Thứ năm 12/12/2024 07:35

Tình trạng lộ, lọt dữ liệu, xâm phạm quyền riêng tư ngày càng gia tăng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thảo luận về dự án Luật Dữ liệu, đại biểu cho rằng, hiện nay tình trạng lộ, lọt dữ liệu, xâm phạm quyền riêng tư ngày càng gia tăng, đòi hỏi phải có những quy định cụ thể về bảo mật và bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng.
Tình trạng lộ, lọt dữ liệu, xâm phạm quyền riêng tư ngày càng gia tăng
Đại biểu Đào Chí Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ. Ảnh: Quốc hội

Lộ, lọt dữ liệu, xâm phạm quyền riêng tư

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 8/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dữ liệu.

Góp ý tại hội trường, đại biểu Đào Chí Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Cần Thơ cho rằng, hiện nay tình trạng lộ, lọt dữ liệu, xâm phạm quyền riêng tư ngày càng gia tăng, đòi hỏi phải có những quy định cụ thể về bảo mật và bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng.

Chính vì vậy theo đại biểu, dự thảo luật lần này cần quy định rõ về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải áp dụng các biện pháp bảo mật như mã hóa, xác thực 2 yếu tố, bảo vệ bức tường lửa, việc sử dụng công nghệ Blockchain, công nghệ chuỗi khối hay hiểu đơn giản là công nghệ giúp mã hóa tất cả các dữ liệu thành phần, đồng thời kết nối chúng lại thành một chuỗi dài và bảo đảm thông tin dữ liệu.

Mặt khác, cần phải có chế tài nghiêm khắc để xử lý các vi phạm liên quan đến công tác bảo mật dữ liệu, theo đó các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu dữ liệu cá nhân bị rò rỉ hoặc bị đánh cắp do sơ suất trong quá trình bảo mật.

Về việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, theo đại biểu, hiện nay việc mua bán dữ liệu nói chung và việc chuyển giao dữ liệu giữa tổ chức, cá nhân ngày càng phổ biến, không chỉ mang tính chất đơn lẻ mà hiện nay đã thể hiện rõ tính chuyên nghiệp, thường xuyên và đã trở thành các dịch vụ kinh doanh, bao gồm các dữ liệu thô, dữ liệu cá nhân đã qua xử lý, dữ liệu phi cá nhân, trong đó có cả hoạt động chuyển dữ liệu ra nước ngoài cho các tổ chức, cá nhân.

Hoạt động này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội, nhất là các dữ liệu lõi, dữ liệu quan trọng của quốc gia. Nhiều nước trên thế giới cũng đã có quy định về hạn chế và kiểm soát việc chuyển giao các dữ liệu này ra nước ngoài để bảo đảm an ninh tài nguyên dữ liệu, như Trung Quốc, Nga, Mỹ…

Như vậy, theo dự thảo Luật Dữ liệu đã có quy định rõ ràng yêu cầu cũng như điều kiện và thủ tục chuyển dữ liệu ra nước ngoài cho tổ chức, cá nhân nước ngoài đối với dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng, đồng thời việc này cũng đã giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Tình trạng lộ, lọt dữ liệu, xâm phạm quyền riêng tư ngày càng gia tăng
Đại biểu Trình Lam Sinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang. Ảnh: Quốc hội

Các loại tội phạm tìm mọi cách để thực hiện các hành vi vi phạm

Cũng góp ý đến nội dung liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Trình Lam Sinh, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng, dữ liệu rất quan trọng nên các loại tội phạm đều tìm mọi cách có được để thực hiện các hành vi gây nguy hiểm cho cá nhân, tổ chức và kể cả quốc gia.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát thật kỹ, nghiên cứu và bổ sung thêm, nhất là những hành vi có thể phát sinh trong tương lai, bởi vì hiện nay tội phạm cũng đang phát triển để thích nghi nhằm đạt được mục đích là phạm tội, rõ nhất là trong thời gian vừa qua thì tội phạm lừa đảo phát triển rất đa dạng và tinh vi.

Đại biểu lấy ví dụ, bản thân đại biểu trong thời gian vừa qua cũng nhiều lần bị lừa đảo. Không hiểu vì sao họ lại có đầy đủ những thông tin cá nhân, số điện thoại, công việc, chức vụ của mình để đe dọa rất nhiều lần, kể cả việc đại biểu thanh toán tiền điện, tiền nước qua App cho gia đình bố mẹ của đại biểu họ cũng biết, gọi ra để đe dọa. Đó là vấn đề có thể dữ liệu đã bị lọt ra ngoài.

Theo đại biểu, quy định "các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật" còn chung chung. Do đó, đại biểu đề xuất cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết điều này. “Nếu làm như vậy thì chúng ta sẽ rất kịp thời cập nhật các thủ đoạn phạm tội mới phát sinh và sẽ có những chế tài phù hợp” – theo đại biểu.

Còn theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo phải bổ sung quy định rõ các hành vi khác như tấn công mạng, phá hoại cơ sở hạ tầng dữ liệu hoặc làm gián đoạn hệ thống phục vụ xử lý dữ liệu vào dự thảo luật.

Đồng thời, Ban soạn thảo phải làm rõ khái niệm sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu để phù hợp với thực tiễn, trong đó bao gồm cả việc áp dụng các công nghệ mới như AI và công nghệ chuỗi khối.

Đề xuất đưa nhóm lao động phi chính thức vào nhóm đối tượng ưu tiên về chính sách Đề xuất đưa nhóm lao động phi chính thức vào nhóm đối tượng ưu tiên về chính sách
Đại biểu đề nghị phân bổ vốn từ ngân sách đầu tư cho các cơ sở y tế và giáo dục Đại biểu đề nghị phân bổ vốn từ ngân sách đầu tư cho các cơ sở y tế và giáo dục
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động