Thứ sáu 26/07/2024 02:51

Tọa đàm "Luật Thủ đô 2024 - bệ phóng thể chế để Hà Nội bứt phá"

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 23/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Lệnh số 09/2024/L-CTN ngày 2/7/2024 của Chủ tịch nước về việc Công bố Luật Thủ đô 2024.
Tọa đàm
Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Xuân Khánh phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Tấn
Trước khi diễn ra buổi toạ đàm, Ban tổ chức cùng các vị khách mời tham dự, đại diện các cơ quan báo chí TƯ, Hà Nội đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 ngày 28/6/2024. Luật gồm 7 chương và 54 điều, quy định rõ vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 54 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Trong đó, Luật quy định nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để Hà Nội phát triển đột phá, tạo động lực dẫn dắt cả vùng, cả nước. Đồng thời, bổ sung nhiều điểm mới thể hiện sự phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ cho Hà Nội trong nhiều lĩnh vực, như tổ chức chính quyền đô thị, huy động nguồn lực xây dựng Thủ đô. Cùng với đó, có những cơ chế, chính sách mới liên quan đến phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển hạ tầng đô thị, giao thông xanh, đường sắt đô thị…

Với mong muốn phân tích sâu hơn về những cơ chế, chính sách mới nổi bật trong Luật. Đồng thời, tiếp tục tham góp thêm các ý kiến trong quá trình xây dựng hệ thống văn bản để cụ thể hóa các quy định trong Luật theo hướng đồng bộ, chặt chẽ, bảo đảm tính khả thi, đặc biệt là các chính sách mới liên quan đến phân cấp phân quyền, phát triển đô thị, chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo, để đáp ứng yêu cầu trong thực tiễn theo mục tiêu đã đặt ra, báo Kinh tế và Đô thị tổ chức toạ đàm “Luật Thủ đô 2024 - bệ phóng thể chế để Hà Nội bứt phá”.

Các diễn giả tham gia tọa đàm gồm có: Ông Nguyễn Công Anh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội; TS. Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng; Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành - Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, Sở GTVT Hà Nội.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Xuân Khánh cho biết: "Thực hiện Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 29/1/2024 của UBND TP Hà Nội về đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Để tiếp tục thông tin về những chính sách nổi bật trong Luật, góp phần đưa Luật vào cuộc sống, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Luật Thủ đô 2024 - bệ phóng thể chế để Hà Nội bứt phá”.

Tọa đàm
Các diễn giả tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: Lại Tấn

Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.

Với nhiều điểm mới và tiến bộ, Luật Thủ đô 2024 được đánh giá là hành lang pháp lý quan trọng để Hà Nội trở thành đầu tàu phát triển của cả nước. Việc Luật Thủ đô 2024 được thông qua không chỉ là tin vui lớn với chính quyền và Nhân dân Thủ đô, mà còn mang đến những kỳ vọng, mong mỏi về sự thay đổi mạnh mẽ trong tương lai, đáp ứng mong mỏi kỳ vọng của cả nước về một Thủ đô phát triển xứng tầm trong tương lai.

Bởi những cơ chế đột phá, đặc thù, vượt trội trong Luật sẽ góp phần khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế phát sinh trong thực tiễn, để tạo cơ sở xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Trong thời gian này, TP Hà Nội đang triển khai các nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024; phối hợp các bộ, ngành tham mưu dự thảo các nghị định, nghị quyết, quyết định hướng dẫn thực hiện để luật sớm đi vào cuộc sống.

TP Hà Nội cũng sẽ ban hành quyết định hoặc trình HĐND TP ban hành nghị quyết quy định phân cấp được quy định trong Luật Thủ đô 2024 của từng ngành, lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, đầy đủ theo chuyên ngành và đồng bộ, đầy đủ cho cấp huyện, cấp xã theo quy định."

"Tổ chức tọa đàm này, chúng tôi kỳ vọng, gợi mở để cùng các chuyên gia, nhà quản lý phân tích, làm rõ hơn về những chính sách nổi bật trong Luật Thủ đô 2024, về tầm quan trọng của những cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội đối với thực tiễn hiện nay.

Đồng thời, từ thực tiễn, phân tích, đề xuất thêm các ý kiến liên quan trong quá trình xây dựng hệ thống văn bản để cụ thể hóa các quy định trong Luật theo hướng đồng bộ, chặt chẽ, bảo đảm tính khả thi, đặc biệt là các chính sách mới liên quan đến phát triển đô thị, chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo, để đáp ứng yêu cầu trong thực tiễn theo mục tiêu đã đặt ra. Qua đó, cùng góp phần để các cơ chế, chính sách đảm bảo tính khả thi, tạo hiệu quả như mong muốn khi Luật Thủ đô đi vào cuộc sống" - Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Xuân Khánh nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Công Anh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội, Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 ngày 28/6 và ngày 23/7 vừa rồi, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Lệnh công bố của Chủ tịch nước về Luật Thủ đô và một số luật khác. Luật Thủ đô được xây dựng trong bối cảnh Luật Thủ đô năm 2012 chưa giải quyết, đáp ứng được nhu cầu xây dựng, phát triển của Thủ đô, vùng Thủ đô. Do đó, cần phải sửa đổi, bổ sung những cơ chế chính sách đặc thù. Các cơ chế chính sách đặc thù này được Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu ra và Luật Thủ đô lần này đã thể chế được toàn bộ yêu cầu của Nghị quyết 15 theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Các chính sách cơ bản và cơ chế chủ chốt của Luật Thủ đô 2024 bao gồm: Tổ chức chính quyền đô thị - được quy định một chương trong Luật Thủ đô (Chương 2). Trong đó, quy định về: tổ chức chính quyền đô thị; từ HĐND, UBND và các cơ quan chuyên môn của thành phố cũng như các quận, huyện. Trong Luật Thủ đô có rất nhiều nội dung phân quyền của các cơ quan Trung ương cho TP Hà Nội.

Ví dụ như: cơ chế đầu tư, xây dựng đường sắt đô thị theo định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng (TOD), phát triển nông thôn. Trong khi, Luật Thủ đô năm 2012 không có nội dung phát triển nông thôn. Cùng đó, Luật Thủ đô quy định phát triển các chính sách về y tế và an sinh xã hội; Các chính sách về phát triển khoa học công nghệ, có quy định về sử dụng tài sản công trong nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ. Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, đây là quy định mới mà hệ thống luật pháp của chúng ta chưa đề cập đến, mà Luật Thủ đô 2024 đã có.

Tiếp tục bổ sung các cơ chế đã có sẵn về tài chính như: huy động nguồn lực về tài chính và quy hoạch phát triển đô thị, phát triển giao thông. Đây là những nội dung đã được Luật Thủ đô năm 2012 đề cập nhưng lần này tiếp tục bổ sung và làm rõ hơn để có các điều kiện để phát triển.

Một nội dung rất quan trọng là phát triển văn hóa Thủ đô, các cơ chế để phát huy phát triển các giá trị văn hóa, công trình văn hóa. Ngoài ra, một nội dung rất quan trọng là phát huy tính đầu tàu của Thủ đô, đó là nội dung về liên kết vùng, quy định cho Thủ đô được sử dụng ngân sách của mình hỗ trợ các tỉnh có liên quan và đầu tư ra các tỉnh xung quanh. Đây là những nội dung thể hiện rõ chính sách Thủ đô là đầu tàu của vùng cũng như cả nước để thu hút các nguồn lực phát triển.

Một nội dung rất quan trọng là phát triển văn hóa Thủ đô, các cơ chế để phát huy phát triển các giá trị văn hóa, công trình văn hóa. Ngoài ra, một nội dung rất quan trọng là phát huy tính đầu tàu của Thủ đô, đó là nội dung về liên kết vùng, quy định cho Thủ đô được sử dụng ngân sách của mình hỗ trợ các tỉnh có liên quan và đầu tư ra các tỉnh xung quanh. Đây là những nội dung thể hiện rõ chính sách Thủ đô là đầu tàu của vùng cũng như cả nước để thu hút các nguồn lực phát triển.

TS. Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng chia sẻ, Luật Thủ đô rất quan trọng với TP Hà Nội, giúp TP Hà Nội phát triển bứt phá nhanh hơn trong chuyển đổi số như: xây dựng cơ chế để thúc đẩy chuyển đổi số của Hà Nội nhanh hơn; sử dụng tài sản công để ứng dụng công nghệ tiến tới TP thông minh.

Tọa đàm "Luật Thủ đô 2024 - bệ phóng thể chế để Hà Nội bứt phá"
TS. Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng. Ảnh: Lại Tấn

Để hướng tới mục tiêu đó phải xác định chuyển đổi số là lĩnh vực cần đẩy mạnh trong mọi mặt kinh tế - xã hội. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Hà Nội thúc đẩy quá trình xây dựng Thủ đô thành thành phố thông minh trong thời gian tới.

Luật Thủ đô có mục tiêu, định hướng rõ ràng, sẽ xây dựng TP Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tuy nhiên, để thực hiện thì không đơn giản.

Luật Thủ đô là “cơ hội vàng”, giúp Hà Nội có quyền tự chủ, vấn đề là xây dựng kế hoạch phát triển như thế nào? Tôi mong muốn Hà Nội tạo ra cơ chế để thực hiện chuyển đổi số, đồng thời, xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, rà soát hiện trạng - nhìn lại chúng ta đã làm được gì để điều chỉnh, khắc phục cho lộ trình mới.

Cùng với đó, theo tôi, Hà Nội cần có cơ chế sử dụng, đào tạo nhân tài, phải có định hướng phục vụ chung cho chuyển đổi số. Đồng thời, cần bố trí nguồn vốn, ví dụ xây dựng trung tâm quản lý dữ liệu cũng cần nguồn vốn lớn. Khi có nguồn vốn thì một phần phục vụ hành chính công, một phần phải ưu tiên doanh nghiệp bởi thực tế, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn phát triển ứng dụng số nhưng họ không có nguồn vốn, không có chính sách hỗ trợ về vốn...

Tôi cho rằng, cần phải làm triệt để tất cả những nội dung nêu trên nhằm tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển chuyển đổi số trong thời gian tới.

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành - Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, Sở GTVT Hà Nội thì cho rằng, hiện mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) đang được nhiều quốc gia, thành phố trên thế giới nghiên cứu, áp dụng như là một giải pháp căn cơ và dài hạn để giải quyết những vấn đề lớn liên quan đến phát triển đô thị như: quá tải về hạ tầng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nhà ở xã hội, thiếu hụt nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng…

Tại Việt Nam, Bộ Chính trị đã ban hành các định hướng chỉ đạo liên quan đến vấn đề này, như: Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội; Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng Vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Gần đây nhất, các nội dung liên quan đến TOD đã được đề cập trong quy hoạch Thủ đô, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và được luật hóa trong Luật Thủ đô. Đây là những tiền đề quan trọng đặt nền móng cho việc gắn kết phát triển đô thị với mô hình TOD.

Tọa đàm "Luật Thủ đô 2024 - bệ phóng thể chế để Hà Nội bứt phá"
Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành - Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, Sở GTVT Hà Nội trả lời câu hỏi tại tọa đàm. Ảnh: Lại Tấn

Mặc dù TOD đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia, thành phố trên thế giới, song ở Việt Nam, đây vẫn còn là một mô hình phát triển đô thị, phát triển giao thông công cộng tương đối mới mẻ, mới bắt đầu được quan tâm, đề cập đến trong thời gian khoảng 10 năm trở lại đây. Các nghiên cứu, đánh giá chuyên sâu về TOD trong điều kiện đặc thù của Việt Nam nói chung, của TP Hà Nội nói riêng còn rất ít ỏi. Việc áp dụng mô hình TOD hiện nay còn một số khó khăn, tồn tại cần tiếp tục giải quyết.

Cụ thể, hành lang pháp lý cho việc tích hợp quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông công cộng chưa rõ ràng; các chỉ tiêu, tiêu chí để quy hoạch xây dựng theo định hướng TOD chưa được ban hành làm căn cứ cho việc triển khai quy hoạch xây dựng chi tiết; đòi hỏi rà soát điều chỉnh lại quy hoạch (đặc biệt là mạng lưới đường sắt đô thị).

Bên cạnh đó, nhiều khu vực không còn không gian, diện tích để triển khai áp dụng; cơ chế, chính sách triển khai áp dụng mô hình này cũng chưa có; việc di chuyển một khối lượng lớn dân cư để thực hiện mô hình TOD có tác động ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân; nguồn lực đầu tư là rất lớn.

Hơn nữa, việc khai thác không gian ngầm vẫn là một trong nhưng giải pháp quan trong khi triển khai, tuy nhiên các hành lang pháp lý thực hiện chưa đầy đủ; thiếu một chiến lược tổng thể với các lộ trình và mục tiêu của từng giai đoạn; nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa và vai trò của TOD trong phát triển đô thị, phát triển giao thông công cộng còn chưa đầy đủ; trình độ phát triển ngành đường sắt nói chung, đường sắt đô thị nói riêng còn thấp.

Ngoài ra, việc thay đổi cách làm, phương thức đầu tư các tuyến đường sắt đô thị hiện rất cần thiết và TOD là lối đi, hướng ra để giải quyết bài toán khó cho giao thông đô thị của Thủ đô. Không có lý do gì các quốc gia khác làm được, chúng ta không làm được. Luật Thủ đô đã dành nguyên 1 điều (Điều 31) để cụ thể hóa các định hướng triển khai mô hình TOD kèm theo các cơ chế chính sách cần thiết và bước đầu đã tháo gỡ được phần nào các tồn tại như đã nêu trên.

Sở GTVT Hà Nội đã xây dựng trình HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND là nghị quyết đặc thù về đầu tư xây dựng bến bãi đỗ xe, giao thông thông minh. Bên cạnh đó là một loạt cơ chế chính sách đang được xây dựng, trong đó có các chính sách về bến xe ngầm…

Hiện nay, Luật Thủ đô là “cơ hội vàng” để chúng ta có thể sửa chữa, khắc phục những vấn đề chúng ta chưa làm được. Chúng tôi sẽ huy động toàn lực, lựa chọn những đơn vị tư vấn có kinh nghiệm và thực tiễn để đưa ra những cơ chế chính sách thật khả thi.

Bảo đảm toàn dân tiếp cận các dịch vụ xã hội thiết yếu Bảo đảm toàn dân tiếp cận các dịch vụ xã hội thiết yếu
Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Thủ đô, gồm 7 chương, 54 điều Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Thủ đô, gồm 7 chương, 54 điều
Nhóm PV
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động