Thuế tiêu thụ đặc biệt rượu, bia tăng lên 100%, doanh nghiệp "đứng ngồi không yên"
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
|
Theo đó, dự thảo sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt thể hiện các mặt hàng bia chịu thế 80% từ 2026 và 100% vào 2030. Mức thuế với rượu 50-100% (tùy nồng độ dưới hay trên 20 độ). Như vậy theo tính toán, giá bán các mặt hàng này sẽ tăng 20% vào năm 2026 và thêm 2-3% ở các năm tiếp theo.
Phát biểu về vấn đề này tại hội thảo lấy ý kiến do Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 11/7, ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc đối ngoại Heineken Việt Nam cho rằng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành bia sẽ chịu tác động “rất tiêu cực” nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ở giai đoạn này.
Dẫn chứng về tình hình kinh doanh của Heineken Việt Nam, ông Phúc cho biết trong năm vừa qua hãng bia này chứng kiến sự sụt giảm doanh số ở mức hai con số, lần đầu sau nhiều thập kỷ. Ông Phúc cho rằng chính sách cần đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu tăng thu ngân sách, ổn định kinh tế và bảo vệ sức khỏe người dân.
Ủng hộ chính sách thuế để tăng thu ngân sách, hạn chế tác hại của đồ uống có cồn, nhưng đại diện Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng thừa nhận việc tăng thuế sẽ tác động tới cung cầu, sản lượng tiêu thụ. Thế nên, đại diện thương hiệu này mong muốn các cơ quan quản lý có chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp.
Thống kê cho thấy tại thị trường Việt Nam, bia chiếm 98,6% thị phần ngành đồ uống có cồn. Trong đó, các thương hiệu như: Sabeco, Heineken Việt Nam, Habeco, Carlsberg là những doanh nghiệp nắm giữ gần 95% thị phần và tổng sản lượng ngành.
Được biết, không chỉ có Heineken Việt Nam, thương hiệu Sabeco cũng tăng trưởng âm về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận từ năm 2021. Hãng hiện có 26 nhà máy ở 20 tỉnh thành, hầu hết nhà máy trong hệ thống gặp khó khăn do chi phí đầu vào tăng 20-40%, trong khi giá bán không tăng. Còn với Habeco, năm ngoái lượng bán của doanh nghiệp này giảm 30% so với năm 2019, nộp ngân sách giảm 10% và phải cắt giảm 25% lao động. Trong ngành rượu, Halico ghi nhận lỗ liên tiếp 27 quý. Doanh nghiệp này lỗ lũy kế gần 458 tỷ đồng.
Theo Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát (VBA), thuế tăng cao sẽ làm giảm cạnh tranh của sản phẩm trong nước, khiến nhập lậu gia tăng. Hiện mỗi năm có khoảng 200-300 triệu lít bia nhái thương hiệu. Cùng với đó, thuế tăng sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu của doanh nghiệp, dẫn đến nộp ngân sách giảm, kéo theo chuỗi cung ứng logistic, du lịch dịch vụ, nông nghiệp... bị ảnh hưởng.
Qua thực tế đó, đại diện VBA tiếp tục đề nghị cơ quan chức năng giãn tiến độ, giảm mức tăng thuế suất với rượu bia để tránh gây sốc cho doanh nghiệp. Cụ thể hơn, đại diện Heineken kiến nghị giữ ổn định thuế suất với bia ở mức 65% trong 3 năm đầu tiên từ ngày Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có hiệu lực. Sau đó, mức thuế suất tăng 3 năm một lần, tối đa 3-5% mỗi lần điều chỉnh. Họ cũng kiến nghị áp thuế theo các nồng độ cồn để đảm bảo công bằng. Chẳng hạn, bia nồng độ cồn dưới 5,5% chịu thuế 65%; nồng độ 5,5-15% thuế suất 70% và trên 15% thuế 75%.
Được biết, trong giai đoạn 2010-2015 thuế tiêu thụ đặc biệt với bia duy trì ở mức 45-50%, sau đó tăng theo lộ trình từ 2016. Hiện mức áp với bia là 65%, rượu 35-65% tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ.
Theo Bộ Tài chính, thuế suất điều chỉnh nhưng sức mua mặt hàng này vẫn tăng, do thu nhập của người dân tăng nhanh hơn. Họ đánh giá thuế và giá mặt hàng này còn ở mức thấp, chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước là 40-85%.
“Lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt vừa qua chưa đủ mạnh để giảm tiêu dùng”, Bộ Tài chính cho hay, khẳng định cần tiếp tục tăng thuế lên ít nhất 40% giá bán lẻ. Bên cạnh đó, sử dụng rượu, bia vẫn ở mức cao, có xu hướng tăng.
Cụ thể, trong năm 2023, Việt Nam sản xuất, tiêu thụ trên 4,5 tỷ lít bia. Tỷ lệ lạm dụng rượu bia trên tổng dân số cũng tăng gấp 10 lần sau 6 năm, từ 1,4% vào năm 2010 lên 14,4% vào 2016. Trong khi đó, thuế tiêu thụ đặc biệt liên tục tăng từ năm 2008 đến 2018.
Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi): rượu, bia có thể chịu thuế tiêu thụ đặc biệt |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại