Thứ bảy 23/11/2024 08:39

"Tiến sĩ dạy làm giàu": Nếu không bị bắt, tôi có thể khiến dự án đầu tư sinh lời tỉ USD

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 20/4, sau một ngày công bố cáo trạng, Toà án nhân dân (TAND) TP Hà Nội bắt đầu xét hỏi bị cáo Phạm Thanh Hải (SN 1966), cựu Chủ tịch Công ty CP thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế (IDT), hay còn được gọi với tên "tiến sĩ dạy làm giàu", với cáo buộc về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Nếu không bị bắt, bị cáo có thể khiến dự án đầu tư sinh lời tỉ USD
Ông Phạm Thanh Hải nghe Hội đồng xét xử chất vấn.

"Tiến sĩ dạy làm giàu" chưa bao giờ nhận mình giỏi

Ông Phạm Thanh Hải, hay còn được biết đến cái tên là "tiến sĩ dạy làm giàu" bị cáo buộc mở lớp dạy làm giàu để dụ 2.574 người góp vốn với cam kết trả lãi suất lên đến 50%/năm, sau đó chiếm đoạt 576 tỉ đồng.

Hội đồng xét xử triệu tập đến gần 600 bị hại và người liên quan, tuy nhiên trong phần thủ tục thư ký thông báo chỉ 85 người có mặt, 87 người có đơn xin xét xử vắng mặt, còn lại vắng mặt không lý do.

Tại phiên toà, ông Hải cho rằng cáo buộc chưa chính xác. Ông là "nhà khoa học làm kinh tế" nên có thể có sai sót, nhưng không bao giờ lừa đảo.

Ông cho biết đã thực hiện đúng nghĩa vụ với hàng nghìn nhà đầu tư khắp cả nước. "Thực tế tôi thu của họ 2.700 tỷ đồng nhưng đã chi trả tới hơn 2.900 tỷ đồng, tức tự bỏ thêm gần 300 tỷ đồng tiền túi ra trả", bị cáo phân trần.

Theo ông Hải, công ty của ông hoạt động "rất hiệu quả, tươi sáng" bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu". "Dù kết luận điều tra cho rằng không hiệu quả, nhưng bị cáo thấy hiệu quả", ông Hải lập luận.

Giải thích về việc luôn quảng bá giỏi đầu tư, kinh doanh để tạo niềm tin với những người gửi tiền, bị cáo Hải cho rằng đây "chỉ là cách nói của mọi người với nhau chứ bị cáo chưa bao giờ nhận mình giỏi".

Ông Hải khai mình chỉ nhận là tiến sĩ vật lý, du học Liên Xô và muốn chia sẻ tư duy cách thức làm giàu. Bị cáo phủ nhận việc đã "kêu gọi vốn", khai chỉ chia sẻ kiến thức kinh doanh và kể về các dự án lớn đang đầu tư. "Họ thấy hay, bày tỏ nguyện vọng muốn tham gia góp vốn. Tôi nói nếu muốn thì góp, chứ không kêu gọi", bị cáo khai.

8 dự án được quảng bá "sinh lãi triệu đô" đều bị viện kiểm sát kết luận không hiệu quả

Trước những lời khai trên, chủ tọa trích dẫn cáo trạng và tài liệu vụ án thể hiện, 8 dự án mà ông Hải quảng bá "sinh lãi triệu đô" đều bị viện kiểm sát kết luận không hiệu quả, có khả năng sinh lãi như hứa hẹn. "Vậy dựa vào đâu bị cáo trả lãi 40-50% cho người ta, bị cáo có kinh doanh sản xuất gì không?", chủ toạ chất vấn.

"Tiến sĩ dạy làm giàu" tiếp tục khẳng định các dự án đều có khả năng sinh lãi, có tiềm năng, đặc biệt là dự án "mạng xã hội dạy làm giàu". Ông Hải còn cho biết thời điểm ông bị bắt, trang đã có khoảng 600.000 - 700.000 thành viên, "dự kiến một năm sau sẽ có 2 triệu người và giá trị lên đến 2 tỉ USD", chắc chắn sẽ có doanh nghiệp nước ngoài muốn mua lại.

Ông Hải viện dẫn thêm ví dụ khác là dự án trồng cây mắc ca, được mệnh danh "cây trồng tỉ đô". "Nhưng đúng lúc cây sắp ra quả, sinh lời, tôi bất ngờ bị cơ quan điều tra bắt giữ, nhà đầu tư mất cơ hội thu lợi nhuận", bị cáo phân trần.

Đại diện công ty Maccadamia tại toà cho hay, ông Hải đầu tư tổng hơn 20 tỷ đồng để mua tổng cộng hơn 2 triệu cổ phần của công ty. Từ 2021, công ty bắt đầu có lãi, "năm 2021 hơn một tỷ đồng, năm 2022 cũng vậy", vị đại diện cho biết. Theo cáo trạng, 7 dự án còn lại cũng đều chưa có lãi, hoặc đang lỗ, chỉ hoạt động trên pháp lý.

Trước con số lợi nhuận như vậy, Hội đồng xét xử hỏi bị cáo lấy tiền đâu trả lãi 40 - 50% cho những nhà đầu tư ký hợp đồng ngắn hạn, 6 tháng, 1 năm? Ông Hải thừa nhận dựa vào nguồn tiền của các nhà đầu tư tiếp theo để "đầu tư tiếp sức".

Tiếp tục bị Hội đồng xét xử truy vấn về khái niệm "đầu tư tiếp sức" tức là "lấy tiền người sau trả tiền người trước?", ông Hải không thừa nhận, cũng không bác bỏ, mà cho rằng đó là hình thức "đầu tư tiếp sức".

Vị "tiến sĩ dạy làm giàu" còn khẳng định "nếu không bị bắt, chỉ trong 2 năm có thể khiến mỗi dự án sinh lời 1 tỉ USD".

Ngoài ra, bị cáo có quan điểm, các cổ phần mình mua tại 8 công ty trên là tài sản của mình, trường hợp buộc phải trả tiền cho các nhà đầu tư, ông Hải sẽ thanh lý số cổ phần này để trả.

Theo cáo trạng, ông Hải thành lập công ty IDT từ năm 2007, hoạt động dịch vụ hỗ trợ giáo dục, tư vấn quản lý; sản xuất bán buôn bán lẻ thực phẩm, hoá chất công nghiệp và tổ chức hội nghị, hội thảo. Việc kinh doanh không hiệu quả, một năm sau, ông Hải lập website hoclamgiau.vn, tổ chức các hội thảo dạy làm giàu.

Tại các buổi học, hội thảo, ông Hải tự giới thiệu là tiến sĩ, nhiều kinh nghiệm kinh doanh tại Liên Xô cũ (nay là LB Nga), có tài đầu tư, kinh doanh. Công ty IDT đang triển khai các dự án có lãi cao, làm giàu từ cây công nghiệp macca, có siêu dự án...

Để tạo tin tưởng cho nạn nhân, ông Hải đưa ra các hợp đồng góp vốn với lãi suất 40-50%/ năm, cắt lãi ngay khi nộp tiền. Ông Hải mở rộng mạng lưới huy động vốn bằng cách chi 2-10% tiền "thưởng kết nối" dành cho những người môi giới hợp đồng mới.

Trước đó, ông Hải từng bị tuyên án tù chung thân trong phiên sơ thẩm diễn ra tại TAND TP Hà Nội. Nhưng đến phiên xử phúc thẩm, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung số bị hại. Tại phiên xét xử lần thứ hai, số bị hại được xác định tăng từ 508 người lên 574 người.

Thuê căn hộ rồi làm giả giấy tờ, bán với giá rẻ

Thuê căn hộ rồi làm giả giấy tờ, bán với giá rẻ

Bí mật của nữ Giám đốc Công ty Minh Đạo

Bí mật của nữ Giám đốc Công ty Minh Đạo

“Thế chấp” ảnh khoả thân, thiếu nữ 20 tuổi mắc bẫy kẻ lừa đảo

“Thế chấp” ảnh khoả thân, thiếu nữ 20 tuổi mắc bẫy kẻ lừa đảo

Trung Kiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động