Thúc đẩy sự phát triển của hàng Việt
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgười tiêu dùng đang lựa chọn hàng Việt tại siêu thị Aeon Maxvalu Kosmo, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Đăng |
Hàng Việt đã có những chuyển biến tích cực
Theo Bộ Công Thương, sau gần 15 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tỉ lệ người dân dùng hàng Việt đã tăng mạnh từ mức 73% lên hơn 85%. Người tiêu dùng ngày càng được tiếp cận nhiều chủng loại hàng hóa trong nước có chất lượng cao, uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Các doanh nghiệp (DN) phân phối, đánh giá chất lượng hàng Việt Nam được cải tiến rất nhiều, mẫu mã đẹp, giá thành hợp lý…giúp người tiêu dùng biết và tin tưởng sử dụng sản phẩm hơn.
Còn ở thị trường nước ngoài, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, các FTA thế hệ mới, FTA song phương và đa phương đã tạo ra mạng lưới thị trường rộng lớn cho hàng Việt, trở thành bàn đạp cho các DN, ngành hàng của Việt Nam đưa hàng hóa ra thị trường nước ngoài, tạo vị thế vững chắc, nâng cáo giá trị hàng Việt.
Qua khảo sát của Hội Doanh nghiệp, hàng Việt Nam chất lượng cao, đa số người bán đánh giá sản phẩm của DN đạt chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao được nhiều người mua 80%, có thương hiệu uy tín 60%, sản phẩm đa dạng chủng loại 47%, giá bán cạnh tranh 39%. Trên 50% đánh giá DN có nhiều sản phẩm mới hoặc được cải tiến trong năm qua. Điều này cho thấy người tiêu dùng ngày càng tin tưởng đón nhận, sử dụng hàng Việt.
Tại Hà Nội, thời gian qua, hàng loạt Tuần hàng Việt Nam đã được tổ chức. Thông qua Tuần hàng Việt, các DN có thêm cơ hội để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt đến với người dân và du khách trên địa bàn TP. Người tiêu dùng có thêm cơ hội tiếp cận, mua sắm tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa có chất lượng do các DN Việt Nam sản xuất.
Chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu
Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Nguyễn Anh Đức, để nâng cao vị thế của hàng Việt, các DN Việt cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất theo xu hướng kinh tế xanh, tuần hoàn; chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị và phát triển các kênh phân phối hiệu quả.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng cần tổ chức rà soát, tổng kết, đánh giá lại tình hình triển khai chương trình, đề án phát triển thương hiệu ngành sản phẩm đã ban hành từ trước đến nay để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung phù hợp; nâng cao năng lực xây dựng, phát triển thương hiệu cho chủ thể liên quan.
Tiếp đó, cần chú trọng phát triển hệ thống bán lẻ nội địa, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển phương thức thương mại điện tử. Đối với các DN cần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học, công nghệ; chủ động hợp tác, liên kết, tạo chuỗi cung ứng từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh doanh...
Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội khuyến nghị, DN cũng cần chủ động đầu tư, tiếp tục thay đổi, cải tiến mẫu mã, công nghệ tiên tiến, tăng năng suất lao động, hạ giá thành, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm; chủ động hợp tác, liên kết để tạo chuỗi cung ứng từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng. Các cấp, ngành, DN cũng cần chung tay xây dựng các thương hiệu hàng Việt đủ mạnh, không chỉ đứng vững trên thị trường nội địa mà còn vươn tầm khu vực, thế giới. |
Đưa hàng Việt đến với người dân và du khách trên địa bàn Thủ đô |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại