Thứ sáu 22/11/2024 11:32

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Thủ đô, gồm 7 chương, 54 điều

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 23/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7, trong đó có Luật Thủ đô 2024. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Phạm Thanh Hà công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố Luật Thủ đô 2024. Ảnh: Hồng Thái
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Phạm Thanh Hà công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố Luật Thủ đô 2024. Ảnh: Hồng Thái

Tại cuộc họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh số 09/2024/L-CTN ngày 02/07/2024 của Chủ tịch nước về việc Công bố Luật Thủ đô 2024.

Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 28/6/2024.

Xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

Thông tin về sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 09 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012, Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp 7 đã thông qua Luật Thủ đô và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.

Mục tiêu xây dựng Luật Thủ đô nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Quan điểm xây dựng Luật Thủ đô nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 15-NQ/TW, các chủ trương có liên quan đến phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW và các nghị quyết khác của Đảng có liên quan.

Cùng đó, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013. Luật Thủ đô cần đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, không phải là đạo luật thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành, áp dụng riêng cho Thủ đô.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi thông tin về Luật Thủ đô. Ảnh: Hồng Thái
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi thông tin về Luật Thủ đô. Ảnh: Hồng Thái

Bên cạnh đó, bám sát 9 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa tại dự thảo Luật các cơ chế, chính sách cụ thể, thực sự mang tính đặc thù vượt trội và đột phá về thể chế nhằm phát huy thế mạnh của Thủ đô.

Cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; những vấn đề cần ủy quyền lập pháp thì ủy quyền cho các chủ thể có thẩm quyền quy định theo pháp luật hiện hành, bảo đảm tính khả thi và tính đồng bộ. Đồng thời, với việc phân quyền mạnh mẽ, cần quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội và quy trình, thủ tục, cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền Thành phố.

Ngoài ra, kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô 2012; các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô. Theo sát quá trình chỉnh lý, hoàn thiện các Luật có liên quan đang được sửa đổi, bổ sung (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...) để bảo đảm những vấn đề đang đặt ra đối với Thủ đô đã được xử lý, thì không quy định lại tại dự án Luật Thủ đô; nếu chưa được xử lý hoặc nội dung chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thủ đô thì quy định tại Luật Thủ đô.

Luật Thủ đô 2024 gồm 7 chương và 54 điều

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi, Luật Thủ đô 2024 gồm 7 chương và 54 điều với những nội dung cơ bản sau đây:

Chương 1. Những quy định chung: gồm 7 điều (từ Điều 1 đến Điều 7) quy định về: Phạm vi điều chỉnh; vị trí, vai trò của Thủ đô; giải thích từ ngữ; áp dụng Luật Thủ đô; trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; biểu tượng của Thủ đô; danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô.

Quang cảnh cuộc họp báo. Ảnh: Hồng Thái
Quang cảnh cuộc họp báo. Ảnh: Hồng Thái

Chương 2. Tổ chức chính quyền đô thị: gồm 9 điều (từ Điều 8 đến Điều 16) quy định về: tổ chức chính quyền đô thị; Hội đồng nhân dân Thành phố; Ủy ban nhân dân Thành phố; Hội đồng nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố; Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố; Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường; Phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân; Tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; Thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chương 3. Xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô: gồm 17 điều (từ Điều 17 đến Điều 33) quy định về: Quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô; Biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch; Quản lý, sử dụng không gian ngầm; Cải tạo, chỉnh trang đô thị; Phát triển văn hóa, thể thao, du lịch; Phát triển giáo dục và đào tạo; Phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Phát triển các khu công nghệ cao; Thử nghiệm có kiểm soát; Phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân; Chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; Bảo vệ môi trường; Phát triển nhà ở; Phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông; Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng; Phát triển nông nghiệp, nông thôn; Biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Chương 4. Tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô: gồm 10 điều (từ Điều 34 đến Điều 43) gồm quy định về: Huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô; Sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô; Đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước; Thẩm quyền về đầu tư; Tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập; Thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Thực hiện hợp đồng xây dựng chuyển giao; Quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng; Thu hút nhà đầu tư chiến lược; Ưu đãi đầu tư.

Luật Thủ đô 2024 gồm 7 chương và 54 điều, quy định rõ vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 54 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Ảnh: Phạm Hùng
Luật Thủ đô 2024 gồm 7 chương và 54 điều, quy định rõ vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 54 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Ảnh: Phạm Hùng

Chương 5. Liên kết, phát triển vùng: gồm 04 điều (từ Điều 44 đến Điều 47) quy định về: Mục tiêu, nguyên tắc liên kết, phát triển vùng; Chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng; Nguồn vốn đầu tư chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng; Trách nhiệm của bộ, ngành và các địa phương tham gia vào chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng.

Chương 6. Giám sát, kiểm tra, thanh tra và trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô: gồm 05 điều (từ Điều 48 đến Điều 52) quy định về: Trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; Trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Trách nhiệm của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hoạt động liên kết, phát triển vùng với Thủ đô; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và Nhân dân Thủ đô.

Chương 7. Điều khoản thi hành: gồm 2 Điều (Điều 53, Điều 54) quy định về: Hiệu lực thi hành; Quy định chuyển tiếp.

Để triển khai thi hành Luật kịp thời, hiệu quả, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các hoạt động sau: (1) Xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật và tổ chức hội nghị triển khai thi hành Luật; (2) Xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, đảm bảo có hiệu lực đồng thời với Luật; (3) Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới; (4) Ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương được Luật Thủ đô giao; (5) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết Luật ở các bộ, ngành và địa phương.

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật quan trọng với nhiều điểm mới Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật quan trọng với nhiều điểm mới
Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 7 Luật mới được thông qua Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 7 Luật mới được thông qua
Hồng Thái
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động