Kỳ cuối: hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật tạo việc làm cho người khuyết tật
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgười khuyết tật được tư vấn nghề nghiệp mới tại “Hội chợ việc làm kết nối doanh nghiệp với lao động là người khuyết tật” tổ chức ngày 3/12 tại Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh |
Trao cần câu…
Tại Hội thảo quốc tế về việc làm năm 2024 với chủ đề “Nâng cao năng lực thông qua tạo việc làm cho người khiếm thị” do Hội Người mù Việt Nam phối hợp với Công ty và Trung tâm vì người mù Sao Mai tổ chức, cùng sự tham dự của các chuyên gia, doanh nghiệp các nước Indonesia, Philippines đã truyền tải thông điệp mạnh mẽ khẳng định những nỗ lực và đóng góp của người khuyết tật trong đời sống lao động, việc làm.
Trao đổi chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật, bà Nguyễn Thị Quyên - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, thị trường lao động, việc làm dành cho người khuyết tật ngày càng đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, số lượng người khuyết tật tiếp cận việc làm bền vững vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Số liệu từ Tổng cục Thống kê năm 2023, số lao động là người khuyết tật có việc làm còn thấp, chiếm 23,5% tổng số lao động là người khuyết tật.
Hiện nay, các chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc chưa thực sự hiệu quả. Hầu hết doanh nghiệp lo ngại việc phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với người khuyết tật sẽ làm tăng chi phí trong khi năng suất và hiệu quả làm việc không cao do hạn chế về sức khỏe. Ngoài ra, nhận thức của xã hội đối với người khuyết tật chưa cao, khiến bản thân người khuyết tật còn tâm lý mặc cảm, tự ti trong việc chủ động tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp phù hợp.
Tại hội thảo, bà Đinh Việt Anh – Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam thông tin về các chương trình hỗ trợ và phát triển việc làm cho người khiếm thị, mở rộng đào tạo các nghề nghiệp có tính hòa nhập cao, phù hợp với xu thế 4.0.
Bà Đinh Việt Anh cho biết: “Hội Người mù Việt Nam có gần 74.000 hội viên, trong quá trình hoạt động, Hội Người mù Việt Nam luôn xác định hỗ trợ hội viên tạo việc làm và có thu nhập ổn định là một nhiệm vụ trọng tâm. Những năm qua, bên cạnh việc phát triển các nghề truyền thống như xoa bóp, sản xuất thủ công mỹ nghệ, làm nông nghiệp, Hội Người mù Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước triển khai các chương trình, dự án nhằm mở rộng cơ hội việc làm cho người khiếm thị trong các lĩnh vực mang tính hòa nhập cao hơn.
Tạo cơ hội việc làm cho người khiếm thị, Hội Người mù Việt Nam đã tổ chức khóa đào tạo thương mại điện tử (bán hàng trực tuyến); dán nhãn dữ liệu; nghề pha chế đồ uống; kỹ thuật xoa bóp nâng cao cho người khiếm thị.
Đặc biệt, năm 2023, Hội Người mù Việt Nam thí điểm khóa đào tạo nghề pha chế đồ uống dành cho người khiếm thị. Năm 2024, Hội Người mù Việt Nam triển khai dự án “Đào tạo nghề pha chế đồ uống và tạo việc làm cho người khiếm thị tại Việt Nam” với sự hỗ trợ từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Siloam International.
Dự án đặt mục tiêu đào tạo 36 người khiếm thị và mở 3 quán cà phê từ năm 2024 đến năm 2026. Vừa qua, Trung tâm Đào tạo Cán bộ quản lý và Phục hồi chức năng đã vận hành quán cà phê đầu tiên cho người khiếm thị và chúng tôi đang tích cực kết nối học viên tốt nghiệp để quán cà phê, trao cơ hội việc làm cho cộng đồng người khiếm thị.
Theo bà Đinh Việt Anh, bên cạnh đào tạo nghề, Hội Người mù Việt Nam nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ về nguồn vốn vay nhằm giúp hội viên phát triển kinh tế. Chính sách hiện tại cho phép cá nhân vay từ 30–40 triệu đồng (khoảng 1.200 –1.600 USD), cá nhân khởi nghiệp có thể vay lên đến 100 triệu đồng (khoảng 4.000 USD), và các cơ sở kinh doanh lên đến 500 triệu đồng (khoảng 20.000 USD), với mức tối đa 50 triệu đồng (khoảng 2.000 USD) cho mỗi lao động. Nhiều hội viên đã khởi nghiệp thành công, mua nhà và tài sản giá trị, đồng thời tạo việc làm cho cả người khuyết tật và không khuyết tật.
Bà Nguyễn Thị Quyên - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tại Hội thảo quốc tế về việc làm năm 2024 với chủ đề “Nâng cao năng lực thông qua tạo việc làm cho người khiếm thị” tổ chức ngày 3-4/12. Ảnh: Mộc Miên |
Hoàn thiện chính sách, pháp luật về lao động cho người khuyết tật
Hiện nay, Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 – 2030, điều chỉnh chính sách trợ giúp xã hội, Nhà nước đã tăng mức hỗ trợ cho người khuyết tật từ 300.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, điều mà người khuyết tật cần hơn là sinh kế ổn định.
Theo bà Nguyễn Thị Quyên, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật (năm 2014), đồng thời, ngày 25/3/2019, Việt Nam chính thức gia nhập Công ước số 159 về Tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật. Nhằm đẩy mạnh hỗ trợ giải quyết việc làm cho người khuyết tật, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, hướng đến mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội, Việt Nam đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp.
Đó là sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật theo hướng phù hợp với Công ước 159. Hiện nay, Việt Nam đang sửa đổi Luật Việc làm 2013 (dự kiến sẽ thông qua vào tháng 6/2025). Trong đó, tập trung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động theo hướng tạo cơ hội cho tất cả lao động, không phân biệt đối tượng, được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách tư vấn, giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động, tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm, phát triển kỹ năng nghề...
Dự thảo Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ cho lao động là người khuyết tật: ưu tiên được hưởng lãi suất thấp hơn khi vay vốn hỗ trợ duy trì, mở rộng việc làm qua Ngân hàng Chính sách xã hội; ưu tiên tham gia chính sách việc làm công; được Nhà nước hỗ trợ tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, hỗ trợ tham gia thị trường lao động thông qua các hoạt động giao dịch việc làm; quy định về giao dịch việc làm trên môi trường điện tử, tạo thuận lợi cho lao động là người khuyết tật; hỗ trợ đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động là người khuyết tật.
Đồng thời, dự thảo Luật cũng sửa đổi cách tiếp cận trong thiết kế chính sách hỗ trợ người khuyết tật thông qua việc bổ sung quy định ưu tiên trong tiếp cận vốn vay giải quyết việc làm đối với: “Người lao động trong hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng; người lao động nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng”.
Hiện nay, Việt Nam đã và đang triển khai việc xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động (trong đó có thông tin về tình trạng khuyết tật) gắn kết với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, góp phần hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia tổng hợp, phát triển Chính phủ số, kinh tế số.
Trước thời đại công nghệ số 4.0, thị trường lao động càng đòi hỏi kỹ năng và tính hòa nhập, vì vậy bên cạnh việc hoàn thiện chính sách, pháp luật cho người khuyết tật, cá nhân người khuyết tật tăng cường tính chủ động trong học nghề, tìm kiếm việc làm, để đáp ứng ứng tiêu chí việc làm ngày càng cao tại thị trường lao động, việc làm hiện nay.
Kỳ 1: Người khiếm thị thử sức với nghề pha chế đồ uống | |
Kỳ 2: Thích ứng với công nghệ, trở thành nhà sáng tạo nội dung | |
Kỳ 3: mô hình tiệm giặt là đầu tiên cho người điếc |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại