Thứ sáu 22/11/2024 18:24

Thực hư thông tin điều trị thành công cho thiếu nữ lên cơn dại sau khi bị chó cắn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mới đây, trên một số trang báo xuất hiện thông tin một nữ bệnh nhân bị lên cơn dại sau khi bị chó cắn đã được điều trị thành công. Tuy nhiên, PGS-TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai khẳng định: Bệnh dại từ xưa đến nay khi đã lên cơn thì không có thuốc chữa (100% tử vong).
Thực hư thông tin điều trị thành công cho thiếu nữ lên cơn dại sau khi bị chó cắn
Bệnh nhi được điều trị tại BV Sản-Nhi Cà Mau (ảnh TL)

Cụ thể, ngày 23/8 một số trang báo điện tử đưa tin BV Sản-Nhi Cà Mau vừa điều trị thành công cho bệnh nhi nữ 15 tuổi lên cơn dại sau khi bị chó cắn.

Theo đó, khi đến nhà người quen chơi thì H.T.N, SN 2007, ở huyện Ngọc Hiển, Cà Mau đã bị chó tấn công vào bắp chân, cổ tay, chảy nhiều máu dẫn đến ngất xỉu. Ngay sau đó, bệnh nhân được đưa đi cấp cứu và tiêm vắc-xin phòng dại vào ngày 11/7.

Đến ngày 2/8, bệnh nhân có các biểu hiện bất thường, sợ ánh sáng, sợ nước, cắn những người xung quanh... và được gia đình đưa đến bệnh viện điều trị.

Tại BV Sản-Nhi Cà Mau, qua chẩn đoán các bác sỹ ghi nhận đây là ca bệnh dại lâm sàng với các triệu chứng điển hình. BV đã quay hình khi bệnh nhân lên cơn dại gửi lên Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, BV Nhiệt đới và đều được chẩn đoán là bệnh dại lâm sàng, điều trị theo phác đồ bệnh dại lâm sàng.

Sau hơn 20 ngày điều trị, bệnh nhân bị bệnh dại đã qua cơn nguy kịch. Tình trạng bệnh nhân ổn định, giao tiếp tốt, ăn uống bình thường.

Trước thông tin này, PGS-TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai, chuyên gia đầu ngành về bệnh truyền nhiễm khẳng định: Bệnh dại từ xưa đến nay khi đã lên cơn thì không có thuốc chữa (100% tử vong). Căn cứ thông tin được BV đưa ra được đăng tải trên báo chí, bệnh nhân này đã được tiêm 4 mũi vắc-xin ngay sau khi bị chó cắn. Như vậy là khá an toàn có thể bảo vệ được bệnh nhân khỏi bị dại.

“Cháu tiêm được 4 mũi rồi tức là ngày thứ 14 rồi mới có biểu hiện của dại thì theo lý thuyết lúc đó con chó (nhà người quen hàng xóm) chắc chắn phải chết vì dại rồi. Nếu ngày đó mà chó còn sống thì chó dại sao được? Mà chó nếu còn sống (tức không bị dại) thì người sao lại bị dại lên cơn. Trong trường hợp này cần phải hỏi xem tình trạng của con chó hiện nay ra sao? Ngoài ra cũng cần phải đặt ra chất lượng của vắc-xin: Tiêm vắc-xin loại nào, có tiêm huyết thanh kháng dại hay không, sau tiêm có tác dụng phụ gì không? Quá trình theo dõi và xử lý tác dụng phụ sau tiêm ra sao?", TS. Cường đặt vấn đề.

Về việc Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh và BV Bệnh Nhiệt đới chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh dại lâm sàng dựa trên clip mà BV Sản-Nhi Cà mau cung cấp, TS. Đỗ Duy Cường bày tỏ không đồng tình. Theo ông, trong kỷ nguyên của y học hiện đại có rất nhiều phương pháp xét nghiệm để xác định bệnh dại, lẽ ra hai đơn vị này phải đến tận nơi hội chẩn và chứng kiến cơn dại; khám cẩn thận tìm dấu hiệu thực thể khách quan chỉ có ở bệnh nhân dại, rồi lấy mẫu xét nghiệm (máu, nước bọt, nước tiểu, sinh thiết da gáy,…) để làm xét nghiệm khi có kết quả khẳng định dương tính thì mới chắc chắn. Chỉ nghe kể hoặc xem quay hình clip mà khẳng định dại thì không thể chấp nhận được-nhất là khi thấy nói đến chi tiết là bệnh nhân “cắn” người xung quanh và “sủa” như trong clip là chưa từng có trong y văn.

Thực hư thông tin điều trị thành công cho thiếu nữ lên cơn dại sau khi bị chó cắn
PGS-TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai

Để xác định ca bệnh dại, bác sĩ lâm sàng chuyên khoa sẽ phải căn cứ vào dịch tễ (chó dại cắn sẽ chết trong vòng 7-10 ngày); triệu chứng điển hình của bệnh dại thể hung dữ (sợ nước, sợ gió, tiết đờm dãi, có tiếng thít thanh quản khi uống nước hoặc quạt gió, mất ngủ, bồn chồn, cương dương xuất tinh ở nam giới), hoặc thể liệt “hướng thượng” (liệt 2 chân rồi liệt tứ chi) rồi kết cục vẫn là tử vong đối đa sau 1-2 tuần. Đặc biệt là bệnh nhân không “cắn” ai cả và cũng không sủa “gâu gâu” như trong clip đã đưa, vì cắn và sủa là bản năng của chó, không phải của người”, TS. Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.

Bệnh dại từ xưa đến nay luôn để lại nỗi ám ảnh, hoảng sợ trong dân chúng. Do vậy đã có nhiều trường hợp “giả dại” hoặc “dại tưởng tượng” thực tế do chó bình thường cắn, hoặc cắn không chảy máu,… nhưng quá lo sợ nên tưởng tượng ra mình bị lên cơn, cũng thấy mình có các triệu chứng như “sợ gió, sợ nước”... Sau một thời gian bệnh nhân không chết vì dại nên nhân cơ hội này một số bác sĩ “lang băm” nhận là chữa khỏi bệnh dại. Chính chi tiết “cắn người xung quanh” là triệu chứng không thể có ở bệnh nhân dại để chúng ta khẳng định ca này là “dại tưởng tượng".

“Có thể cháu này 15 tuổi tâm lý đang độ tuổi không ổn định, do quá hoảng sợ nên cố gắng “diễn” những triệu chứng của dại mà cô bé tượng tượng ra hoặc đọc trong sách vở như là cắn xé người khác và làm theo. Bệnh nhân này cần được khám hội chẩn bởi các chuyên gia tâm lý”, PGS-TS. Đỗ Duy Cường khuyến cáo.

“Tôi công tác trong ngành truyền nhiễm gần 30 năm, đã chứng kiến hàng trăm bệnh nhân dại nhưng chưa bao giờ thấy bệnh nhân dại nào lên cơn như đã mô tả, đây chỉ là giả dại mà thôi. Cần phải có hội đồng chuyên môn kết luận. Nếu khẳng định bệnh nhân được chữa khỏi thì xin cho biết thuốc gì, phác đồ gì vì bệnh dại hiện nay thế giới không có thuốc chữa. Nếu công bố như báo chí đưa tin thì cần cảnh giác với việc hậu quả sau này người dân bị chó cắn sẽ không đi tiêm vắc-xin nữa mà sẽ đi tìm các phương pháp chữa bệnh mà chưa được phép của Bộ Y tế”. PGS-TS. Duy Cường cảnh báo.
Người đàn ông thiệt mạng vì chủ quan với vết cắn của chó nuôi trong nhà
Trẻ tử vong do bệnh dại vì bố mẹ từ chối tiêm vắc-xin khi con bị chó cắn
Vá nhiều vết rách chằng chịt cho bé gái 3 tuổi bị chó tấn công
Bé trai bị chó tấn công lóc toàn bộ da vùng kín
Bé trai nhập viện vì bị chó nhà hàng xóm tấn công
Bé trai 8 tuổi nhập viện với vết thương hở xương sọ do chó cắn
Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động