Ảnh
Tình làng nghĩa xóm từ lễ xin đỏ đầu năm tại Hà Nội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhiều năm nay, người dân làng An Định (Yên Nghĩa, Hà Nội) vẫn duy trì tục xin đỏ (xin lửa) đầu năm như một nét đẹp văn hoá về tình làng nghĩa xóm.
|
Tối 1/2/2023 (11 tháng Giêng, Âm lịch), người dân làng An Định (xã Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội) lại tổ chức lễ hội "Xin đỏ" đầu năm. |
|
Đây là một nét đẹp văn hoá của người dân làng An Định từ hàng trăm năm nay, mang ý nghĩa cầu chúc một năm mới may mắn, sức khoẻ và học hành đỗ đạt cho con cháu. |
|
Theo cụ ông Nguyễn Bá Toàn (Cụ đám làng An Định): "Không ai biết tục lệ này có từ bao giờ nhưng chúng tôi vẫn duy trì cho đến nay như một nét đẹp về văn hoá đầu năm mới. Theo đó, lễ xin đỏ được tổ chức vào tối 11 tháng Giêng âm lịch, tức là vào đêm giã đám của hội làng. Lúc này, người dân sẽ đem hương vào lễ thánh, toàn bộ vàng mã do người dân dâng lễ thánh sẽ được đem ra hoá và người dân mang theo đồ để xin lửa từ lửa hoá vàng để mang về ban thờ nhà mình". |
|
Bà Nguyễn Thị Hưởng (An Định, Yên Nghĩa) cho biết: "Năm nào tôi cũng ra xin lửa từ đây để về nhà. Chúng tôi quan niệm xin được lửa từ Đình về thì năm đó sẽ có may mắn. Người dân xin lửa cũng rất văn minh, không chen lấn xô đẩy mà chia lửa cho nhau. Làm như thế thì vía may không mất đi mà là chia sẻ cho nhau nhiều hơn". |
|
Đúng 21h đêm 11 tháng Giêng, toàn bộ vàng mã do người dân cúng lễ từ ngày mùng 6 khai hội được đưa ra trước sân Đình. |
|
Ngọn đuốc được lấy từ trong Đình làng đưa ra để hoá toàn bộ vàng mã tạo thành đám lửa lớn cho người dân cùng lấy đưa về nhà. |
|
"Người dân cầm theo vật dụng để lấy lửa như hương vàng. Người lấy được lửa cứ thể mà im lặng đi về nhà, gặp người khác thì có thể chia sẻ lửa với nhau mà không nói câu gì, coi như Thánh đã chứng giám. Đến nay, dù đã qua nhiều thời kì nhưng người dân vẫn duy trì như một nét đẹp đầu năm, không hề mang tính mê tín dị đoan" - ông Nguyễn Bá Toàn chia sẻ. |
|
Toàn bộ vàng mã được hoá, người dân mang theo hương để xin lửa mang về nhà. |
|
Ở làng An Định, người dân cùng nhau lấy lửa, chia sẻ may mắn đầu năm trong những nụ cười tươi. |
|
Nét khác biệt của “lấy đỏ” ở đây là ai cũng muốn xin lộc nhưng không hề có chuyện tranh giành như ở nhiều lễ hội khác. Mọi người thường vun lửa cho nhau, người ở trong sẽ đưa lửa cho người ở ngoài để thể hiện tình làng nghĩa xóm. |
|
Dân làng quan niệm, ai mang lửa về nhà mình nhanh nhất sẽ được may mắn nhiều, đỏ nhiều. |
|
Anh Nguyễn Quốc Chính (An Định, Yên Nghĩa) cho biết: "Hàng năm, cứ vào ngày này là tôi lại ra xin lửa để về cắm trên bàn thờ gia tiên cầu xin một năm mới cho gia đình đều bình an, may mắn và có sức khoẻ. Người dân ở đây không chen lấn mà ngược lại, chia sẻ lửa cho nhau khi xin được từ lửa Đình ra". |
|
Theo quan niệm xưa, lễ hội này không chỉ mang lại may mắn cho mọi người mà cả năm gia đình đó sẽ thuận buồm xuôi gió. |
|
Do lửa lớn, nhiều người phải che chắn mặt để xin đỏ từ đám lửa lớn trước cửa Đình. |
|
Dân làng quan niệm, ai mang lửa về nhà mình nhanh nhất sẽ được may mắn nhiều, đỏ nhiều. Vì thế, mọi người đều cố gắng lấy bó hương to, giữ ngọn lửa lớn trên đường về, tránh để bị dập tắt. |
|
Từng bó hương cháy rực sau khi xin lửa từ đám lửa trước cửa Đình. |
|
Việc xin đỏ không quy định về người lấy lửa. Trong gia đình, ai cũng có thể là người tới để xin đỏ về nhà. Vì thế, nhiều bạn trẻ đã tới từ sớm để xin lửa về nhà. |
|
Bà Nguyễn Thị Yên (tổ 5, làng An Định, Yên Nghĩa) chia sẻ: "Tôi ở cuối làng nhưng năm nào cũng ra đây để xin lửa để cầu một năm mới may mắn, nhiều sức khoẻ, con cháu học hành đỗ đạt". |
Khánh Huy