Tiếp tục khám phá 7 Công ty đòi nợ thuê cho các Ngân hàng bằng hình thức đe dọa con nợ và người thân
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Các đối tượng có liên quan đến vụ án. |
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về việc rà soát các băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động dưới hình thức công ty mua bán nợ, đòi nợ thuê, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Công an TP Hà Nội đã phát hiện băng nhóm tội phạm có tộ chức, hoạt động với vỏ bọc là Công ty mua bán nợ, đòi nợ thuê với quy mô rất lớn, có sự tham gia của nhiều đối tượng hoạt động theo băng nhóm với phương thức, thủ đoạn tinh vi; có sự câu kết chặt chẽ, phân công chức năng nhiệm vụ cho từng bộ phận và thuê địa điểm chính tại TP Hồ Chí Minh để tổ chức hoạt động.
Giám đốc Công an TP Hà Nội đã giao Phòng Cảnh sát hình sự xác lập chuyên án, tập trung lực lượng áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, triệt phá.
Ngày 20/2, Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội phối hợp với Phòng Trọng án - Cục Cảnh sát hình sự và các lực lượng nghiệp vụ của Công an TP Hồ Chí Minh thi hành lệnh khám xét khẩn cấp tại các công ty trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; đồng thời triệu tập hơn 100 đối tượng đến trụ sở Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an khu vực phía Nam để đấu tranh.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, các đối tượng đã thành lập 7 công ty gồm Công ty cổ phần đầu tư Omnia (trước đây tên Công ty TNHH thu hồi nợ CR); Công ty Luật TNHH Kiên Cường; Công ty TNHH Mua Bán Nợ DSP; Công ty cổ phần DV tài chính Thời Đại; Công ty cổ phần dịch vụ tài chính Kiên Long; Công ty cổ phần dịch vụ Bắc Á; Công ty cổ phần dịch vụ tài chính Nam Á (đều có trụ sở tại phường 15, quận 11, TP Hồ Chí Minh); thuê hơn 100 đối tượng, chia thành nhiều bộ phận để thực hiện công việc thu nợ cho các công ty có nhu cầu.
Theo đó, bộ phận lãnh đạo công ty gồm các đối tượng Trần Hồng Tiến (SN 1974, trú tại quận 1, TP Hồ Chí Minh) là giám đốc điều hành, quyết định mọi vấn đề của công ty.
Bộ phận nhân sự do Nguyễn Thị Ái Vân (SN 1985, trú tại tỉnh Tiền Giang) - Trưởng phòng, quản lý nhân viên; Huỳnh Thị Phượng (SN 1994, trú tại tỉnh Bình Thuận) - có nhiệm vụ phỏng vấn, nhận hồ sơ của nhân viên xin việc, lập bảng chấm công, làm các giấy tờ gửi xe, thẻ ngân hàng... cho các nhân viên công ty.
Bộ phận kế toán do Võ Thị Cẩm Vân (SN 1984) - làm Kế toán trưởng, quản lý 1 nhân viên kế toán có nhiệm vụ là tính tiền lương cho nhân viên và nhận, tổng hợp biên lai khách hàng trả tiền trực tiếp tại văn phòng do nhân viên công ty chuyển đến.
Ngoài ra, Cẩm Vân còn ký thông báo về kết thúc khoản vay sau khi khách hàng trả tiền (Vân ký thay cho Trần Hồng Tiến). Bộ phận vận hành Accout (phụ trách dữ liệu “data” thông tin khách hàng) do Nguyễn Thị Kim Trâm (SN 1975) - làm Trưởng bộ phận, quản lý 1 nhân viên có nhiệm vụ quản lý, chia dữ liệu “data” vào các tài khoản của nhân viên đòi nợ, đồng thời in các hồ sơ, tài liệu của khách hàng cho nhân viên khi có khách hàng trực tiếp đến văn phòng thanh toán khoản tiền nợ.
Bộ phận kỹ thuật (IT) do Phạm Văn Sơn (SN 1987) - làm Trưởng phòng. Bộ phận thu hồi nợ do Nguyễn Đức Khoa (SN 1992) - làm Phó phòng, quản lý hơn 100 nhân viên, trong đó 11 đối tượng là tổ trưởng và 92 nhân viên. Nhiệm vụ của nhóm này là gọi điện thoại theo thông tin “data” khách hàng được cung cấp trong mỗi tài khoản để đòi tiền khách trả tiền nợ.
Mỗi tháng công ty sẽ cấp cho nhân viên truy thu khoảng 500 hợp đồng (thông tin khách hàng) để đòi khoản nợ khách vay. Hai đối tượng Tiến và Khoa giao cho mỗi nhóm phải đòi nợ được số tiền là 300 triệu đồng, nếu 2 tháng liên tiếp không đòi được đủ số tiền trên thì sẽ bị đuổi việc nên các đối tượng là trưởng nhóm luôn đôn đốc nhân viên tích cực đòi nợ để đạt được doanh số.
Cục Cảnh sát hình sự cho biết, Công ty TNHH Mua Bán Nợ DSP mua các khoản nợ mà khách hàng đã vay của Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam (địa chỉ ở quận 1, TP Hồ Chí Minh) và một số tổ chức tín dụng khác nhưng không có khả năng trả với giá bằng 12 - 15% giá trị của tổng số tiền khách nợ. Sau khi có các thông tin khách hàng và các thông tin khoản nợ từ Công ty Mirae Asset Việt Nam, bộ phận vận hành (Accout) sẽ cập nhật các thông tin khoản vay của khách hàng vào hệ thống riêng của công ty.
Tiếp theo, sẽ phân chia vào từng tài khoản của nhân viên bộ phận truy thu để họ trực tiếp đòi nợ bằng cách gọi điện thoại yêu cầu khách hàng hoặc gọi điện để gây sức ép đến khách hàng thông qua người thân, đồng nghiệp khách hàng, với thủ đoạn như sử dụng nhiều số điện thoại khác nhau liên tục gọi điện, nhắn tin chửi bới, đe dọa người thân, đồng nghiệp của khách, mặc dù họ không liên quan gì đến khoản vay của khách hàng, mục đích để tạo sức ép cho những người liên quan đến cuộc sống, công việc buộc khách hàng phải trả nợ khoản vay.
Đáng chú ý, các đối tượng còn cắt ghép hình ảnh khách hàng, người thân khách hàng vào các hình ảnh đồi trụy, các thông tin không đúng sự thật. Sau đó tạo lập, dùng các “tài khoản ảo” đăng tải, bình luận lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, tạo sức ép buộc khách hàng phải trả tiền.
Trong trường hợp khách đồng ý trả tiền thì có thể trả tiền trực tiếp tại văn phòng hoặc chuyển khoản vào các tài khoản của công ty. Lúc đó, nhân viên truy thu sẽ gửi thông tin báo lại cho bộ phận kế toán để họ cập nhật vào dữ liệu truy thu của từng cá nhân, từng nhóm. Khi khách hàng trả nợ xong thì công ty sẽ ký thông báo kết thúc khoản nợ gửi cho khách hàng.
Quá trình đấu tranh, cơ quan Công an thu giữ gần 600 triệu đồng; 101 cây máy tính; 6 máy tính xách tay; 216 điện thoại và nhiều thùng tài liệu liên quan. Kết quả kiểm tra, trích xuất dữ liệu từ hệ thống quản trị của các công ty cho thấy, từ ngày 2/7/2018 đến hết năm 2022, các công ty trên đã thu mua 335.607 hợp đồng vay tiền của khách có tổng dư nợ hàng nghìn tỷ đồng, trong đó các đối tượng đã đòi được trên 500 tỷ đồng.
Đến nay, Cơ quan điều tra - Công an TP Hà Nội đã khởi tố, tạm giam 31 đối tượng về hành vi cưỡng đoạt tài sản, tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại