Thứ sáu 20/12/2024 21:24

Tình yêu của cha dành cho con là bản năng, không gì so sánh được

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Thời gian gần đây, dư luận xã hội dấy lên nhiều quan điểm khác nhau về câu nói: “Con gái là người tình kiếp trước của cha”. Dù đồng tình hay không, các quan điểm này đều xuất phát từ những suy nghĩ nhân văn và hơn hết là tình cảm thiêng liêng của cha mẹ dành cho con cái.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa. Trong con mắt chuyên nghiệp của một người làm công tác tư vấn và nghiên cứu lâu năm, ông tin rằng tình cảm cha – con là bản năng, nó khác hẳn với những tình cảm khác.

Bản năng làm cha, không gì thay thế

Thưa ông, dư luận đang xôn xao câu chuyện về cách nói vui: “Con gái là người tình kiếp trước của cha”. Chúng tôi muốn làm rõ tình yêu của cha dành cho con gái sẽ khác gì so với tình yêu lứa đôi để độc giả có thể tự đưa ra nhìn nhận đúng đắn nhất về cách nói này. Vậy trước hết, xin được hỏi ông, tình yêu của cha dành cho con gái có gì đặc biệt?

Bạn đặt câu hỏi như vậy khiến tôi chợt nghĩ đến một trường hợp mà tôi từng đọc trên tờ báo của Mỹ. Con gái thường coi cha mình là thần tượng, con trai hay coi mẹ là thần tượng. Do đó, khi lớn lên, người con gái thường dễ yêu và mong muốn lấy được một người chồng có những nét giống với bố của mình. Đó không phải chuyện tiền duyên kiếp trước, mà là khoa học có thể giải thích được. Tất nhiên, phải là những ông bố tốt đẹp, có phẩm chất, đạo đức tốt, giỏi giang hoặc những đức tính nhân văn khác thì con cái nói chung và con gái nói riêng mới có thể thần tượng được.

Người ta vẫn hay nói về tình yêu sét đánh, đó không phải là do duyên kiếp trước kéo đến kiếp này mà có thể nhìn nhận dưới góc độ khoa học là chủ thể đã ấp ủ hình tượng, mơ tưởng và ước ao một người yêu như thế từ khi chưa gặp ai.

Vậy, tình yêu của cha dành cho con nói chung và con gái nói riêng thường biểu hiện như thế nào?

Tình yêu người cha dành cho người con của mình bao giờ cũng là tình cảm máu mủ, huyết thống. Cho nên, tình yêu đó là tình cảm bản năng. Tình cảm ấy không phải là giáo dục mà nên hay rèn luyện mà thành. Đến các loài vật cũng yêu con mình, muốn bảo vệ con mình. Ở con người tình yêu cha dành cho con cái là hết sức thiêng liêng, cho đi không hề toan tính điều gì.

Họ vừa nuôi dưỡng, vừa che chở, vừa bảo vệ thì đứa con mới lớn lên được. Bất cứ ai muốn xâm hại đến con mình, người cha mẹ luôn sẵn sàng dùng hết sức lực của mình để bảo vệ an toàn nhất cho con.

Có thể lấy một ví dụ cho rõ nghĩa hơn, đó là có những tình cảm phải qua giáo dục mới có như tình yêu của con dành cho cha mẹ. Khi lớn lên, trưởng thành, người con chăm sóc cho cha mẹ già yếu, đó không phải tình cảm bản năng. Đó là tình cảm trên nền tảng đạo đức, nó được giáo dục mới hình thành. Biết ơn cha mẹ nên chăm sóc để đền đáp.

Do đó, tình cảm cha và con không phải tình cảm hai chiều. Như ông bà ta thường ví “nước chảy xuôi chứ không bao giờ chảy ngược”. Bố mẹ sinh ra con, con lại sinh ra cháu, thế hệ này nuôi dưỡng thế hệ tiếp theo. Còn người con nào mà nuôi được cha mẹ mình một cách tự nguyện, tận tụy tức là người con đó có hiếu, được giáo dục. Còn nếu như trong thế giới hoang dã thì chỉ có cha mẹ nuôi con.

tinh yeu cua cha danh cho con la ban nang khong gi so sanh duoc
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng: “Con gái thường coi cha mình là thần tượng”. ẢNH: NVCC

Người tình khác người cha như thế nào?

Ông có thể phân tích rõ hơn tình yêu của người cha dành cho con gái sẽ khác như thế nào với tình yêu người cha dành cho con trai mình?

Tình yêu ở đây có vấn đề về giới tính. Người cha thường có tính cách cứng cỏi, mạnh mẽ nên thường bị hấp dẫn bởi tính cách của người con gái nũng nịu, yếu đuối, mềm mỏng, nhẹ nhàng. Hai cá tính đó hấp dẫn nhau.

Trái lại, nếu là người mẹ thường thích sự quyết đoán, mạnh mẽ của con trai. Đây cũng có thể là lý do rất khoa học để giải thích vì sao, người cha thường yêu con gái một cách đặc biệt hơn con trai, đó là vì hai tính cách hút nhau. Người cha là nam tính, con gái là nữ tính sẽ dễ “hút” nhau hơn. Hay nói một cách đơn giản, ai thiếu cái gì người ta sẽ cần cái đó. Ai thừa mạnh mẽ thì chắc chắn không bao giờ cần người mạnh mẽ.

Về vấn đề này, tôi có thể dẫn ra đây một vài ví dụ cụ thể. Người con trai đi chọn người yêu, nếu có tính cách mạnh mẽ thì chắc chắn không thích người vợ cũng mạnh mẽ như mình mà phải là người mềm yếu, dễ bảo. Trái lại, người đàn ông yếu đuối khi trông thấy các cô gái cứng cáp, chỉ huy được thì sẽ nể phục, dễ yêu mến.

Khoa học cũng chứng minh rằng, người cha hay nói chuyện được với con gái là vì con gái nói chuyện kiểu nữ tính, cha không thích nói chuyện với con trai vì nam tính giống mình, có thể hay cãi bướng. Người con trai lại hay thích nữ tính của mẹ nên có thể ngả đầu vào vai mẹ một cách tự nhiên.

Tình yêu của nam dành cho nữ, tình cảm người tình dành cho nhau sẽ khác như thế nào với tình cảm người cha dành cho con gái?

Muốn trả lời cho câu hỏi này cần đi vào bản chất của tình yêu. Tình yêu bao giờ cũng có hai yếu tố là tình cảm và tình dục. Tình cảm cha con không bao giờ có yếu tố tình dục.

Tình yêu có sức hấp dẫn về tâm hồn, tình cảm và sức hấp dẫn về thể xác. Tức là có thể hiểu tình yêu là muốn ôm, muốn hôn, muốn ngủ với nhau. Đó là sự hấp dẫn về thể xác. Nhưng trong tình cha con, tình phụ tử hoàn toàn không có yếu tố hấp dẫn về thể xác. Nếu thi thoảng có những trường hợp cha hiếp dâm con đó là kẻ khốn nạn, trong cả triệu người chỉ một vài cá biệt như vậy. Như thế là thú tính, là bệnh hoạn, không phải tính cách của con người.

Nói chung tình yêu cha dành cho con không có sức hấp dẫn về thể xác mà chỉ có sức hấp dẫn về tâm hồn, tình cảm, cá tính, mà ở đây chính là sức hấp dẫn ngược chiều, cứng cáp thích mềm mỏng và mềm mỏng lại thích cứng cáp như tôi đã phân tích ở trên.

Có một dạng hấp dẫn kiểu tương đồng tức là giống nhau. Ví dụ như mềm mỏng thích mềm mỏng như mẹ thích con gái, cha yêu con trai. Thế nhưng sức hấp dẫn tương phản giữa hai tính cách khác nhau có khi sẽ mạnh hơn là sự hấp dẫn tương đồng. Cũng vậy, vợ chồng khi lấy nhau, hai người tính dịu dàng giống nhau có thể cũng thích nhau, nhưng một người mạnh mẽ với một người yếu đuối có thể gắn bó với nhau hơn. Một người hay nói, một người hay nghe sẽ đẹp hơn, còn giả dụ hai người cùng hay nói thì có khi lại không ai chịu ai và hay nảy sinh mâu thuẫn.

Vậy, cá nhân ông có suy nghĩ như thế nào trước câu nói: “Con gái là người tình kiếp trước của cha”?

Cá nhân tôi không tin và không quan tâm đến những chuyện duy tâm. Kiếp trước – kiếp sau là câu chuyện duy tâm, còn tôi giải thích mọi tình cảm theo khoa học. Bởi vậy, tôi không có quan điểm về cách ví von này. Tôi chỉ quan tâm đến những điều khoa học có thể giải thích được như tôi đã phân tích ở trên.

Có thể nói tóm lại, tình yêu của cha dành cho con gái và tình yêu của lứa đôi, người tình dành cho nhau đều xuất phát từ tình yêu giữa con người với con người nhưng nó là hai phạm trù khác nhau. Ở mỗi thứ tình cảm ấy có những đặc biệt riêng và không thể lẫn với nhau được. Tôi nhấn mạnh, tình yêu phải có cả tình dục, còn tình cha – con là tình cảm bản năng.

Tuy nhiên, đôi khi những người đàn ông có vợ mất sớm, sống một mình thì tình cảm với người con gái không phải tình yêu lứa đôi, nhưng trường hợp người con gái đi lấy chồng thì người cha sẽ có cảm giác hụt hẫng như mất đi một người yêu. Đó là điều khoa học có thể giải thích được và đó là trường hợp cá biệt.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Nguyên - Khánh Phong / PL&XH

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động