Kỳ 3: mô hình tiệm giặt là đầu tiên cho người điếc
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChị Lương Thị Kiều Thúy (ngoài cùng bên trái) và các nhân viên tại “Tiệm giặt là của người Điếc”. Ảnh: NVCC |
Từ ý tưởng sáng tạo
Khởi nghiệp từ thời điểm thất nghiệp lại chịu ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19, không thị trường, không đồng vốn là chia sẻ của chị Lương Thị Kiều Thúy về những ngày đầu khó khăn khi thực hiện dự án “Tiệm giặt là của người Điếc” – mô hình việc làm đầu tiên cho người điếc, người khiếm thính tại Việt Nam.
Vốn bị khiếm thính do di truyền từ người mẹ, đến năm 10 tuổi chị Lương Thị Kiều Thúy (SN 1991, quê Nam Định) phát hiện giảm thính lực và mất khả năng nghe hoàn toàn. Đến năm 15 tuổi bắt đầu máy trợ thính để hỗ trợ học hành. Là người đồng tật chị Lương Thị Kiều Thúy thấu hiểu những khó khăn của người điếc/khiếm thị, ý tưởng mô hình “Giặt là Sáng - Tiệm giặt là của người Điếc” ra đời khi triển khai dự án “Nghiên cứu về tình trạng việc làm của người điếc tại Hà Nội”. Cùng với việc tham gia hoạt động tại “Sáng” – Tổ chức thanh niên hoạt động vì quyền của người điếc/khiếm thính tại Hà Nội, cái tên “Giặt là Sáng” ra đời đơn giản như thế.
Năm 2020, ý tưởng kinh doanh “Giặt là Sáng” vinh dự nhận giải thưởng “Cánh én vàng” cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức và giải “Best performance” trong chương trình “Ươm tạo khởi nghiệp tạo tác động xã hội” (Youth co:lab) do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức. Tháng 12/2020, may mắn mỉm cười với “Sáng” khi liên doanh cùng chuỗi nhượng quyền “Giặt Ký” đầu tư với số vốn 101 triệu đồng cho ra đời “Tiệm giặt là của người Điếc” đầu tiên tại địa chỉ ven bờ sông Sét, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.
Dưới thương hiệu “Giặt Ký +” là chuỗi cơ sở kinh doanh giặt là tại Hà Nội, tiệm sử dụng hoàn toàn nhân sự là những người điếc, khiếm thính. Quy trình giao tiếp với khách hàng được thiết kế riêng, lợi nhuận sẽ được sử dụng hoàn toàn cho các lớp học kỹ năng sống cho người điếc, hỗ trợ người điếc hòa nhập xã hội.
Chia sẻ về lý do lựa chọn mô hình giặt là để người khuyết tật học nghề, chị Lương Thị Kiều Thúy cho biết, bản thân là người khiếm thính nên có những đặc điểm rất tỉ mỉ trong việc quan sát. Vì vậy đó là lý do mà tôi tin rằng người điếc/khiếm thính có thể làm tốt được nghề giặt là, chỉ cần hỗ trợ trong giao tiếp với khách hàng.
Năm 2020, nhiều lần cơ sở phải đóng băng dịch vụ, bởi lượng khách hàng ít ỏi, thậm chí có ngày cơ sở giặt là không có doanh thu. Trước thực trạng khó khăn, chị Lương Thị Kiều Thúy và nhân viên đã đồng thuận “giảm lương” để duy trì tiệm giặt, chắt chiu từng chi phí để tồn tại.
Trải nghiệm là áo tại “Tiệm giặt là cho người Điếc”. Ảnh: NVCC |
Mang đến giá trị việc làm bền vững
Theo chị Lương Thị Kiều Thúy, nghề giặt là được coi một nghề có rủi ro cao, đôi khi không phải rủi ro từ con người mà do máy móc, nguyên vật liệu, phương pháp, các yếu tố khác... Để nắm chắc nghề này rất cần nhiều kinh nghiệm và hiểu biết đa chiều về nghề để giảm thiểu bất cập. Thấu hiểu khó khăn đó, chị Lương Thị Kiều Thúy đã thực hiện “đi tắt đón đầu”, lồng ghép chương trình dạy phỏng đoán các rủi ro có thể xảy ra cho các bạn trong quá trình đào tạo.
“Ban đầu, các bạn làm rất run tay nhưng khi đã có hiệu quả rồi thì cũng không sợ gì nữa. Khi không thể giải thích với khách hàng do ngôn ngữ khác biệt thì tôi có lưu lại những mẫu câu để các bạn sử dụng. Còn nếu các bạn gặp tình huống khó hơn thì tôi sẽ hỗ trợ các bạn” - chị Lương Thị Kiều Thúy chia sẻ.
Sau 4 năm, từ ý tưởng kinh doanh “Giặt là Sáng”, Lương Thị Kiều Thúy đã xây dựng thành công mô hình “Giặt là Sáng - Tiệm giặt là của người Điếc” tại 2 cơ sở Hà Nội ở quận Hoàng Mai và quận Thanh Xuân và 3 cơ sở tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Biên Hòa. Từ 3 bạn người điếc, khiếm thính ban đầu đến nay có khoảng 20 người điếc, khiếm thính và phục vụ hơn 10.000 khách hàng. Để đạt được những con số biết nói trên từ chính sự tin tưởng khách hàng và nỗ lực của các “nhân viên đặc biệt” trong việc xây dựng môi trường làm việc tiếp cận.
Các bạn khiếm thính dùng ngôn ngữ ký hiệu trao đổi tiếp nhận đơn hàng của khách hàng. Ảnh: NVCC |
“Tiệm giặt là của người Điếc” được đánh giá là mô hình việc làm đầu tiên cho người khiếm thính tại Việt Nam, chị Lương Thị Kiều Thúy cho biết, sẽ đặt mục tiêu xây dựng mô hình chuẩn để nhượng quyền, mở ra nhiều chi nhánh để tạo công ăn việc làm cho cộng đồng người điếc khắp Việt Nam. Cơ hội những nghề mới cho người điếc không phải ít. Song cần có những người tâm huyết và có những hỗ trợ từ chính quyền, cộng đồng xã hội xây dựng mô hình việc làm ý nghĩa, tạo giá trị việc làm bền vững dành cho cộng đồng người điếc/khiếm thính.
Trên hành trình tìm lại thương hiệu “Giặt là Sáng - Tiệm giặt là của người Điếc”, chị Lương Thị Kiều Thúy may mắn nhận được tài trợ từ Giải chạy Pháp ngữ, thông qua tổ chức NICE Program. Cùng với sự nỗ lực, kiên trì của bản thân khi mỗi ngày dành 12 tiếng để làm việc, vừa tổ chức đào tạo nghề, vừa tổ chức dạy kỹ năng cho nhân viên, vừa phải tìm hướng đi phát triển cho tiệm, tìm kiếm và chăm sóc khách hàng,... Những “đơn hàng” bắt đầu “nổ đơn” đã mang lại tinh thần mới cho “Giặt là Sáng – Tiệm giặt là của người Điếc”. |
(Còn nữa)
Kỳ 1: Người khiếm thị thử sức với nghề pha chế đồ uống | |
Kỳ 2: Thích ứng với công nghệ, trở thành nhà sáng tạo nội dung |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại