Chủ nhật 20/10/2024 10:00

Tính đến giữa tháng 10, xuất nhập khẩu đã vượt 610 tỷ USD

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan vừa công bố, tính đến ngày 15/10/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 610,56 tỷ USD, cán cân xuất siêu 21,24 tỷ USD.
Tính đến giữa tháng 10, xuất nhập khẩu đã vượt 610 tỷ USD
Bộ Công Thương cho rằng, từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường lớn như Mỹ và EU tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu. (Ảnh: Bộ Công Thương)

Cụ thể, trong kỳ 1 tháng 10/2024 (1-15/10), hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục có nhiều khởi sắc khi duy trì kim ngạch ở quy mô lớn.

Tổng kim ngạch xuất khẩu kỳ 1 đạt 16,15 tỷ USD, trong đó, 4 nhóm hàng đạt kim ngạch tỷ USD gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, dụng cụ, phụ tùng; dệt may. Ngoài ra, nhiều nhóm hàng đạt hàng trăm triệu USD như giày dép; thủy sản; rau quả; phương tiện vận tải và phụ tùng; sắt thép…

Chiều ngược lại, nhập khẩu trong nửa đầu tháng 10 đạt 15,78 tỷ USD. Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, dụng cụ, phụ tùng là hai nhóm hàng đạt kim ngạch tỷ đô trong nửa đầu tháng 10.

Cũng tính từ đầu năm đến 15/10, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 315,9 tỷ USD. Lũy kế hết 15/10, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 294,66 tỷ USD.

Như vậy, tính đến 15/10, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 610,56 tỷ USD. Cán cân thương mại thặng dư 21,24 tỷ USD.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, cùng với quá trình hội nhập sâu rộng, các doanh nghiệp Việt Nam đang khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới, từ đó đưa kim ngạch xuất khẩu nhập khẩu của nước ta liên tục tăng trưởng.

Từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường lớn như Mỹ và EU tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng, và dệt may khi các nhà bán lẻ toàn cầu tăng cường dự trữ hàng hóa cho các dịp lễ lớn.

Ngoài ra, xuất khẩu dệt may của nước ta sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn khi các đơn hàng xuất khẩu được dịch chuyển từ Bangladesh. Thị trường các FTA tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư…

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, diễn biến địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro, bất định, đặc biệt là căng thẳng địa chính trị và xung đột vũ trang ở châu Âu và Trung Đông.

Mặt khác, các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, an toàn cho người tiêu dùng tạo nên những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị rường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài. Các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu…

Tháng 7, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 70 tỷ USD
Sau hơn 8 tháng, xuất nhập khẩu đạt trên 470 tỷ USD
Tính đến ngày 15/9, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 540,72 tỷ USD
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động