Thứ sáu 29/03/2024 22:28

Tiền lương của gần 7.000 lao động vẫn đang bị doanh nghiệp nợ hơn 110 tỷ đồng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngoài ra, hơn 120 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) của trên 32.300 lao động, với tổng tiền nợ gần 240 tỷ đồng.
Tiền lương của gần 7.000 lao động vẫn đang bị doanh nghiệp nợ hơn 110 tỷ đồng
Vẫn còn gần 7.000 người lao động bị doanh nghiệp nợ lương (ảnh minh họa)

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (lao động-TB&XH), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhóm họp về tình hình lao động bị giảm, mất việc làm cuối năm.

Theo đó, biến động của tình hình thế giới khiến nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như da giày sụt giảm 20-30% đơn hàng; dệt may giảm 30-50%; chế biến gỗ giảm 70%; công nghiệp phụ trợ giảm 50%… Gần nửa triệu lao động chính thức bị ảnh hưởng trực tiếp. Nhiều doanh nghiệp cố gắng chưa cắt giảm công nhân song đã ngừng tăng ca, giảm giờ làm, cắt phép năm cho người lao động.

Dự báo tình hình này sẽ còn kéo dài tới giữa năm tới. Do đó, các Bộ, ngành đang nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp, gói tài chính hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, đặc biệt dịp Tết sắp tới gần.

Số liệu của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có hơn 1.200 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành bị thiếu đơn hàng phải cắt giảm giờ làm và lao động, đa số là doanh nghiệp dân doanh và có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Tổng số lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm hơn 470.000 lao động, trong đó lao động làm trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới gần 75%. Trong số lao động bị giảm giờ làm, phải nghỉ việc, có hơn 30.000 lao động nữ trên 35 tuổi, và hơn 9.400 lao động đang trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ (dưới 12 tháng).

Trong tổng số gần nửa triệu lao động bị ảnh hưởng việc làm, có hơn 41.500 người phải thôi việc, mất việc (chiếm gần 9%), số còn lại bị giảm giờ làm (giảm giờ làm hàng ngày, làm cách nhật, nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng).

Đặc biệt, có 30 doanh nghiệp đang nợ lương của gần 7.000 người lao động, với tổng số tiền nợ hơn 110 tỷ đồng; hơn 120 doanh nghiệp nợ BHXH của trên 32.300 lao động, với tổng tiền nợ gần 240 tỷ đồng.

Theo VCCI, lúc này Nhà nước cần có chính sách giúp doanh nghiệp giữ chân, giữ việc cho lao động. Trong đó việc trích Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là khả thi bởi đây là quỹ ngắn hạn và hiện kết dư khá nhiều, khoảng 55.750 tỷ đồng sau khi gia hạn hỗ trợ thêm hơn 414.000 lao động thuộc Nghị quyết 116 (gói 38.000 tỷ đồng) và quỹ vẫn đảm bảo an toàn. Nguồn quỹ này tăng hàng năm chủ yếu do hai bên đóng góp, hỗ trợ doanh nghiệp trên thực tế cũng là chi về cho người lao động.

VCCI nêu ý kiến, cơ quan chức năng có thể hỗ trợ trực tiếp chi phí cho doanh nghiệp đào tạo lại hoặc nâng cao tay nghề cho lao động trong thời gian phù hợp. Mục đích là giữ chân công nhân trong bối cảnh thiếu việc làm, thay vì để họ phải về quê, họ được tham gia các khóa đào tạo phù hợp với những vị trí việc làm mà doanh nghiệp đang bị thiếu hụt; sau này khi đơn hàng trở lại, các công ty cũng không phải tuyển mới.

Doanh nghiệp cũng qua VCCI kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng để doanh nghiệp được vay vốn chăm lo cho người lao động. Đồng thời, Chính phủ nới điều kiện cho vay gói hỗ trợ lãi suất 2%, bình ổn giá xăng dầu, điện để sản xuất được ổn định; kiến nghị xem xét gia hạn gói 26.000 tỷ đồng bởi nhiều chính sách hỗ trợ cho lao động lẫn doanh nghiệp phù hợp áp dụng trong thời điểm này.

Giúp doanh nghiệp không bị đứt gãy nguồn cung lao động
Tăng lương tối thiểu vùng: Chia sẻ với người lao động, hài hòa lợi ích với doanh nghiệp
Hà Nội giải quyết việc làm cho hơn 137.000 lao động trong 7 tháng
Dương Quyên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động