề này” – cử tri Trương Hồng Diệp nói, đồng thời cũng nêu một số vấn đề cần Quốc hội quan tâm có giải quyết như bạo lực học đường, quan tâm đến đời sống như nâng lương, chế độ đặc thù cho các thầy cô giáo…

Ai bao che, ai bỏ trốn rồi cũng sẽ bị xử lý

Thay mặt Tổ đại biểu Quốc hội phát biểu tiếp thu và trao đổi với cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, đây là cuộc tiếp xúc cử tri có rất nhiều ấn tượng tốt đẹp. Cử tri nắm rất chắc vấn đề đất nước, Quốc hội; ý kiến phát biểu ngắn gọn, súc tích, đúng, trúng, cụ thể, sâu sắc, rất sát thực tiễn và sát các hoạt động của Quốc hội. Tổ đại biểu Quốc hội sẽ tiếp thu đẩy đủ, tổng hợp báo cáo với Quốc hội, cũng như đề nghị các cơ quan có thẩm quyền trả lời cử tri. Từ ý kiến của cử tri, các đại biểu Quốc hội còn phải có trách nhiệm phản ánh trong các phiên thảo luận tại Quốc hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực vẫn tiếp diễn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh Đăng Khoa

Theo Tổng Bí thư, Quốc hội có 3 chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước. Đây đều là những chức năng đòi hỏi trách nhiệm cao của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, phải thực hiện tốt nhưng đồng thời phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và trên cơ sở quyền làm chủ của Nhân dân; không được “quyền anh, quyền tôi”, “cua cậy càng, cá cậy vây”, “tam quyền phân lập”.

"Để làm tốt 3 chức năng đó, Quốc hội, đại biểu Quốc hội phải lắng nghe dân, tiếp thu ý kiến của dân. Đó cũng là ý nghĩa cần thiết của các hội nghị tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp. Do đó các cuộc tiếp xúc cử phải thực chất, tránh hình thức. Dân đã góp ý rất tâm huyết, đại biểu Quốc hội phải tiếp thu một cách nghiêm túc"- Tổng Bí thư nói.

Đề cập một số vấn đề nổi bật mà cử tri nêu, trong đó có vấn đề kiểm soát quyền lực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, vừa qua Trung ương đã xử lý rất quyết liệt vấn đề này.

Những cán bộ dù ở chức vụ nào khi vi phạm kỷ luật đều bị xử lý rất nghiêm khắc, nhất là cán bộ nắm trong tay quyền lực lại bè cánh, móc nối với nhau, lợi ích nhóm như ở tỉnh Hải Dương vừa qua. Hội nghị Trung ương 6 mới đây đã kỷ luật Bí thư Tỉnh ủy ở mức cao nhất là cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, khai trừ khỏi Đảng.

Cách thức xử lý đối với cán bộ vi phạm được Trung ương thực hiện công khai, minh bạch, khách quan, rõ đến đâu làm đến đấy, làm từng bước vững chắc, “làm không thể cãi được”.

Theo Tổng Bí thư, quy trình xử lý cán bộ có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, thống nhất từ xử lý về mặt Đảng, chính quyền đến pháp luật. Không chỉ xử lý kỷ luật, xử lý mạnh theo quy định pháp luật, Trung ương vừa ra quy định rất mới là Kết luận số 20-TB/TƯ ngày 8/9/2022 về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc điện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật; trong đó, khuyến khích cán bộ bị kỷ luật từ chức hoặc chuyển sang công việc khác phù hợp hơn. Vừa qua, một số đồng chí đã chủ động xin rút không tham gia Ban Chấp hành Trung ương, xin từ chức.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực vẫn tiếp diễn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo và cử tri TP Hà Nội. Ảnh: Đăng Khoa.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Cuộc chiến đấu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn đang còn tiếp diễn. Các bác cứ chờ xem. Những vụ trọng tâm, trọng điểm đang làm. Những vụ từ cách đây nhiều năm rất ghê gớm, chi phối, ảnh hưởng tiêu cực tới chế độ, uy tín của Đảng đều sẽ được đưa ra ánh sáng. Ai bao che, ai bỏ trốn rồi cũng sẽ bị xử lý”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý cử tri tránh các thông tin do các thế lực cơ hội, phản động xuyên tạc về mục đích, ý nghĩa của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua.

“Chúng ta tiếp tục kiên trì thực hiện các giải pháp đồng bộ để từng bước làm cho cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng. Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo cải cách tiền lương để bảo đảm đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức” – Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư đề nghị Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội tiếp tục gương mẫu, đi đầu trong phòng, chống tham nhũng; vừa qua thành phố đã đi đầu thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì phải làm cho tốt; trước hết là những thành viên Ban Chỉ đạo phải làm gương, nếu vi phạm phải xử lý thật nghiêm.

Tổng Bí thư cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn và toàn thể cử tri, Nhân dân chung sức, đồng lòng tham gia cùng thành phố, cùng Trung ương để làm trong sạch bộ máy. Hà Nội không thể để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực.

Trao đổi về vấn đề văn hóa, con người, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, vừa qua Trung ương tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc được dư luận Nhân dân rất quan tâm, ủng hộ. Văn hóa là đạo đức, là con người. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa còn là dân tộc ta còn.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, văn hóa đối với Hà Nội lại càng có ý nghĩa to lớn. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô phải phấn đấu phát huy cho được những giá trị trường tồn là Thủ đô nghìn năm văn hiến, anh hùng, hào hoa, thanh lịch. Hà Nội phải dẫn đầu về văn hóa.

Tổng Bí thư chủ trì hội nghị tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng
Cách làm vừa hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực vừa nhân văn
Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới
Chấn chỉnh, khắc phục ngay những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Thuỷ Tiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động