Tăng lương tối thiểu vùng: Chia sẻ với người lao động, hài hòa lợi ích với doanh nghiệp
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNếu không quản lý tốt giá cả hàng hóa sau tăng lương, thì không chỉ người lao động, DN bị ảnh hưởng, tình hình kinh tế vĩ mô, lạm phát cũng chịu tác động theo |
Phương án duy nhất được Hội đồng Tiền lương quốc gia đưa ra để bỏ phiếu kín
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên 2 năm qua (2020 và 2021) Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. Lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng gần nhất là từ ngày 1/1/2020 với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng. Từ đó đến nay, các DN tiếp tục duy trì mức lương tối thiểu theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP mà chưa điều chỉnh tiền lương cho người lao động.
Với mức lương tối thiếu 2 năm không tăng cộng với dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã và đang khiến đời sống, việc làm, thu nhập của một bộ phận không nhỏ người lao động và gia đình họ gặp rất nhiều khó khăn.
Theo đại diện lãnh đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, căn cứ Điều 91 Bộ luật Lao động 2019, cùng với đó, căn cứ theo Nghị quyết Số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN, từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Các DN được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của DN.
Hơn thế, Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn phục hồi, phát triển, đặc biệt trong quý I vừa qua nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi rất mạnh mẽ. Trong khi đó người lao động vẫn đang hết sức khó khăn. Tăng lương lúc này vừa để hỗ trợ giúp cho người lao động vượt qua khó khăn, đồng thời là động lực để tăng năng suất lao động, giúp cho DN phục hồi nhanh, phát triển mạnh.
Với đa số phiếu tán thành, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng thuận và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định. Đây cũng là phương án duy nhất được Hội đồng Tiền lương quốc gia đưa ra để bỏ phiếu kín.
Đừng để tái diễn câu chuyện lương tăng giá cả cũng tăng theo
Hầu hết người lao động đều mong chờ được tăng lương sau hơn 2 năm dịch bệnh, bởi thu nhập bị giảm do DN có những thời điểm không đủ đơn hàng để sản xuất, dẫn đến thu nhập không đủ chi phí sinh hoạt, nếu vẫn tiếp tục thì đời sống vô cùng khó khăn. Thời điểm này, tăng lương vừa để hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn, đồng thời cũng chính là động lực để tăng năng suất lao động, giúp DN phục hồi nhanh, phát triển mạnh mẽ.
Đồng tình với việc tăng lương, nhưng đại diện nhiều DN cũng cho rằng, với những DN nhỏ, sử dụng ít lao động thì việc tăng lương không ảnh hưởng nhiều, nhưng với những DN lớn, có số lao động làm việc lên tới hàng trăm, hàng ngàn lao động thì việc tăng lương cũng tác động rất lớn đến chi phí của DN. Vì vậy, chia sẻ với người lao động, nhưng cũng cần hài hòa lợi ích với DN.
Theo một số DN có vốn đầu tư nước ngoài, mức lương trả cho người lao động hiện nay đã cao hơn mức tối thiểu vùng quy định. Mức lương tối thiểu vùng tăng lên thì khoản đóng góp bảo hiểm cho người lao động mà DN phải chi trả cho người lao động sẽ cao hơn, điều này cũng gây khó cho DN trong bối cảnh 2 năm qua chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Trong bối cảnh DN vừa phục hồi sau Covid-19, để duy trì sản xuất, tạo được công ăn việc làm ổn định cho người lao động, nhiều khi phải chấp nhận giảm lợi nhuận, chấp nhận cả những đơn hàng không có lãi để tạo việc làm cho công nhân, giúp họ có việc làm ổn định. Giờ lại tăng lương, các khoản đóng góp bảo hiểm cho người lao động cũng tăng lên, khiến DN đã khó càng thêm khó.
Ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê cho biết: Trong bối cảnh các hoạt động dần đi vào trạng thái bình thường như hiện nay, việc tăng lương tối thiểu vùng được tính đến để bù đắp chi phí cho người lao động và tái sản xuất sức lao động, đó cũng là một trong những nguyện vọng chính đáng của người lao động. Mặc dù nhiều DN đã trả mức lương cho người lao động cao hơn, nhưng qua nghiên cứu cho thấy, mỗi lần tăng mức lương tối thiểu vùng thì 90% số DN sẽ áp dụng mức tăng này. Tiền lương cũng là yếu tố đầu vào của sản xuất, nên việc tăng tiền lương sẽ làm tăng chi phí đầu vào, giá cả hàng hóa và gây ra những khó khăn cho DN. Vì thế, cần có những bước đi thận trọng, tham khảo ý kiến DN, người lao động và đưa ra quyết định phù hợp.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các DN cũng cần tiến hành cân đối lại thu chi, tiết giảm những chi phí không cần thiết, khuyến khích người lao động đóng góp sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phấn đấu để thu xếp nguồn lực trả đúng, trả đủ lương cho người lao động tại DN. Trên tinh thần người lao động và DN cùng đồng hành, chia sẻ lợi ích. Bên cạnh tiết giảm chi phí không cần thiết thì vấn đề tăng năng suất cũng cần được cả DN và người lao động chú trọng, vì với DN, lương chỉ tăng khi năng suất lao động tăng và ngược lại. Điều đó sẽ không khiến DN rơi vào tình trạng thua lỗ, thậm chí phải đóng cửa, dừng hoạt động. Cùng với đó, nếu không quản lý tốt giá cả hàng hóa sau tăng lương, thì không chỉ người lao động, DN bị ảnh hưởng, tình hình kinh tế vĩ mô, lạm phát cũng chịu tác động theo. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại