Nâng cao chất lượng thông tin về kinh tế và doanh nghiệp trên báo chí
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTại diễn đàn, thông qua trao đổi, thảo luận nhìn thấy được giải pháp đặt mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp trên nền tảng vững chắc, lành mạnh hơn. |
Diễn đàn năm nay có chủ đề “Nâng cao chất lượng thông tin về kinh tế và doanh nghiệp trên báo chí” với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí, lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; các chuyên gia kinh tế, luật sư, giảng viên và các phóng viên, nhà báo… Tại diễn đàn, các đại biểu cùng nhau trao đổi, chia sẻ các vấn đề liên quan đến nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin kinh tế, doanh nghiệp trên báo chí để thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền báo chí về kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân, đảm bảo tính khách quan, trung thực, công bằng, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội, hạn chế các hiện tượng tiêu cực và thông tin sai lệch, không chính xác ảnh hưởng đến doanh nghiệp có ý nghĩa lớn với cả hai phía doanh nghiệp và báo chí khi đóng góp quan trọng vào việc thuận lợi hóa môi trường kinh doanh cũng như xây dựng một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhận định: để hỗ trợ, động viên đội ngũ doanh nhân vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy vai trò nòng cốt, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, VCCI nhận thấy ngay lúc này cần khơi dậy mạnh mẽ khí thế, tinh thần kinh doanh trong xã hội và trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, thổi bùng lên khát vọng đưa nước ta bước sang “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, nắm bắt các cơ hội lịch sử đang mở ra để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Vì vậy, vai trò của báo chí, truyền thông trong việc truyền cảm hứng, khơi dậy khí thế kinh doanh là vô cùng quan trọng. Yếu tố tinh thần luôn là sức mạnh đặc biệt của cách mạng Việt Nam và con người Việt Nam, đã giúp nước ta thu được những thành tựu to lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đặc biệt, khí thế, tinh thần kinh doanh sôi động trong thời kỳ đổi mới đã góp phần quan trọng tạo ra sự chuyển đổi, phát triển kinh tế vượt bậc của Việt Nam.
Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: trong thời gian qua, báo chí đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Thông qua báo chí, người tiêu dùng biết đến thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp trong nước nhiều hơn, từ đó nâng cao nhận thức, tình yêu và sự tin dùng với hàng Việt Nam, góp phần hỗ trợ sự phát triển doanh nghiệp nước nhà. Đồng thời, giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường đầy đủ, điều chỉnh chính sách kinh doanh và ra quyết định phù hợp.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: nhiều bài báo về doanh nghiệp còn thiếu tính chuyên sâu, phân tích sâu sắc về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến thông tin về doanh nghiệp đến thị trường không đầy đủ, đôi khi còn có sai lệch; tình trạng một số bài báo đưa tin thiếu khách quan…
Với 2 phiên thảo luận tại Diễn đàn, ông Lê Quốc Minh đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn 3 vấn đề chủ yếu: Báo chí đóng vai trò gì trong việc thông tin về nền kinh tế, doanh nghiệp và thu hút đầu tư? Làm thế nào để xây dựng một mối quan hệ hợp tác bền vững, tin cậy giữa báo chí và doanh nghiệp? Làm thế nào để nâng cao tính chính xác, khách quan, kịp thời của thông tin kinh tế và doanh nghiệp trên báo chí? Làm thế nào để giải quyết vấn đề thông tin sai lệch, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và báo chí? Công tác đào tạo nghiệp vụ thông tin kinh tế cho phóng viên, nhà báo trong nền kinh tế số hiện nay.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo số liệu thống kê, lực lượng báo chí tại Việt Nam hiện nay có 806 cơ quan báo chí, 137 báo, hơn 70 đơn vị làm phát thanh truyền hình trong cả nước.
Lực lượng báo chí lớn này đã góp phần tạo ra lượng tin tức khổng lồ, mỗi một năm khoảng 49 triệu tin bài chỉ trên hạ tầng điện tử, sau đó lan tỏa thành hàng trăm triệu tin bài trên không gian mạng; sản xuất hơn 20 nghìn giờ phát thanh, hơn 50 nghìn giờ truyền hình phát song với nội dung đa dạng, bao gồm các thông tin kinh tế, doanh nghiệp.
Báo chí luôn là lực lượng thông tin chủ lực, dòng thông tin chính định hướng xã hội; tham gia phục vụ xã hội, cung cấp thông tin và tri thức, đồng thời tham gia vào quy trình ra quyết định của cá nhân và tổ chức.
Báo chí vừa làm nhiệm vụ chính trị, trong cơ chế, tình hình kinh tế có nhiều khó khăn, doanh thu quảng cáo giảm sút, người dân đọc báo miễn phí, điện tử… không tương xứng với kỳ vọng của xã hội về những đóng góp của báo chí.
Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: trong thời gian qua, báo chí đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. |
Những năm qua, ghi nhận nhiều trường hợp đau xót, làm cho mối quan hệ, niềm tin của doanh nghiệp với báo chí bị giảm sút. Giao dịch giữa doanh nghiệp với báo chí mang tính riêng lẻ. Một bộ phận cơ quan báo chí hoạt động mang tính bới móc; nhiều khi câu chuyện điều tra bị tương tác khác, không phục vụ quyền được biết của công luận mà đi tìm lợi ích khác mối quan hệ giữa doanh nghiệp với báo chí vẫn có nguy cơ lệch hướng.
Tại Diễn đàn, thông qua trao đổi, thảo luận nhìn thấy được giải pháp đặt mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp trên nền tảng vững chắc, lành mạnh hơn; cùng hỗ trợ nhau đưa ra những sản phẩm dịch vụ tốt đối với xã hội, trong đó sản phẩm báo chí chất lượng cao đòi hỏi phải đầu tư mà không phải cơ quan báo chí nào cũng đơn phương giải quyết được.
Phát biểu kết luận Diễn đàn, ông Phan Xuân Thuỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, VCCI cần tiếp tục đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, doanh nhân và đội ngũ báo chí để góp phần bảo vệ, hỗ trợ, phát triển mối quan hệ trong sáng, tích cực, hài hòa, tôn trọng, trách nhiệm giữa báo chí - doanh nghiệp, tránh việc thông tin một chiều, thiếu khách quan, không chuẩn xác có thể tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, gây tổn hại uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp và doanh nhân, đến môi trường kinh doanh cũng như hình ảnh của chính nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Các cơ quan báo chí cần đặt trọng tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền về doanh nghiệp, doanh nhân; khích lệ tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh trong xã hội, thúc đẩy xây dựng văn hóa cơ quan báo chí và văn hóa doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Báo chí cần góp phần quan trọng để “khu vực doanh nghiệp sẽ đóng vai trò lớn hơn nữa, quan trọng hơn nữa cho sự thịnh vượng của quốc gia”; để “đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát huy tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, đề cao đạo đức kinh doanh, có hoài bão lớn và khát vọng phát triển, trở thành mẫu mực của tinh thần doanh nghiệp, kinh doanh liêm chính, nhân văn và có trách nhiệm” - như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc gặp mặt Đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của VCCI và Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu bấm nút khai trương giao diện mới cho Trang thông tin điện tử của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và trao giải Chương trình bình chọn các tác phẩm báo chí viết về doanh nhân, doanh nghiệp và phát triển môi trường kinh doanh bền vững. Chương trình nhằm khích lệ, động viên những người làm báo đồng hành, chia sẻ trong xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp và kinh tế đất nước.
“Định hướng tư duy, Phát huy chuẩn mực” |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại